Nghệ An nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công

Nguyễn Hải 20/06/2022 17:50

(Baonghean.vn) -Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từ đầu năm đến nay, Nghệ An đã rất nỗ lực, tỷ lệ giải ngân vốn cho các dự án nên đạt khá. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, tiến độ giải ngân còn chậm và vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra.

Tập trung chỉ đạo giải ngân

Theo kế hoạch, năm 2022, Nghệ An được Chính phủ giao tổng kế hoạch đầu tư công là 9.389,98 tỷ đồng. HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã xây dựng cơ sở và phân bổ chi tiết 100% kế hoạch vốn về cho các sở, ngành, địa phương.

Trong số đó, có 4.271,3 tỷ đồng là ngân sách Trung ương (gồm vốn trong nước là 3.789,16 tỷ đồng, vốn nước ngoài 482,14 tỷ đồng) và 5.118,68 tỷ đồng nguồn ngân sách địa phương.

Thi công công trình mương thoát chống ngập Quốc lộ 1A đoạn qua xã Nghi Kim, TP Vinh. Ảnh: Nguyễn Hải

Trên cơ sở nguồn vốn phân khai trên, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành văn bản quán triệt, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; đồng thời ban hành văn bản đôn đốc giải ngân đầu tư công năm 2021 và triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022.

UBND tỉnh liên tục có các văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và giải ngân nguồn vốn ODA, vốn vay nước ngoài năm 2022 - nguồn có nhiều vướng mắc và tỷ lệ giải ngân khá thấp.

Từ đầu năm, ngay sau khi được Thủ tướng và HĐND tỉnh giao kế hoạch năm, UBND tỉnh tổ chức hội nghị toàn tỉnh triển khai kế hoạch, đồng thời chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2022 đến từng sở, ngành, huyện, thị để tổ chức thực hiện.

Tỉnh cũng lập các Tổ công tác chỉ đạo, thúc đẩy thực hiện kế hoạch năm 2022, phân công các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ban, ngành theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc tiến độ các dự án; hàng tháng tổ liên ngành báo cáo tiến độ giải ngân báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Thi công đường Quốc lộ ven biển đoạn qua huyện Nghi Lộc. Ảnh: Nguyễn Hải

Nhờ các giải pháp quyết liệt, đến ngày 31/5/2022, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân 1.456,4 tỷ đồng, đạt 25,1% kế hoạch, đã giao chi tiết 5.801,72 tỷ đồng.

Cụ thể, chi từ nguồn ngân sách địa phương giải ngân 208,49, tỷ đồng, đạt 13,62% kế hoạch; chi cân đối ngân sách địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí tính điểm: giải ngân 122,67 tỷ đồng, đạt 9,82% kế hoạch; chi từ nguồn thu sử dụng đất là 81,21 tỷ đồng, đạt 31,85% kế hoạch; chi từ nguồn thu xổ số kiến thiết là 4,6 tỷ đồng, đạt 17,69% kế hoạch.

Chi từ nguồn ngân sách Trung ương 1.247,91 tỷ đồng, đạt 29,22% kế hoạch, trong đó chi từ nguồn vốn trong nước 1.215,92 tỷ đồng, đạt 32,09% kế hoạch, chi từ nguồn vốn vay nước ngoài 31,98 tỷ đồng, đạt 6,63% kế hoạch.

Sau khi được nâng cấp lên Quốc lộ 48B, đoạn đường qua địa bàn xã Sơn Hải- Lạch Quèn (Quỳnh Thuận) đang được Sở Giao thông Vận tải đầu tư nâng cấp. Ảnh: Nguyễn Hải

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, cùng với các khoản chi giải ngân trên, kế hoạch giải ngân các năm trước kéo dài sang năm 2022 cũng đạt được một số kết quả cụ thể. Tính đến ngày 31/5/2022, nguồn ngân sách địa phương các năm trước kéo dài sang năm 2022 đã giải ngân 6,5 tỷ đồng, đạt 10% kế hoạch kéo dài được cấp có thẩm quyền duyệt là 65,09 tỷ đồng.

Kết quả giải ngân trên cho thấy, với việc giải ngân vốn gần 2.400 tỷ đồng, đạt gần 26% (tính đến ngày 31/5) nên Nghệ An là tỉnh có tiến độ giải ngân khá của cả nước (trước đó, theo báo cáo của Bộ Tài chính đến ngày 30/4, Nghệ An giải ngân đạt 17,7% kế hoạch, thấp hơn bình quân chung cả nước nên là một trong những địa phương thuộc diện Chính phủ thành lập Tổ công tác số 1 để rà soát, đôn đốc).

(Trích báo cáo làm việc của tỉnh với Tổ công tác Chính phủ về đôn đốc đầu tư công tháng 5)

Khó khăn phát sinh cần quyết liệt tháo gỡ

Dù có nhiều nỗ lực nhưng do những nguyên nhân khách quan, tỷ lệ giải ngân vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.

Đại diện Sở Tài chính cho biết, về nguyên tắc, tiến độ giải ngân rải đều theo các quý, thời điểm giữa năm tài chính phải giải ngân 50% số vốn. Nhưng do thời điểm đầu năm, các dự án chủ yếu làm thủ tục chuẩn bị hồ sơ đầu tư, đấu thầu… vừa mất nhiều thời gian mà khối lượng thi công thực tế chưa có nên tỷ lệ giải ngân quý 1 và quý 2 thấp.

Cụ thể, năm 2022, có 80 dự án khởi công mới và 18 dự án chuyển tiếp nhưng triển khai gói thầu mới với kế hoạch vốn chiếm 48% tổng kế hoạch giao, nên khâu làm hồ sơ thủ tục mời thầu khá lâu.

Nút thắt đường Nguyễn Sỹ Sách kéo dài tại xóm Phong Quang, xã Hưng Hòa do chưa làm xong khu tái định cư nên dự án buộc phải dừng lại, chờ thi công khu tái định cư. Ảnh: Nguyễn Hải

So với các năm trước, bên cạnh các lý do về thủ tục pháp lý, quy định ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân, năm 2022 còn lý do ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân là giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào như sắt, thép, xăng dầu tăng lên tới 30%, khiến chi phí vận chuyển đất đá, vật liệu thi công cũng tăng lên.

Đại diện Công ty Tây An, một nhà thầu xây lắp tại Nghi Phú (TP Vinh) cho biết: Giá vật liệu cơ bản tăng khiến đơn vị cũng như các nhà thầu khác dù không muốn nhưng vẫn phải nghe ngóng, vừa làm thủ tục điều chỉnh dự án.

Hạng mục cầu cao tốc Bắc - Nam vượt Quốc lộ 48B thuộc địa bàn xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu) được đánh giá tiến độ khá, góp phần đẩy nhanh tiến độ gói Nghi Sơn - Diễn Châu. Ảnh: Nguyễn Hải

Đại diện một nhà thầu thi công cầu trên tuyến cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu) cũng chia sẻ: Nếu như cầu thi công trước thời điểm giá thép và xăng dầu tăng giá thì còn đỡ nhưng nếu thi công từ cuối năm 2021 đến nay, chi phí và giá cả đội lên tới 15-20% giá trị. Công trình càng lớn thì khó có nhà thầu càng chịu áp lực và khó nào chịu nổi tốc độ tăng chi phí nguyên liệu đầu vào hiện nay.

Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Vinh xác nhận: Do ảnh hưởng của giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng nên nhiều công trình bị chậm lại, tiến độ giải ngân đầu tư công vì thế cũng bị ảnh hưởng. Lý do là các nhà thầu các công trình lớn hiện đang thi công cầm chừng để chờ HĐND thành phố thông qua điều chỉnh tổng mức đầu tư. Trên thực tế, tại kỳ họp chiều 9/6, HĐND thành phố Vinh đã thông qua 39 dự án đầu tư, trong đó điều chỉnh tổng mức đầu tư một số dự án để kịp thời làm thủ tục điều chỉnh, thi công cho đúng tiến độ.

Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, quy mô vốn khá khiêm tốn, năm 2022 chỉ 482 tỷ đồng với 7 dự án, trong đó có 1 dự án chưa giải phóng mặt bằng xong do theo yêu cầu nhà tài trợ phải phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng toàn tuyến để chi trả trước khi khởi công, 2 dự án chuyển tiếp nên đang thực hiện các thủ tục đấu thầu tư vấn xây lắp, 1 dự án khởi công mới phải đấu thầu quốc tế...

Đáng chú ý, quy trình đấu thầu các gói thầu sử dụng vốn ODA phải tiến hành 2 giai đoạn (mời quan tâm và đấu thầu) và phải xin ý kiến “không phản đối” của nhà tài trợ trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng nên mất thời gian thêm.

Thực tế cũng cho thấy, công tác GPMB, chuẩn bị đầu tư chưa tốt cũng là nguyên nhân nhiều dự án chậm tiến độ và không giải ngân được theo kế hoạch. Tiêu biểu là Dự án đường ngang N5 – Khu kinh tế Đông Nam vốn ngân sách Trung ương 403 tỷ đồng, còn 2,3 km/6,58 km vướng GPMB; Dự án đường Nguyễn Sĩ Sách kéo dài (TP Vinh); Dự án giao thông trục chính dọc trung tâm thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc vốn kế hoạch ngân sách Trung ương 84,6 tỷ đồng nhưng vướng thủ tục đầu tư khu tái định cư…

Tại buổi làm việc mới nhất với đại diện Ban giải phóng mặt bằng các huyện, thị, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh hối thúc, yêu cầu các địa phương quyết liệt hơn để đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng cao tốc Bắc - Nam cho Ban quản lý dự án 6, Bộ Giao thông Vận tải. Ảnh: Nguyễn Hải

Đứng trước những khó khăn, vướng mắc mới, tại buổi làm việc với Tổ công tác số 1 về đôn đốc tiến độ giải ngân đầu tư công, tỉnh Nghệ An kiến nghị Trung ương sớm xem xét sửa đổi về thẩm quyền kéo dài thực hiện và giải ngân theo Luật Đầu tư công, rút ngắn quy trình thủ tục đối với dự án ODA, áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng...

Bên cạnh đó, từ cuối tháng 5, Chủ tịch UBND tỉnh liên tục có các buổi kiểm tra, làm việc để đôn đốc và tháo gỡ khó khăn liên quan đến GPMB, giải ngân tại các dự án đầu tư trọng điểm. Hy vọng với sự vào cuộc kịp thời của người đứng đầu và chính quyền các cấp tạo điều kiện điều chỉnh quy mô, tổng mức đầu tư dự án để tái khởi động thi công để hoàn thành chỉ tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư vào cuối năm như cam kết của tỉnh với Trung ương.

Mới nhất

x
Nghệ An nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO