Nghệ An: Cây 'thần dược' chữa bệnh liệt dương đắt hàng

01/03/2017 09:39

(Baonghean.vn) - Cây lằng là vị thuốc tốt cho tiêu hóa, chống ngộ độc cho gan và đặc biệt chữa được bệnh liệt dương ở đàn ông. Hiện lá lằng được thu mua với giá 25 nghìn đồng/kg tại vườn.

» Nguyễn Đình Thục – 'ngựa đã quen đường cũ'

Cây lằng hay còn gọi là sâm nam, chân chim thường mọc trong các khu rừng ở Thanh Hóa và Nghệ An. Ở Quỳnh Lưu, cây lằng được người dân các xã miền núi Tân Thắng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu... vào rừng hái về sử dụng, sau đó đưa giống về trồng ngay trong vườn nhà.

Cây lằng được người dân xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu) thuần hóa trồng tại vườn. Ảnh: Việt Hùng
Cây lằng được người dân xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu) thuần hóa trồng tại vườn. Ảnh: Việt Hùng

Bà Vũ Thị Bích Quế - một hộ trồng cây lằng ở xã Quỳnh Thắng cho biết: Lá cây lằng ăn được, tốt cho sức khỏe nên người dân hái về sử dụng. Sau đó, người dân nhổ cây con trong rừng đưa về trồng ở vườn nhà. Hiện nay, rất nhiều hộ ở xã Quỳnh Thắng trồng và nhân rộng loại cây này.

Gia đình bà Quế là hộ trồng nhiều nhất xã với hơn 1.000 gốc. Cây lằng được trồng trong thời gian 5 tháng sẽ cho thu hoạch lá; lá non và lá bánh tẻ đâm chồi nhiều nhất là từ tháng Giêng đến tháng 6, còn lại cây lằng thu hoạch lá quanh năm. Với hơn 1.000 gốc, gia đình bà Quế thu nhập trên dưới 50 triệu đồng/năm.

Lá lằng được thương lái thu mua, bán ở các điểm chợ chính trong huyện. Ảnh: Việt Hùng
Lá lằng được thương lái thu mua, bán ở các điểm chợ chính trong huyện. Ảnh: Việt Hùng

Lá lằng là cây thân gỗ, độ cao của cây từ 1/2m - 2m, lá chia thuỳ 5, 6 cánh giống cây ngũ gia bì chân chim nhưng có răng cưa ở mép, phiến lá mỏng màu xanh nhạt, gân lá nổi rõ màu nâu. Ở Quỳnh Lưu, canh lá lằng trở thành món ăn quen thuộc của người dân nơi đây. Để có món canh lá lằng ngon, hấp dẫn, hiện nay người dân thường nấu lá lằng với tép, thịt nạc xay nhỏ, cá trích, cá đồng...

Ngoài chế biến món canh trong bữa ăn hàng ngày, lá lằng còn được dùng làm thức uống giải khát thanh nhiệt trong mùa nóng, kích thích thèm ăn, tốt cho tiêu hóa, và có tác dụng chống ngộ độc cho gan rất tốt, nhất là trước những tác hại của rượu bia.

Vỏ rễ cây lằng được sử dụng làm vị thuốc trong bài bó xương gãy hoặc chấn thương. Rượu ngâm vỏ rễ cây lằng dùng đúng liều lượng và thường xuyên có tác dụng bồi bổ cơ thể rất lợi ích, đặc biệt có nhiều công dụng tốt cho điều trị nhiều bệnh phụ khoa ở phụ nữ, đàn ông liệt dương, viêm tinh hoàn.

Chính vì cây lằng có nhiều công dụng như vậy nên thương lái ở khắp nơi đều tìm lên vùng miền núi xã Quỳnh Thắng, Tân Thắng... để thu mua.

Chị Nguyễn Thị Hương- một thương lái ở xã Quỳnh Mỹ cho biết, bắt đầu từ tháng Giêng, chúng tôi thường tìm đến các hộ trồng lằng để thu mua với giá 25 nghìn đồng/kg tại vườn; mỗi ngày thu mua khoảng 50-70 kg lá; bán ở chợ với giá 2-3 nghìn đồng/bó.

Ngoài sử dụng tươi, lá lằng đựơc thái nhỏ, phơi khô, bảo quản được lâu. Ảnh: Việt Hùng
Ngoài sử dụng tươi, lá lằng đựơc thái nhỏ, phơi khô, bảo quản được lâu. Ảnh: Việt Hùng

Ông Lê Văn Nga - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng cho biết, trên địa bàn xã có nhiều hộ gia đình nhân giống cây lằng; một số hộ đã tự uơm giống để bán với giá từ 15-20 nghìn đồng/cây. Nhu cầu sử dụng lá lằng ngày càng tăng, địa phương sẽ khuyến khích bà con phát triển mở rộng diện tích trồng cây lá lằng, kết hợp với việc chế biến lá lằng thành 1 số sản phẩm để tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Việt Hùng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nghệ An: Cây 'thần dược' chữa bệnh liệt dương đắt hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO