Nghệ An ‘tăng tốc’ giải ngân vốn đầu tư công
(Baonghean.vn) - Nghệ An cam kết thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, chủ động khắc phục khó khăn, vướng mắc để tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân năm 2023 từ 95-100% theo chỉ đạo của Chính phủ.
Mặc dù có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung cả nước, nhưng Nghệ An vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Để đạt mục tiêu giải ngân 95-100%, các cấp, ngành phải dồn sức, nỗ lực khắc phục khó khăn đã chỉ ra, tăng tốc nhanh hơn nữa trong thời gian còn lại của năm 2023.
Quyết liệt, mạnh mẽ từ đầu năm
Giải ngân vốn đầu tư công tốt sẽ góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm cho người lao động. Vì thế, Chính phủ xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng, hàng đầu của các cấp, ngành năm 2023. "Đầu tư công vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển, chúng ta đã dành dụm để có nguồn vốn thì đầu tư phải có hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tránh đầu tư xong lại triệt tiêu nguồn lực, phải đi kiểm điểm, xử lý", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vào tháng 2/2023.
Sáng 21/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Dương Giang-TTXVN |
Nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao vốn, Nghệ An đã tổ chức phân bổ chi tiết và đến nay, các nguồn vốn cơ bản đã được giao 8.842 tỷ đồng/kế hoạch 9.033,5 tỷ đồng, đạt 97,88%. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, với mục tiêu giải ngân 95-100% kế hoạch giao, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An làm Tổ trưởng để tăng cường kiểm tra hiện trường, kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, bất cập trong giải ngân vốn đầu tư công.
Mặt khác, phân công rõ trách nhiệm cho từng đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp phụ trách, chỉ đạo việc giải ngân các dự án; yêu cầu các chủ đầu tư đăng ký kế hoạch giải ngân hàng tháng của từng dự án; 10 ngày 1 lần có thông báo kết quả giải ngân đến cấp ủy, bí thư huyện ủy và chủ tịch UBND các huyện để chỉ đạo, đôn đốc kịp thời.
Những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ trên đã giúp cho kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Ông Phạm Hồng Quang - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 10/4, toàn tỉnh đã giải ngân 1.194 tỷ đồng, đạt 13,22%, cao hơn mức bình quân cả nước 10,35%. Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương (vốn trong nước) đã giải ngân 244 tỷ đồng/kế hoạch 1.736 tỷ đồng, đạt 14,06%.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kiểm tra tiến độ triển khai Dự án Đường ven biển. Ảnh: Phạm Bằng |
Nguồn Chương trình Mục tiêu Quốc gia đã giải ngân 103 tỷ đồng/kế hoạch 1.180 tỷ đồng, đạt 8,73%. Đối với 3 công trình, dự án trọng điểm cấp tỉnh, ngành Giao thông Vận tải thì đến nay, đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) đoạn từ Km7 – Km76, đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 2) và đường giao thông nối Quốc lộ 7C (Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ) đều cam kết vượt tiến độ từ 12-18 tháng.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành, các cấp đang tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân. Lãnh đạo UBND huyện Hưng Nguyên cho biết, huyện đang tập trung chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án được bố trí vốn trong năm.
Riêng 6 dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cố gắng giải ngân 100% trong năm 2023; Đó là: Dự án Bảo tồn và Phát huy giá trị Di tích Xô viết Nghệ Tĩnh; Đường nối Quốc lộ 46 với đường 542B tại xã Hưng Thịnh và đường Lê Xuân Đào tại xã Hưng Thông; Đường giao thông nối Quốc lộ 46A với đường 542C qua xã Hưng Đạo; Dự án sửa chữa, nâng cấp kênh tưới Lê Xuân Đào; Trụ sở Huyện ủy - HĐND - UBND huyện; Đường vào Khu Công nghiệp xã Hưng Yên Nam.
Tượng đài và Phù điêu Xô Viết Nghệ Tĩnh, thuộc dự án bảo tồn, phát huy giá trị Xô Viết Nghệ Tĩnh đang được tập trung hoàn thiện. Ảnh: Mai Hoa |
Tăng trách nhiệm, siết kỷ luật
Năm 2023 là năm thứ 3, năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025. Vì thế, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thành, thị phân công rõ lãnh đạo đơn vị phụ trách từng dự án. Trên cơ sở kết quả giải ngân của từng dự án sẽ là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao của từng cá nhân, đơn vị.
Tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung cả nước, nhưng công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương cho biết, việc thực hiện các thủ tục pháp lý dự án mới mất nhiều thời gian, các tháng đầu năm 2023 đang tập trung khối lượng để hoàn tạm ứng. Công tác giải phóng mặt bằng có nhiều vướng mắc, mất nhiều thời gian. UBND tỉnh đánh giá, nguyên nhân chủ quan là do công tác chuẩn bị đầu tư vẫn còn hạn chế. Một số ngành, một số chủ đầu tư chưa thật sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Trong công tác giải phóng mặt bằng, nhiều địa phương chưa chủ động, chưa theo tinh thần “mặt bằng đi trước một bước”.
Thi công dự án đường ngang N5 trong Khu kinh tế Đông Nam. Ảnh: P.B |
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung khẳng định, Nghệ An cam kết thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, chủ động khắc phục khó khăn, vướng mắc để tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân năm 2023 từ 95-100% theo chỉ đạo của Chính phủ.
Để đạt mục tiêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu dành sự quan tâm nhiều hơn, có sự tham gia của cấp ủy, phân công nhiệm vụ cụ thể, giao trách nhiệm rõ ràng về thời gian, kết quả thực hiện. Các địa phương phải quản lý chặt chẽ thủ tục, vừa thực hiện đúng quy định, vừa đáp ứng đúng tiến độ, không đề xuất, bổ sung dự án mới khi chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án hiện có.
Giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm tại huyện Đô Lương. Ảnh: Nhật Lân |
Ngoài các giải pháp của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng kiến nghị Trung ương cho phép kéo dài vốn ngân sách Trung ương năm 2022 sang năm 2023 để kịp triển khai thực hiện và giải ngân hoàn thành trong năm 2023. Bên cạnh đó, đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm cho phép điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025 để có thể điều chỉnh vốn của những dự án khó triển khai, bố trí cho những dự án mới có khả năng thực hiện giải ngân. Mặt khác, các bộ cũng cần sớm có văn bản hướng dẫn, cho phép điều hòa linh hoạt vốn giữa Chương trình phục hồi và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để các địa phương có thể thực hiện và giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.