Nghệ An: Thủy điện khảo sát thiếu chính xác, hàng loạt nhà dân, mồ mả ngập sâu dưới lòng hồ
(Baonghean.vn) - Vì khâu khảo sát, đánh giá tác động môi trường sơ sài, thủy điện Chi Khê đã phải liên tục điều chỉnh quy hoạch vùng ảnh hưởng trong vài năm qua. Hàng loạt hộ dân mặc dù ban đầu được đánh giá nằm trên cốt ngập, nhưng khi thủy điện chỉ mới tích nước, đã bị chìm xuống lòng hồ.
Chậm chạp trong đền bù
Hơn 3 năm nay, gia đình ông Vi Đình Quyết (bản Châu Định, xã Châu Khê, Con Cuông), phải mượn đất của hàng xóm để mở một con đường tạm dẫn ra bên ngoài. Căn nhà nhỏ của ông Quyết nằm trên thừa đất rộng hơn 800m2 cạnh lòng hồ thủy điện Chi Khê. Khi thủy điện này bắt đầu khởi công, cơ quan chức năng đi khảo sát và đánh giá, hộ dân này không thuộc diện di dời.
Ông Quyết kể, vì thế hồi đó gia đình chỉ nhận được 70 triệu đồng đền bù cho hơn 200m2 đất vườn và một số diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, năm 2017, khi thủy điện này tích nước, cũng như nhiều hộ dân khác, mực nước dâng lên ngấp nghé căn nhà ông. Tuyến đường độc đạo dẫn vào nhà chìm sâu dưới lòng hồ. Quãng thời gian đó, cả gia đình muốn ra ngoài chỉ còn cách đi thuyền.
Con đường độc đạo dẫn vào nhà ông Quyết chìm dưới lòng hồ. Ảnh: Tiến Hùng |
Cũng theo ông Quyết, sau đó cơ quan chức năng tiếp tục xuống khảo sát và kết luật gia đình ông phải di dời đến nơi ở mới. Tuy nhiên, đến nay ông Quyết chưa nhận được tiền đền bù để di dời. “Mới đây lên xã hỏi thì nghe nói được đền bù 280 triệu nữa cho toàn bộ cây cối, nhà cửa và đất đai. Nhưng chúng tôi cũng chưa được nhận. Và với số tiền đó, cũng thật là khó để mua đất, dựng nhà”, ông Quyết nói.
Trong khi đó, theo báo cáo hồi tháng 4/2019 của UBND huyện Con Cuông thì hộ ông Quyết đã nhận tiền đền bù và hỗ trợ tái định cư nhưng chưa chịu di dời theo cam kết. Tuy nhiên, đến tháng 11/2020, trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, cán bộ địa chính xã Châu Khê thừa nhận, hộ ông Quyết vẫn chưa nhận hết tiền đền bù.
Ông Quyết đành phải mượn hàng xóm, mở một con đường tạm để ra bên ngoài. Ảnh: Tiến Hùng |
Ông Vị Đình Quyết là một trong hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng phát sinh do khâu khảo sát, đánh giá tác động môi trường của thủy điện Chi Khê không chính xác. Theo đánh giá ban đầu, bản Bủng (xã Châu Khê), không bị ảnh hưởng bởi thủy điện này. Tuy nhiên, đầu năm 2017, khi thủy điện tích nước phát điện, con đường nối từ bản Bủng sang khu dân cư và khu vực sản xuất của người dân bản này cũng biến mất. Nước dâng, cánh đồng nằm bên con suối nhỏ và con đường đi lại thành hồ mênh mông nước, 37 hộ dân bản Bủng bị cô lập giữa rừng. Ông Lô Văn Hường, cán bộ mặt trận bản Bủng, cho biết bản có khoảng 600 ha đất rừng và đất sản xuất, trong đó 85% diện tích nằm phía bên kia lòng hồ. Do đó, việc sản xuất của người dân rất khó khăn vì đường đã ngập nhưng cầu chưa có. Trong khi, từ năm 2017, phía thủy điện đã hứa sẽ làm cầu.
Khảo sát sơ sài
Cũng tại bản Bủng này, hàng loạt nhà dân sau khi thủy điện tích nước đã bị nứt nẻ, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Hiện nay, chủ đầu tư đã phối hợp với Hội đồng GPMB huyện và chính quyền xã Châu Khê đã tổ chức họp nhiều lần vận động các hộ chấp thuận các phương án các hộ ở lại để chủ đầu tư xây kè đảm bảo ổn định lâu dài hoặc các hộ nhận tiền bồi thường và tự di dời đến nơi ở mới, nhưng đến nay các hộ vẫn chưa chấp thuận.
