Nghệ An siết chặt quản lý đầu tư công

21/12/2016 10:06

(Baonghean) - Đánh giá kết quả thực hiện tái cơ cấu đầu tư công giai đoạn 2014 - 2016, Sở KH&ĐT nhận định, quản lý đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ trên địa bàn Nghệ An ngày càng được hoàn thiện, chính sách thu hút, huy động các nguồn vốn khác cho đầu tư được chú trọng.

Chống đầu tư dàn trải

Thực hiện Quyết định 339 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013 - 2020, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3278 ban hành chương trình hành động thực hiện đề án của Chính phủ. Sau 3 năm thực hiện, trên địa bàn Nghệ An đã đạt những kết quả quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Độ - Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ, Luật Đầu tư công, UBND tỉnh cũng như các địa phương đã thực hiện đình hoãn, giãn tiến độ nhiều công trình, dự án kém hiệu quả, không khả thi về nguồn vốn để tập trung vốn cho các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, các dự án trọng điểm, bức xúc.

Việc ban hành chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2014 - 2016 đã giảm rất nhiều so với những năm trước đây, số lượng công trình được khởi công mới rất ít.

Thi công Cảng Nghi Thiết (Nghi Lộc).
Thi công Cảng Nghi Thiết (Nghi Lộc).

“Những năm trước cơ chế phân cấp của Trung ương thông thoáng, đặc biệt là năm 2008 - 2009 trong bối cảnh suy thoái kinh tế, Chính phủ thực hiện chính sách kích cầu đầu tư nên nguồn vốn tăng mạnh. Do vậy, số lượng chủ trương đầu tư được ban hành nhiều, dẫn đến trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất nhiều công trình dở dang, công trình mới với nhu cầu vốn rất lớn, chênh lệch xa so với khả năng huy động nguồn lực.

Tính đến cuối tháng 9/2014, có 1.092 chủ trương đầu tư đã ban hành với tổng mức đầu tư 33.424 tỷ đồng. Đến 30/10/2016, còn lại 801 dự án, tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng” - Giám đốc Sở KH&ĐT chia sẻ.

Xã hội hóa đầu tư

Hàng năm, thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, UBND tỉnh đã xây dựng nhiều chính sách thu hút vốn đầu tư. Công tác xúc tiến đầu tư được chú trọng nên tổng nguồn vốn huy động hàng năm tăng lên.

Trong đó, tỷ trọng đầu tư từ vốn nhà nước qua ngân sách tỉnh so với tổng đầu tư toàn xã hội giảm dần theo đúng tinh thần Quyết định 339 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, tỷ lệ huy động vốn ngoài nhà nước đối với các dự án trên địa bàn tỉnh có xu hướng ngày càng tăng.

Thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị 25/CT-UBND để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, quá trình phân bổ kế hoạch vốn hàng năm được ưu tiên để trả nợ, siết chặt ban hành chủ trương đầu tư.

Quá trình triển khai thực hiện dự án quán triệt nguyên tắc chỉ được thực hiện khối lượng theo kế hoạch vốn được giao, không cho phép nhà thầu ứng trước vốn để thi công. Vì vậy, số công trình khởi công mới có xu hướng giảm, đồng thời, số công trình hoàn thành trong năm dần tăng lên.

Năm 2013, số công trình mới là 120 (giảm 45,7% so với năm 2011). Năm 2014, số công trình mới tương đương năm 2013; năm 2015 khởi công mới 95 công trình, năm 2016 khởi công mới 21 công trình. Các công trình mới trong giai đoạn 2014 - 2016 chủ yếu là các công trình chính sách như hạ tầng các xã biên giới, hệ thống chợ, hạ tầng làng nghề, trụ sở xã...

Với kết quả huy động vốn đầu tư toàn xã hội và đổi mới việc phân bổ giai đoạn 2014 - 2016 đã làm thay đổi đáng kể hệ thống kết nối hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều công trình thủy lợi, nước sạch; hệ thống điện, phát triển đô thị, các khu kinh tế, KCN, CCN, hệ thống bưu điện viễn thông, các công trình văn hóa, xã hội được đầu tư xây dựng đã góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Nhiều công trình giao thông đường bộ quan trọng được đầu tư xây dựng như đường Tây Nghệ An; đường nối Quốc lộ 1A thị xã Hoàng Mai - Thái Hòa, đường N5 nối KKT Đông Nam - Hòa Sơn, Đô Lương phục vụ vận chuyển nguyên liệu cho Nhà máy xi măng Sông Lam, cầu vượt Sông Lam (Cầu Dùng, cầu Yên Xuân), 5 cầu vượt đường sắt Quốc lộ 46, Quốc lộ 1...

Thi công tuyến đường D4 - Khu kinh tế Đông Nam.
Thi công tuyến đường D4 - Khu kinh tế Đông Nam.

Tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công

Việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư công còn một số hạn chế, một số nội dung trong chủ trương tái cơ cấu đầu tư rất khó thực hiện trên địa bàn tỉnh như chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư. Do các dự án trên địa bàn tỉnh đều là những dự án có vị trí địa lý không thuận lợi, khó có khả năng thu hồi vốn sinh lợi từ dự án nên nhà đầu tư không muốn thực hiện các dự án trên.

Ngoài ra, việc cắt giảm hoãn tiến độ, lựa chọn điểm dừng kỹ thuật các dự án đầu tư công có một số tác động tiêu cực ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Các doanh nghiệp tư vấn và xây lắp gặp khó khăn do thiếu vốn, thiếu việc làm nên nợ lương, nợ BHXH, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản làm cho nợ xấu tăng, công nhân mất việc làm, hàng tồn kho đối với vật liệu xây dựng tăng lên.

Nguồn vốn đầu tư công có xu hướng giảm dần nhưng tỉnh vẫn chưa có giải pháp đột phá để huy động các nguồn lực khác phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Về vấn đề này, bà Hoàng Thị Lê Dung - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, mục tiêu của tái cơ cấu đầu tư công là giảm chi ngân sách nhà nước, nhưng chính sách địa phương từ nguồn ngân sách cho các công trình dự án lại rất nhiều, do đó cần tổng hợp để làm rõ thêm hiệu quả sau tái cơ cấu đầu tư công.

Thu Huyền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nghệ An siết chặt quản lý đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO