Nghệ An: Hàng nghìn tấn rau 'nằm ruộng' chờ đầu ra

Thanh Phúc 01/09/2021 10:56

(Baonghean.vn) - Hiện đang là lứa thu hoạch chính của vùng trồng rau xen canh Nghi Thuận (Nghi Lộc) nhưng do không có đầu ra nên gần 50 ha rau với sản lượng hàng nghìn tấn vẫn đang “nằm ruộng” chờ người mua…

Hàng nghìn tấn rau ùn ứ

50ha rau trên địa bàn xã Nghi Thuận đã đến lứa thu hoạch nhưng đành nằm đồng vì chưa có nơi tiêu thụ. Ảnh: Thanh Phúc
50 ha rau trên địa bàn xã Nghi Thuận đã đến lứa thu hoạch nhưng đành nằm đồng vì chưa có nơi tiêu thụ. Ảnh: Thanh Phúc

Các năm trước, những ngày này, hộ anh Hà Văn Quỵ ở xóm Bình Thuận, xã Nghi Thuận “đầu tắt mặt tối” để thu hoạch 8 sào rau kịp cho thương lái thu mua. Năm nay, 8 sào rau cũng đang vào vụ thu hoạch chính nhưng gia đình anh chỉ dám cắt rau cầm chừng vì không có nơi tiêu thụ.

Anh Quỵ cho biết: “8 sào rau xen hành tăm, nếu như mọi năm đã cắt được 4-5 lứa thì nay mới chỉ cắt bán được 2 lứa, chủ yếu bán thông qua tổ chức, đoàn thể, các mạnh thường quân mua rau cứu trợ cho các nơi bị phong tỏa do dịch bệnh với số lượng khiêm tốn. Hiện tại, rau đã đến lứa nhưng chưa biết cắt bán cho ai”.

Sợ rau quá lứa, úa vàng nên người dân thu hái về và chờ người mua, chấp nhận bán lẻ từng kg. Ảnh: Thanh Phúc
Sợ rau quá lứa, úa vàng nên người dân thu hái về và chờ người mua, chấp nhận bán lẻ từng kg. Ảnh: Thanh Phúc

Bình Thuận cũng là xóm trồng rau nhiều nhất xã với diện tích gần 35 ha. Theo ông Trần Xuân Thắng - Xóm trưởng xóm Bình Thuận thì “thu nhập chính của người dân trong xóm nhìn cả vào rau, hành tăm. Giờ không có nơi tiêu thụ, bà con gặp rất nhiều khó khăn…”.

Đó cũng là thực trạng chung của gần 600 hộ dân trồng rau ở xã Nghi Thuận. Nhà nhiều thì cả mẫu rau xen hành, nhà ít thì cũng 1-2 sào. Các loại rau chủ yếu là cải ngọt, cải mỡ, cải nhồi và dưa chuột, mướp đắng. Năm được mùa, được giá, mỗi sào rau trồng xen cũng đem về thu nhập 10-12 triệu đồng/sào. Vậy nhưng, năm nay rau được mùa, thời tiết thuận nên ít sâu bệnh nhưng lại bế tắc đầu ra do dịch bệnh bùng phát, các địa phương thực hiện cách ly, giãn cách xã hội không thể lưu thông.

Ngoài các loại rau cải thì hiện ở xã Nghi Thuận gần 20 ha mướp đắng, dưa chuột với sản lượng hàng trăm tấn cũng đang bí bách đầu ra. Ảnh: Thanh Phúc

“50 ha rau các loại, nếu thu hoạch hết thì khoảng 4.000 tấn/lứa (mỗi vụ 7-8 lứa). Cùng với hành tăm, rau màu là cây chủ lực của địa phương. Rau Nghi Thuận bắt đầu xuống giống vào tháng 6, cho thu hoạch từ tháng 7-9 âm lịch, lúc này, trên thị trường rau khan hiếm do nắng hạn. Do đó, rất dễ tiêu thụ. Trước đây, rau cung cấp cho chợ đầu mối Vinh, xuất đi Hà Tĩnh, Hà Nội… Năm nay, dịch phức tạp, 6 thương lái trên địa bàn chuyên thu mua rau lại liên quan đến chợ đầu mối, phải cách ly nên không có người thu mua, cũng không vận chuyển đi tiêu thụ các nơi khác. Hàng nghìn tấn rau đã đến lứa cắt nhưng đành “nằm ruộng”, ông Lê Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã Nghi Thuận cho biết.

