Nghệ An có gần 5.000 cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ
(Baonghean.vn) - Con số này được đưa ra trong báo cáo tại buổi làm việc của UBND tỉnh với Đoàn giám sát của Quốc hội giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018”.
Đoàn giám sát do Thượng tướng Võ Trọng Việt - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát làm Trưởng đoàn công tác.
Tình hình cháy, nổ có thời điểm còn xảy ra nhiều
Dự buổi làm việc sáng 29/3, về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hữu Cầu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh.
Theo báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018 do đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An trình bày tại buổi làm việc, trong 4 năm tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh tuy được kìm giữ nhưng có thời điểm xảy ra còn nhiều.
Theo đó, toàn tỉnh xảy ra 347 vụ cháy, làm chết 7 người, bị thương 11 người, thiệt hại tài sản khoảng 64,1 tỷ đồng; xảy ra 8 vụ nổ làm chết 3 người, bị thương 19 người.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thu Giang |
Giá trị thiệt hại do cháy, nổ gây ra ở khu vực thành phố, các huyện, thị xã có khu công nghiệp, đô thị phát triển chiếm tỷ lệ cao. Nếu tính cả thiệt hại gián tiếp (ngừng sản xuất, kinh doanh, đầu tư khôi phục sau cháy, nổ…) thì tổng thiệt hại sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Nhiều vụ việc để lại hậu quả nặng nề cho con người, tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp chỉ đạo công tác chữa cháy tại hiện trường. Ảnh tư liệu |
Theo Phó Giám đốc Công an tỉnh Hồ Sỹ Tuấn, tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan là do Nghệ An là tỉnh có khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng, hanh khô kéo dài; diện tích lớn, dân số đông, tình hình kinh tế phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, ngày càng có nhiều nhà cao tầng, trung tâm thương mại, khu công nghiệp đi vào hoạt động…
“Về nguyên nhân chủ quan, chủ yếu là do con người thiếu ý thức và kiến thức về PCCC. Theo thống kê, số vụ cháy, nổ do ý thức chủ quan của con người gây ra (do sơ suất, vi phạm quy định về an toàn PCCC, đốt,…) chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vụ cháy, nổ”, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh chỉ rõ.
Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có hơn 940.500 ha rừng, hơn 11.865 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có hơn 4.990 cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ, 1 khu kinh tế, 9 khu công nghiệp với hơn 162 nhà máy, xí nghiệp, 230 chợ, 30 siêu thị, trung tâm thương mại, trên 500 nhà cao từng 5 tầng trở lên, gần 600 khách sạn…
Vẫn còn tình trạng coi PCCC là trách nhiệm của lực lượng cảnh sát
Giai đoạn 2014 - 2018, UBND tỉnh Nghệ An đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành 1 nghị quyết, 1 chỉ thị, 2 kế hoạch, 1 công điện, 3 thông báo và 2 công văn chỉ đạo công tác PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnhban hành 1 chỉ thị, 5 kế hoạch, 7 công điện và nhiều công văn chỉ đạo, tổ chức nhiều Hội nghị quán triệt triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo lớn của Trung ương và địa phương về công tác PCCC&CNCH…
Tỉnh đã thành lập Bộ phận Thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo PCCC&CNCH cấp tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo 21/21 UBND các huyện, thành, thị thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo PCCC&CNCH. Định kỳ 6 tháng, 01 năm, Ban chỉ đạo tỉnh và Ban chỉ đạo cấp huyện tiến hành họp để đánh giá tình hình, kết quả hoạt động và đề ra trọng tâm công tác trong thời gian tới.
Ngoài ra, UBND tỉnh còn chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh ký kết 15 quy chế, chương trình, kế hoạch phối hợp trong công tác PCCC&CNCH với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các cơ quan, doanh nghiệp.
Về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức 1.532 buổi tuyên truyền, huấn luyện về công tác PCCC&CNCH với 177.959 lượt người tham gia;xây dựng, biên tập và đăng tải 369 phóng sự, 1.376 tin, bài tuyên truyền về công tác PCCC&CNCH; tổ chức cho 9.124 lượt cơ sở nguy hiểm cháy, nổ trên địa bàn tỉnh ký cam kết thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC; hướng dẫn 11.272 cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở trọng điểm treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền nhân Ngày toàn dân PCCC (04/10)…
Báo Nghệ An chủ trì, phối hợp lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH và các ngành chức năng tổ chức, duy trì chương trình “Dân hỏi, cơ quan chức năng trả lời” liên quan công tác PCCC. Ảnh tư liệu |
Nhìn chung, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt công tác PCCC&CNCH, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế được chỉ ra tại buổi làm việc. Trong đó, đáng lưu ý, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC tuy được quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
“Một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, một bộ phận nhân dân chưa nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong PCCC; chưa nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC, thiếu kỹ năng thoát hiểm hoặc xử lý các sự cố cháy, nổ ngay từ đầu. Cá biệt một số nơi vẫn coi việc phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát PCCC...”, Đại tá Hồ Sỹ Tuấn - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết.