Nghệ An: Đê biển bị chiếm dụng kinh doanh vật liệu xây dựng

Việt Hùng - Lê Nhung 24/06/2018 15:16

(Baonghean.vn) - Đê biển có vai trò trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt ngăn chặn nước biển dâng khi có bão, lũ. Tuy nhiên, tại xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu, Nghệ An), đê biển đang bị lấn chiếm để kinh doanh vật liệu xây dựng.

đê
Những bãi tập kết vật liệu xây dựng lấn chiếm đê biển xã Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu. Ảnh: Lê Nhung

Dự án xây dựng công trình đê biển Quỳnh Long, Quỳnh Thuận, Sơn Hải và Quỳnh Thọ được Nhà nước đầu tư theo chương trình chống xói lở ven biển của Chính phủ với chiều dài toàn tuyến gần 3,3 km, tổng mức đầu tư hơn 94,5 tỷ đồng. Vào tháng 2/2017, đoàn công tác Quy hoạch Nông nghiệp và thủy lợi Nghệ An cùng UBND huyện Quỳnh Lưu sau khi kiểm tra thực tế đã nghiệm thu, bàn giao công trình đê biển cho các địa phương liên quan tự quản lý và bảo vệ.

Tuy nhiên, qua hơn 1 năm bàn giao, các bãi tập kết vật liệu xây dựng xuất hiện trên tuyến đê biển đoạn qua xã Quỳnh Thuận ngày càng nhiều

Theo ghi nhận tại tuyến đê biển xã Quỳnh Thuận, hiện có 3 hộ kinh doanh vật liệu xây dựng trái phép gồm cơ sở Hân Nga, cơ sở Chung Thủy ở xóm 1 và cơ sở Thắng Nga ở xóm 3. Các cơ sở này không chỉ lấn chiếm đê biển để tập kết vật liệu xây dựng trái phép mà còn gây ra một hệ lụy đi kèm là làm hư hỏng các tuyến đường cứu hộ do xe chở quá tải thường xuyên chạy qua.

Bãi tập kết vật liệu xây dựng của cơ sở Hân Nga ngang nhiên lấn chiếm đê biển xã Quỳnh Thuận. Ảnh: Việt Hùng
Bãi tập kết vật liệu xây dựng của cơ sở Hân Nga ngang nhiên lấn chiếm đê biển xã Quỳnh Thuận. Ảnh: Việt Hùng

Anh Trần Minh Thành - người dân xã Quỳnh Thuận cho hay: "Từ ngày các hộ đi vào hoạt động, kinh doanh vật liệu xây dựng ở khu vực đê biển khiến các tuyến đường dân sinh xuống cấp, xe chở vật liệu chủ yếu là xe "hổ vồ" chở từ 60 – 70 tấn, thậm chí chạy cả đêm. Người dân đề nghị làm biển báo để cấm các xe vận tải lớn đi vào, đặc biệt là trên tuyến đê biển này”.

Tại điều 7, chương 1 - Luật đê điều quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm gồm: phá hoại đê điều; sử dụng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê; đổ chất thải trong phạm vi bảo vệ đê; để vật liệu trên đê; chiếm dụng, sử dụng hoặc di chuyển trái phép vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão… Thế nhưng, tuyến đê biển xã Quỳnh Thuận đang bị người dân biến thành nơi kinh doanh, phục vụ lợi ích cá nhân của mình.

Những bãi tập kết vật liệu xây dựng xuất hiện ngày càng nhiều tại đê biển đoạn qua xã Quỳnh Thuận mà chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý hiệu quả và dứt điểm. Ảnh: Việt Hùng.
Những bãi tập kết vật liệu xây dựng xuất hiện ngày càng nhiều tại đê biển đoạn qua xã Quỳnh Thuận mà chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý hiệu quả và dứt điểm. Ảnh: Việt Hùng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Trung - Bí thư đảng ủy xã Quỳnh Thuận cho biết: Qua rà soát kiểm tra thì việc kinh doanh vật liệu xây dựng trên tuyến đê biển là không đúng quy định pháp luật. Cấp ủy đảng, HĐND đã giao cho UBND xã mời các hộ này lên để giao trách nhiệm cho các hộ ngừng việc kinh doanh, trả lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, qua một số cuộc làm việc giữa UBND và các hộ này thì đến nay các hộ trên vẫn chưa chấp hành nghiêm hình thức xử lý của UBND xã. Để giải quyết tốt việc này thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND xã làm việc với các hộ này để không để xảy ra việc kinh doanh lấn chiếm công trình đê biển.

Mới nhất
x
Nghệ An: Đê biển bị chiếm dụng kinh doanh vật liệu xây dựng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO