Nghệ An: Tằm thực phẩm đầu mùa khan hàng, được giá
(Baonghean.vn) - Là thực phẩm bổ dưỡng, ngon, sạch, tằm đầu mùa của bà con nông dân xã Khánh Sơn (Nam Đàn) được giá, đắt hàng. Người dân trồng dâu nuôi tằm ở địa phương khá phấn khởi.
Nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Khánh Sơn đã có từ lâu đời. Thời gian gần đây bà con chuyển từ nuôi tằm lấy kén sang nuôi tằm làm thực phẩm. Ảnh: Huy Thư |
Để nuôi được tằm, phải trồng được dâu. Thời gian qua, những hộ dân còn duy trì nghề nuôi tằm ở đây đã dành nhiều diện tích bãi bồi ven sông Lam để trồng dâu. Giống dâu thuần chủng lâu đời cho lá nhiều, xanh, mềm là nguồn thức ăn tốt cho tằm. Người dân thường hái dâu về cất ủ trong nhà để cho tằm ăn dần. Ảnh: Huy Thư |
Hiện ở xóm 4, xã Khánh Sơn có hàng chục hộ nuôi tằm làm thực phẩm. Bà con ở đây chủ yếu nuôi theo từng hộ hoặc liên kết 2 hộ nuôi chung. Người dân thường sử dụng diện tích nhà trong, gian bếp để nuôi tằm. Tuy nhiên, có hộ dành cả diện tích nhà lớn để nuôi nhiều nong tằm. Ảnh: Huy Thư |
Bà Nguyễn Thị Hòe (53 tuổi) - một phụ nữ có kinh nghiệm nuôi tằm trong xóm cho biết: Giống tằm mà các gia đình ở đây đang nuôi là tằm vàng có khả năng chống chịu thời tiết nóng, ẩm, ít bị bệnh, chất lượng sản phẩm tốt. Mỗi ngày tùy vào tuổi tằm mà cho ăn từ 3 đến 6 lần, cho ăn cả đêm. Ảnh: Huy Thư |
Trong quá trình nuôi tằm, người dân đã đúc rút được kinh nghiệm chăm sóc, đặc biệt là sáng tạo trong việc dùng lưới nhựa để lót nong tằm. Sau khi tằm ăn hết lá dâu, chỉ việc nhấc tấm lưới để thay nong, chứ không phải nhặt từng con tằm như trước đây rất tốn công. Ảnh: Huy Thư |
Theo bà con, đầu mùa tằm năm nay thời tiết khá thuận lợi cho việc nuôi tằm, các lứa tằm thực phẩm đều phát triển tốt. Rét kéo dài, hay mưa nắng thất thường đều ảnh hưởng xấu đến việc nuôi tằm. Ảnh: Huy Thư |
Bà Phạm Thị Tuyết, một hộ dân vừa nuôi tằm, vừa xuất giống tằm cho người dân trong vùng cho biết: Từ 15 tháng Giêng âm lịch, người dân ở đây đã bắt đầu nuôi tằm. Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các hộ nuôi tằm trong xóm đã nuôi lứa tằm thứ 2, một số hộ đã nuôi lứa thứ 3. Mỗi hộ nuôi từ 1 - 3 vòng trứng được 4 -12 nong tằm. Mỗi lứa tằm đầu vụ kéo dài khoảng 25 ngày, khi trời nắng nóng, tằm phát triển nhanh, sẽ cần ít thời gian hơn. Ảnh: Huy Thư |
Hết thời kỳ "ăn lên", tằm chuyển màu hồng, nghỉ ăn dâu là thời điểm tằm "chín", người dân sẽ chọn lọc để bán tằm làm thực phẩm. Tằm được bà con bán trực tiếp tại nhà hoặc ship đi các nơi... Ảnh: Huy Thư |
Tằm vàng ở xã Khánh Sơn là thực phẩm bổ dưỡng, ngon, sạch, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, hấp dẫn được người dân địa phương và khách hàng gần, xa ưa chuộng. Hiện tại, bà con đang bán tằm với giá trên dưới 110. 000 đồng/kg. Tằm "chín" đến đâu khách hàng đến nhà mua tới đó, không phải mang đi chợ. Tằm đầu mùa có hộ bán 12 nong, thu về 7 triệu đồng. Ảnh: Huy Thư |
Ngoài nuôi tằm làm thực phẩm, tại xã Khánh Sơn cũng xuất hiện Hợp tác xã nuôi tằm với giống tằm và giống dâu mới. Ở đây, tằm được nuôi theo kỹ thuật mới, tằm nhỏ được nuôi trong phòng điều hòa, tằm to trở lên được nuôi giữa sàn bê tông không dùng nong như nuôi tằm truyền thống. Ảnh: Huy Thư |
Việc nuôi tằm lấy kén với mô hình trang trại đã xuất hiện ở xã Khánh Sơn trong vài năm gần đây, đang hứa hẹn mở ra triển vọng mới trong việc khai thác tiềm năng đất đai, lao động, tạo thêm những sản phẩm mới (kén, tơ), góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Huy Thư |
Tằm đầu vụ ở xã Khánh Sơn. Video. Huy Thư |