Nghệ An: Tàu thuyền thiếu nơi tránh, trú bão
(Baonghean.vn) - Nghệ An hiện có hơn 3.500 tàu thuyền khai thác hải sản. Vào mùa mưa bão, ngư dân rất nan giải tìm chỗ tránh, trú an toàn. Đây cũng là vấn đề băn khoăn, lo lắng của các chính quyền địa phương vùng ven biển...
Thiếu khu tránh, trú an toàn
Xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai) là địa phương có số tàu thuyền công suất lớn nhiều nhất tỉnh, với 210 tàu cá các loại, trong đó có 140 chiếc công suất trên 250 CV. Vấn đề băn khoăn nhất đối với bà con ngư dân Quỳnh Lập là mỗi khi phải tránh, trú bão, bởi khu vực tránh, trú bão cho tàu thuyền trên địa bàn xã không đảm bảo.
Khu neo đậu tàu thuyền trên sông Mai Giang (TX. Hoàng Mai) chưa được đầu tư, nên sự an toàn chưa cao đối với tàu thuyền vào tránh, trú bão. Ảnh: X.H |
Ông Phan Văn Hải - Chủ tịch Hội Nghề cá xã Quỳnh Lập, cũng là chủ của 4 chiếc tàu đánh bắt hải sản công suất lớn, trăn trở: Do trên địa bàn không có âu tránh, trú bão an toàn nên bà con ngư dân phải tìm vị trí neo đậu tàu thuyền nhiều nơi, từ huyện Quỳnh Lưu, kể cả ra Thanh Hóa neo đậu mỗi khi có bão về. Bởi khu vực sông Mai Giang đổ ra cửa biển Lạch Cờn bị cầu Đền Cờn chắn ngang, tàu thuyền to không thể qua lại được.
Ngư dân Phan Văn Hải băn khoăn: Trước đây cửa Lạch Cờn có doi cát nhô lên, có tác dụng chắn được sóng to vào khu vực neo đậu tàu thuyền trên khu vực sông Mai Giang. Nhưng thời gian gần đây, có đơn vị đưa tàu vào hút cát, khiến một phần doi cát đã biến mất. Hiện nay các tàu hút cát vẫn hoạt động mạnh, lo rằng chỉ ít ngày nữa toàn bộ doi cát sẽ bị biến mất, nguy cơ sóng biển ập vào khu vực neo đậu tàu thuyền rất cao. Không những tàu thuyền bị ảnh hưởng mà những khu dân cư sinh sống hai bên bờ sông của phường Quỳnh Phương và xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai) cũng sẽ ảnh hưởng bởi sóng biển khi bão lớn.
“Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cấp cần ngăn chặn việc hút cát tại doi cát này để chắn sóng cho tàu thuyền”
Ông Phan Văn Hải ở xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai) cho hay, cát trước cửa Lạch Cờn đang bị tàu hút gần hết, sóng biển đã đánh mạnh vào khu tránh, trú bão trên sông. Ảnh: X.H |
Khu vực đê đồng muối trên địa bàn giáp ranh giữa phường Quỳnh Phương và xã Quỳnh Lập đã được Nhà nước đầu tư xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão bằng các trụ neo đảm bảo kỹ thuật. Nhưng do phần đáy sông dốc và hẹp nên tàu thuyền dễ bị lật khi nước rút, khiến ngư dân không dám di chuyển tàu thuyền công suất lớn vào neo đậu.
Ngư dân huyện Quỳnh Lưu cũng gặp khó khăn trong vấn đề tìm nơi neo đậu tàu thuyền để tránh, trú bão. Ngư dân Hồ Thành ở xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) lo lắng, thường trước khi có bão vào, ông cũng như nhiều ngư dân khác phải khẩn trương di chuyển tàu vào khu vực Lạch Quèn, đoạn dưới cầu Quỳnh Nghĩa để neo đậu.
Tuy nhiên, gặp lúc số tàu thuyền nhiều, trong khi trụ neo do ngư dân tự làm, nên thực sự không an tâm do khó đảm bảo an toàn.
Ông Chu Văn Tấn - Trưởng Cảng cá Lạch Quèn cũng nêu băn khoăn: Khu vực tránh, trú bão Lạch Quèn chưa được Nhà nước đầu tư hạ tầng, nên bất cập khi tàu thuyền vào tránh, trú bão. Đặc thù tàu thuyền thường xuyên ra, vào cảng là tàu to, máy lớn, nếu bão lớn, sóng to, dễ xảy ra va chạm khi neo đậu, bởi các trụ neo dây hoàn toàn do người dân tự tạo, không đảm bảo kỹ thuật.
Tàu về neo đậu tại âu cảng cá Lạch Quèn. Ảnh: Nguyễn Hải |
Ở huyện Diễn Châu có 1.447 tàu thuyền, trong đó có 280 tàu công suất trên 90 CV. Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền trong mùa mưa bão, huyện khuyến cáo các tàu thuyền hoạt động khai thác trên biển cần cập nhật thường xuyên về tình hình thời tiết qua radio, hệ thống liên lạc của Bộ đội Biên phòng, cơ quan chuyên môn. Hướng dẫn, tập huấn neo đậu tránh, trú bão và sử dụng thiết bị hàng hải, thông tin liên lạc giúp ngư dân sử dụng các thiết bị hiệu quả.
Tuy nhiên, bất cập là cửa biển Lạch Vạn bị bồi lắng nghiêm trọng, khiến tàu thuyền ra, vào khó khăn, đặc biệt khi nước rút xuống thì tàu lớn rất khó qua lại. Do vậy, trước khi có bão lớn đổ bộ vào, các tàu lớn không vào được Lạch Vạn mà phải di chuyển đến Lạch Lò, Lạch Thơi để neo đậu. Khó khăn nữa là, các âu trú bão kéo dài theo sông Bùng, xa khu dân cư, nên khi bà con ngư dân chủ quan neo đậu ở bến cá không đảm bảo an toàn.
Luồng lạch chưa được đầu tư
Ông Chu Quốc Nam - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Nghệ An hiện có 5 khu vực tránh bão cho tàu thuyền: Lạch Cờn, Lạch Quèn, Lạch Thơi, Lạch Vạn, Lạch Lò, ngoài ra còn có khu neo đậu cấp vùng ở Cửa Hội. Nếu so với hơn 3.500 tàu thuyền của cả tỉnh thì 5 khu tránh, trú bão chỉ đáp ứng khoảng 65 - 70% tàu thuyền, nhưng trong quá trình hoạt động đánh bắt hải sản, nhiều tàu có thể tránh, trú ở các tỉnh khác, nên cơ bản đáp ứng được tàu thuyền tránh, trú bão của cả tỉnh.
Bất cập là các khu neo đậu tàu thuyền là các luồng lạch tự nhiên, chưa được đầu tư xây dựng nhiều, hiện mới chỉ có khu neo ở Cửa Hội, Cửa Lò khá đảm bảo cho tàu thuyền neo đậu, còn lại các cửa lạch khác bị bồi lắng, dòng nước cạn, ảnh hưởng đến việc tàu thuyền ra, vào tránh, trú bão.
Tàu về neo đậu tránh trú bão tại gần cầu Quỳnh Nghĩa. Ảnh: Nguyễn Hải |
Để tàu thuyền đảm bảo an toàn khi có bão, chính quyền các địa phương và trạm bờ thường xuyên cập nhật thông tin về hướng đi của bão và áp thấp nhiệt đới, kịp thời tuyên truyền đến ngư dân trên tần số vô tuyến để bà con nắm bắt, di chuyển thuyền về tránh, trú sớm. Khi tàu thuyền về đến khu vực tránh, trú bão, bà con cần chằng buộc dây neo chắc chắn, đảm bảo tàu thuyền không bị va đậm vào nhau, dẫn đến thiệt hại về tài sản.
Tàu thuyền là tài sản lớn của bà con ngư dân, vừa là phương tiện mưu sinh của ngư dân vùng ven biển. Trong điều kiện thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, hiểm họa do thiên tai ngày càng khó lường, đặc biệt là bão và áp thấp nhiệt đới, thì việc đầu tư xây dựng các khu neo đậu cho tàu thuyền tránh, trú bão là giải pháp cần thiết nhằm giảm thiểu thiệt hại về tài sản cho ngư dân.