Lòng hồ thủy điện Chi Khê theo quy hoạch ban đầu chỉ rộng 800 ha, nhưng đến khi tích nước, đã dâng lên gần 1.000 ha, khiến hàng loạt nhà dân phải di dời. Ảnh: Tiến Hùng |
Người dân ở bản Bủng (xã Châu Khê) cũng tá hỏa vì hơn 100 ngôi mộ chôn cất ven rừng từ hàng chục năm nay bị ngập chìm sau khi thủy điện Chi Khê tích nước. Nhiều diện tích đất sản xuất của người dân chưa được bồi thường cũng bị ngập chìm. Ngoài ra, còn có nhiều hộ dân ở bản Khe Choăng của xã này cũng bị nứt nẻ, thuộc diện phải di dời dù trước đó không có trong danh sách.
Còn tại xã Lạng Khê, sau khi thủy điện tích nước, một tuyến đường dân sinh tại bản Yên Hòa đã nâng cấp nhưng bị cuốn trôi. Trận lũ năm 2018, đất sản xuất ven sông của 47 hộ dân trong bản Boong đã bị sạt lở kéo sâu vào phía trong hàng chục mét khiến lòng sông rộng ra. Tại bản Khe Thơi, từ năm 2018 đến nay, đất sản xuất ven sông cũng đã bị sạt lở nặng nề, ăn sâu vào khoảng hơn 100m. Riêng năm 2018, sạt lở đã khiến 12 ha đất sản xuất ven sông biến mất, 101 hộ dân trong xã bị mất đất đề nghị chủ thủy điện hỗ trợ. Đề nghị này là có cơ sở, tuy nhiên đến nay, việc hỗ trợ vẫn chưa được thực hiện.
Khu vực mồ mả được chôn cất lâu đời đã chìm sâu dưới đáy lòng hồ thủy điện. Ảnh: Tiến Hùng |
Tương tự, tại xã Cam Lâm và Đôn Phục, sau khi thủy điện tích nước cũng đã nhấn chìm luôn hàng chục ha đất bãi bồi. Đặc biệt, tình trạng lạt lở bờ sông cũng diễn ra nghiêm trọng hơn.
Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo huyện Con Cuông cho biết do khâu khảo sát của chủ thủy điện sơ sài nên việc đánh giá mức độ ngập nước ở cao trình 38m của thủy điện không đúng thực tế, khiến một số diện tích khá lớn không được tính toán để bồi thường bị chìm, trong đó có mồ mả. Sau khi phát hiện ra sai sót này, UBND huyện Con Cuông yêu cầu chủ đầu tư thủy điện đo đạc lại để bồi thường cho người dân. Trong cuộc họp với chủ đầu tư thủy điện Chi Khê mới đây, lãnh đạo huyện tiếp tục yêu cầu chủ thủy điện phải khẩn trương xây cầu cho người dân bản Bủng qua lại, chi trả tiền bồi thường, đánh giá mức độ sạt lở đất để đền bù cho người dân bị mất đất.
Từ khi khởi công đến nay, thủy điện Chi Khê nhiều lần phải xin điều chỉnh quy hoạch. Ảnh: Tiến Hùng |
“Về công tác bồi thường, chúng tôi cũng nhiều lần đốc thúc nhưng phía thủy điện cứ xin khất, với lý do công ty làm ăn khó khăn”, ông Lương Đình Việt – Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông nói.
Nhà máy Thủy điện Chi Khê có tổng mức đầu tư 1.370 tỷ đồng, cao trình thiết kế đập thủy điện là 38m, công suất 2 tổ máy 40 MW, được khởi công từ năm 2013. Tuy nhiên, đến nay thủy điện này đã phải xin điều chỉnh quy hoạch bổ sung vùng bị ảnh hưởng đến 3 lần.
Theo ông Lương Thanh Hải – Trưởng Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Con Cuông, ban đầu quy hoạch diện tích lòng hồ chỉ rộng 800 ha, nhưng đến nay đã gần 1.000 ha. Năm 2017, khi thủy điện tích thử, mới chỉ đến cao trình 36,5m đã ngập hơn 100 ha đất của dân. Sau đó, huyện Con Cuông phải khẩn cấp phát văn bản yêu cầu phía thủy điện dừng tích nước để điều chỉnh quy hoạch. Sau khi điều chỉnh bổ sung xong, thủy điện tích nước đến cao trình 38m thì lại tiếp tục phát sinh thêm nhiều diện tích khác.
“Khâu khảo sát, đánh giá tác động môi trường làm ẩu quá. Lúc đầu dự toán chỉ mất 35 tỷ cho công tác giải phóng mặt bằng, nhưng đến nay đã tốn gần 300 tỷ đồng vẫn chưa xong. Lúc đầu chỉ phải di dời 30 hộ, nhưng giờ tăng lên gấp đôi rồi. Trong khi việc đền bù thì họ cứ chây ỳ”, ông Hải nói.