Thiệt hại “kép”

Khoảng 1.000 tấn rau đang ùn ứ trên các cánh đồng, ảnh hưởng đến việc chăm sóc lứa kế tiếp và ảnh hưởng đến việc chăm sóc hành tăm. Ảnh: Thanh Phúc
Khoảng 1.000 tấn rau đang ùn ứ trên các cánh đồng, ảnh hưởng đến việc chăm sóc lứa kế tiếp và ảnh hưởng đến việc chăm sóc hành tăm. Ảnh: Thanh Phúc

Khác với các loại cây màu khác, nếu như không kịp thu hoạch, rau sẽ già và thối rữa, thu hoạch xong chưa bán kịp cũng không thể bảo quản được lâu nên việc rau ùn ứ trên các cánh đồng khiến người dân xã Nghi Thuận như “ngồi trên lửa”.

Đặc thù của rau cải ngọt là cắt bán theo lứa, cắt sát gốc lứa này, chăm bón thì sau 7-10 ngày lại cho thu hoạch lứa khác. Bình thường mỗi vụ rau, kéo dài từ tháng 7 âm lịch đến tháng 9 âm lịch thu hoạch 8-10 lứa. Vậy nên, khi rau ế, không thu hoạch kịp thì sẽ ảnh hưởng đến các lứa tiếp theo.

Thêm vào đó, do đặc thù trồng xen canh trên hành tăm nên việc để rau quá lứa trên các cánh đồng sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây hành. Bà Nguyễn Thị Sen - công chức Nông nghiệp xã Nghi Thuận cho biết: “Hiện hành đã nảy mầm, lên khỏi mặt đất nên cần ánh sáng, đủ chất dinh dưỡng. Nếu rau quá lứa, không thu hoạch kịp thời vụ thì ảnh hưởng đến sự phát triển của cây hành. Do đó, rau không được “giải phóng” thì người dân sẽ lại bị thiệt hại vào vụ hành tới…”.

Tháng 3/2021, bà con xã Nghi Thuận thất thu khi hành tăm giá xuống “chạm đáy”, không bán được, nay vào vụ rau lại chung cảnh ngộ khi rau cải, dưa chuột, mướp đắng vào vụ thu hoạch nhưng không có đầu ra khiến người dân gặp khó khăn đủ bề...

Rau bí đầu ra, giá cả bấp bênh khiến người dân Nghi Thuận gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Thanh Phúc
Rau bí đầu ra, giá cả bấp bênh khiến người dân xã Nghi Thuận gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Thanh Phúc

Hy vọng, dịch bệnh sớm được khống chế, chợ dân sinh mở cửa trở lại, việc lưu thông hàng hóa được tái lập, đầu ra cho cây rau Nghi Thuận nói riêng và nông sản của bà con nói chung sẽ được tháo gỡ.

Hiện trên địa bàn huyện có rất nhiều nông sản gặp khó về đầu ra do dịch bệnh: gà thịt thương phẩm (ứ đọng khoảng 500 tấn gà thịt); vịt, ngan; trứng gia cầm; chanh… Nhưng, bức bách nhất là khoảng 1.000 tấn rau ở xã Nghi Thuận chưa có nơi tiêu thụ.

Sau khi khảo sát, nắm tình hình, thống kê cụ thể, chúng tôi đã có những giải pháp như: Phối hợp với các tổ chức, đoàn thể kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con; Liên hệ với các bếp ăn tập thể và cung ứng rau, trứng gia cầm; có văn bản tới UBND thành phố Vinh, TX. Cửa Lò tạo điều kiện để địa phương kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp trên địa bàn…

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đầu ra cho nông sản nói chung, rau xanh nói riêng gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Trần Nguyên Hòa - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nghi Lộc


Mới nhất

x
Nghệ An: Hàng nghìn tấn rau 'nằm ruộng' chờ đầu ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO