Nghệ An: Nguy cơ thiếu thuốc ở cơ sở y tế do đấu thầu, mua sắm không đạt
(Baonghean.vn) - Thực hiện công tác đấu thầu mua sắm thuốc, ở Việt Nam hiện có 3 cấp đấu thầu, gồm cấp quốc gia là Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia; cấp địa phương là Sở Y tế (đấu thầu tập trung 129 danh mục mặt hàng theo quy định); còn lại là các đơn vị y tế chủ động đấu thầu…
Thực trạng
Từ năm 2007 đến năm 2022, ở Nghệ An, việc tổ chức đấu thầu tập trung thuốc, một phần hóa chất và vật tư y tế tiêu hao được thực hiện tại Sở Y tế. Tuy nhiên, từ năm 2022, việc tổ chức mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm và vật tư y tế tiêu hao được đưa về các đơn vị khám, chữa bệnh tự tổ chức để mua sắm (trừ 129 mặt hàng theo quy định được đấu thầu tại sở).
Theo Sở Y tế Nghệ An, sự chuyển giao này bắt nguồn từ việc trên địa bàn tỉnh có nhiều hình thức tổ chức khám, chữa bệnh như bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế. Nhu cầu sử dụng thuốc, hóa chất, sinh phẩm và vật tư y tế là rất khác nhau. Vậy nên, việc để các đơn vị tuyến dưới tự tổ chức đấu thầu nhằm mục đích phù hợp với nhu cầu, loại hình từng đơn vị.
Với việc không mua sắm được thuốc điều trị huyết áp, tiểu đường, công tác điều trị cho bệnh nhân ngoại trú của nhiều cơ sở y tế sẽ bị ảnh hưởng. Ảnh: Thành Chung |
Ngoài ra, nguồn nhân lực tại Sở Y tế rất mỏng; các phòng, ban của sở có trách nhiệm thực hiện quản lý Nhà nước về y tế trên địa bàn. Khi tổ chức đấu thầu tại Sở Y tế thì sở phải tập trung lớn nhân lực các phòng, ban cho công tác đấu thầu. Điều này ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước về y tế.
Theo sự chỉ đạo, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện các bước đấu thầu thuốc nhằm đảm bảo chủ động, kịp thời cung ứng đầy đủ thuốc phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh năm 2023. Đến đầu tháng 1/2023, về cơ bản việc tổ chức mua sắm thuốc theo hình thức đấu thầu tại các đơn vị đã hoàn thành… Tuy nhiên, thông tin từ các đơn vị thì kết quả của đợt mua sắm vừa qua không đạt như mong muốn.
Bác sĩ Trần Sĩ Thành – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Lưu cho hay: Đợt đấu thầu mua sắm vừa rồi chỉ đảm bảo được khoảng 50% số thuốc; 50% còn lại thì cần phải đấu thầu lại. Việc đấu thầu chưa đạt là do doanh nghiệp cung ứng bỏ thầu, không tham gia thầu, đặc biệt là đối với một số thuốc nhập ngoại. Mua sắm chưa thành công, đến tháng 3/2023, bệnh viện có khả năng thiếu một số loại thuốc.
Tại Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn, theo ước tính, có khoảng 70% mặt hàng đã được mua sắm thông qua đấu thầu trúng thầu, 30% mặt hàng phải đấu thầu lại như thuốc điều trị y học cổ truyền (do không có doanh nghiệp tham gia đấu thầu) và một số loại thuốc ít sử dụng hoặc rẻ tiền như thuốc ở phòng mổ, điều trị tim mạch, điều trị bệnh tăng huyết áp ở người bệnh tiểu đường...
Với những mặt hàng không trúng thầu, bỏ thầu thì hiện nay đơn vị vẫn còn, nhưng sắp tới sẽ thiếu. Bệnh viện đã có kế hoạch ứng phó như thực hiện ứng, vay từ các nhà cung ứng cũ. Đơn vị không để bệnh nhân đến cấp cứu, bệnh nhân chạy thận nhân tạo, đẻ, mổ... thiếu thuốc, vật tư.
Theo Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương, trong đợt mua sắm vừa qua, có nhiều mặt hàng không trúng thầu. Có thể kể đến như thuốc gây nghiện hướng thần, một số loại kháng sinh, thuốc sử dụng cấp cứu trong mổ, huyết áp, y học cổ truyền. Riêng với gói thầu thuốc generic (cơ bản, thông thường) có tới 28 mặt hàng không có doanh nghiệp bỏ thầu, 45 mặt hàng không trúng thầu, 121 mặt hàng trúng thầu, 4 mặt hàng chưa xem xét.
Đây là lần đầu tiên đơn vị tổ chức mua sắm thông qua đấu thầu. Bệnh viện đã huy động hàng chục người tham gia và phải mất cả 6 tháng trời chuẩn bị. Nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình triển khai… Tuy trượt nhiều mặt hàng nhưng bệnh viện có thể tìm những loại thuốc thay thế khác.
Nhiều vấn đề cần xem xét
Nhiều vấn đề khó khăn trong mua sắm thuốc đã được các đơn vị khám, chữa bệnh phản ánh, như: Việc tổ chức đấu thầu khiến đơn vị mất quá nhiều nhân lực, thời gian, ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh. Trong lần đầu tiên triển khai, các đơn vị vừa học, vừa làm, vừa sợ. Nhiều văn bản đã quy định giá không thể cao hơn trước, trong khi thị trường có nhiều biến đổi khiến doanh nghiệp cung ứng không tham gia. Khó khăn nhất trong quá trình này là việc thẩm định giá, nhiều trung tâm thẩm định giá độc lập không nhận làm (do sự phức tạp, nhiều mặt hàng ít dùng và giá trị thấp...).
Do thuốc Lidocaine không được đấu thầu thành công, việc điều trị nha khoa tại các đơn vị y tế ở tỉnh cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng. Ảnh: Thành Chung |
Thực tế cho thấy, rất nhiều đơn vị y tế đã không thành công trong việc tổ chức mua sắm thuốc (ngay cả tại Sở Y tế cũng có những mặt hàng trượt, bỏ thầu). Cùng với việc tổ chức đấu thầu lại mất nhiều thời gian. Hệ lụy là trong thời gian tới nguy cơ thiếu một số loại thuốc sẽ gây ảnh hưởng đến công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe người bệnh.
Nguy cơ rất rõ, song sẽ có rất ít cơ sở y tế “thừa nhận” thực trạng thiếu thuốc của mình. Các cơ sở này sẽ áp dụng biện pháp đối phó đó là chuyển bệnh nhân lên tuyến trên với quan điểm “thà bị chê là số lượng bệnh nhân khám, chữa bệnh giảm, chứ không thể bị mang tiếng là thiếu thuốc, vật tư”. Sức ép khám, chữa bệnh lại đè lên các cơ sở y tế tuyến trên.
Mặt khác, nhiều cơ sở y tế cũng sẽ sử dụng rất ít những mặt hàng thuốc đã trúng thầu tại đơn vị. Một lãnh đạo bệnh viện nêu ý kiến: Chỉ trong trường hợp đặc biệt thì mới lấy, sử dụng thuốc của bệnh viện thầu. Nếu có lấy, sử dụng cũng chỉ lấy loại giá cả thấp, bởi đây là vấn đề nhạy cảm. Thực tế việc lấy thuốc của bệnh viện thầu cũng gây khó cho cơ quan bảo hiểm, bởi cùng mặt hàng, doanh nghiệp cung ứng, nhưng các đơn vị lại mua giá khác nhau.
Trong quá trình tổ chức mua sắm, Sở Y tế luôn đồng hành cùng đơn vị. Sở đã thành lập 10 tổ công tác với sự tham gia của nhân lực có kinh nghiệm, được lựa chọn từ các đơn vị tuyến tỉnh thường xuyên, kết nối, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho các đơn vị. Sở Y tế cũng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn về công tác mua sắm, hướng dẫn các quy định pháp luật, xây dựng các quy trình đấu thầu mẫu cho các đơn vị thực hiện… Đến nay, các đơn vị đã cơ bản hoàn thành việc mua sắm thuốc, còn lại vật tư, hóa chất, sinh phẩm cũng đang trong giai đoạn tổ chức đấu thầu.
Hiện Sở Y tế Nghệ An cũng đã nắm bắt rõ tình hình số lượng nhà thầu được lựa chọn không được nhiều. Tỷ lệ hàng hóa trượt cũng lớn. Hiện nay, sở đang yêu cầu các đơn vị đánh giá, báo cáo tổng hợp để có sự phân tích, đề ra giải pháp sát đúng tình hình thực tế. Nếu trượt do tiêu chuẩn kỹ thuật thì phải xem lại, xây dựng lại tiêu chuẩn kỹ thuật; trượt do giá kế hoạch thấp thì xem xét, đề xuất, thẩm định lại giá và cũng nhanh chóng tổ chức đấu thầu lại.
Để giải quyết nguy cơ thiếu thuốc, một số mặt hàng hết số đăng ký đã được Quốc hội thông qua nghị quyết, cho gia hạn thêm hiệu lực số đăng ký. Bộ Y tế cũng đang tích cực vào cuộc triển khai các giải pháp đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân. Sở Y tế đã và đang chỉ đạo các đơn vị chủ động để tìm kiếm các sản phẩm để thay thế có tác dụng tương đồng; có giải pháp dự trữ đảm bảo đủ thuốc vật tư, hóa chất, thuốc khám, chữa bệnh - dược sĩ Trần Minh Tuệ nêu ý kiến.
Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An, về lâu dài, Sở đã kiến nghị cấp tỉnh và Trung ương thành lập một đơn vị độc lập - trung tâm đấu thầu tập trung để thực hiện mua sắm chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Sở Y tế là cơ quan quản lý về đấu thầu thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, mà nay vẫn tổ chức đấu thầu. Đây là bất cập, vừa đá bóng vừa thổi còi... Những năm tới, chắc chắn công tác này sẽ hoàn thiện, nhanh, chặt chẽ hơn. Sở Y tế sẽ hỗ trợ tối đa cho các đơn vị./.