Nghệ An: Vì sao thiếu giáo viên tiếng Anh nhưng vẫn khó tuyển dụng ?
(Baonghean.vn) - Nhiều năm nay, việc thiếu giáo viên Tiếng Anh vẫn xảy ra ở nhiều địa phương. Nhưng, để tuyển được giáo viên Tiếng Anh lại không dễ dàng khi có quá nhiều tiêu chí gây khó. Đây là thực tế đang diễn ra tại huyện Nam Đàn và một số huyện miền núi của tỉnh.
Mòn mỏi chờ được tuyển dụng
Trường Tiểu học Hoàng Trù (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn) hiện đã là trường chuẩn mức độ 2. Thế nhưng, hai năm trở lại đây, mỗi lần nhắc đến việc dạy Tiếng Anh ở nhà trường, cô giáo Vương Thị Liên – hiệu trưởng nhà trường đều hết sức trăn trở.
Mặc dù đã là trường chuẩn quốc gia nhưng Trường Tiểu học Hoàng Trù chưa có giáo viên Tiếng Anh và phải hợp đồng thỉnh giảng. Ảnh: Mỹ Hà |
Năm học này, việc dạy và học Tiếng Anh của nhà trường đã trở lại bình thường sau khi nhà trường đã hợp đồng thỉnh giảng được 2 giáo viên Tiếng Anh. Điều đáng nói, gọi là hợp đồng nhưng thực chất hai cô giáo này đều là giáo viên “cũ” của nhà trường, trong đó có người đã dạy 9 năm, người ít hơn thì đã 6 năm và đều được Ban giám hiệu nhà trường đánh giá cao về năng lực.
Trong đó, riêng cô Nguyễn Thị Kim Liên đã từng là giáo viên hợp đồng của huyện, sau đó chuyển sang hợp đồng ngắn hạn (ký một năm) và nay lại là hợp đồng thỉnh giảng (trả lương theo số tiết thực dạy) của nhà trường. Cô Kim Liên cũng đã từng được chọn là giáo viên cốt cán của huyện môn Tiếng Anh.
Liên quan đến giáo viên Tiếng Anh, sau hơn 5 năm gián đoạn, năm nay huyện Nam Đàn đã được UBND tỉnh phê duyệt 15 chỉ tiêu Tiếng Anh dành cho giáo viên tiểu học. Sau khi nhận được thông tin này, cô giáo Kim Liên và gần 10 giáo viên khác đang hợp đồng tại các nhà trường đều rất vui mừng. Tuy nhiên, đến khi xem các điều kiện để nạp hồ sơ thì rất nhiều người không đủ tiêu chuẩn theo như các tiêu chí đề ra.
Tiếng Anh luôn là tiết học đem lại sự hào hứng cho học trò. Ảnh: Mỹ Hà |
Cụ thể, theo như kế hoạch tuyển dụng mà huyện Nam Đàn đưa ra trong năm nay thì giáo viên Tiếng Anh phải có bằng tốt nghiệp Đại học sư phạm Tiếng Anh, có trình độ B2 theo khung tham chiếu châu Âu hoặc tương đương; có một trong các chứng chỉ trình độ ngoại ngữ thứ 2 đạt bậc 1 theo quy định của Thông tư số 01/2014/TT – BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo; có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ theo quy định...
“Khi biết huyện có chỉ tiêu tôi rất mừng. Nhưng nếu so với các tiêu chí thì tôi chưa đạt bởi tôi chỉ tốt nghiệp khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Vinh và học thêm chứng chỉ sư phạm. Bây giờ hội đồng tuyển dụng yêu cầu tôi phải có bằng Đại học sư phạm thì mới xét tuyển thì thực sự quá khó vì tôi đã ngoài 30 tuổi. Còn về trình độ, kỹ năng sư phạm tôi nghĩ mình đủ tiêu chuẩn vì tôi đã có gần 10 năm kinh nghiệm và cũng đã được phụ huynh, học sinh và giáo viên ghi nhận”.
Thừa chỉ tiêu nhưng “khan hiếm” ứng tuyển
Trên toàn huyện Nam Đàn hiện đang thiếu khoảng 20 giáo viên tiếng Anh ở các nhà trường, chủ yếu là bậc tiểu học. Điều này, gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành trong quá trình triển khai nhiệm vụ năm học và cũng đã ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng dạy và học ở các nhà trường.
Như trên địa bàn xã Kim Liên, hiện xã có 2 trường tiểu học. Năm học 2018 – 2019, Trường Tiểu học Hoàng Trù dạy chương trình Tiếng Anh tự chọn, trong khi đó Tiểu học làng Sen lại dạy chương trình 10 năm. Vì hai đối tượng học sinh khác nhau, nên năm học này khi học sinh lớp 5 lên lớp 6 ở Trường THCS Kim Liên, nhà trường không biết dạy chương trình nào cho hợp lý trong 2 chương trình Tiếng Anh 7 năm và Tiếng Anh 10 năm.
Giờ học Tiếng Anh của học sinh Trường Tiểu học Lê Mao - Thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà |
Thực tế trên cũng diễn ra ở nhiều trường học khác vì hiện nay 100% các trường THCS ở huyện Nam Đàn đều dạy chương trình 10 năm. Trong khi đó, số trường tiểu học dạy chương trình này chỉ mới 3 trường và nguyên nhân chủ yếu là do thiếu giáo viên. Hiện, trong số 45 giáo viên tiểu học thì chỉ có 12 giáo viên thuộc diện biên chế, còn lại là hợp đồng hoặc hợp đồng thỉnh giảng.
“Sau hơn một tuần triển khai tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh, chúng tôi chỉ mới nhận được 3 hồ sơ của các ứng viên trong khi chỉ tiêu đưa ra là 15. Tôi cũng đã nhận được một số phản hồi từ phía giáo viên và các nhà trường nhưng việc xây dựng các tiêu chí là dựa trên các văn bản quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các văn bản liên quan và chúng tôi không làm trái quy định...”.
Xung quanh việc tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh năm nay, những ngày qua giáo viên trong huyện đang còn nhiều ý kiến xung quanh việc phải có chứng chỉ B2 và tương đương. Tuy nhiên, việc cấp chứng chỉ này hiện đang thực hiện theo hai hình thức: Chứng chỉ B2 quốc tế (do Cambridge English khảo thí và cấp chứng chỉ) và chứng chỉ B2 nội bộ (do 1 trong 8 trường đại học trong nước được phép cấp theo quy định của Bộ).
Trong khi đó, kế hoạch tuyển dụng của huyện Nam Đàn lại đang chung chung, chưa rõ ràng. Vì thế, nhiều giáo viên lo ngại, dù thời điểm này Hội đồng tuyển dụng của huyện vẫn nhận hồ sơ với những ứng viên có chứng chỉ B2 nội bộ nhưng họ không chắc chắn có được qua vòng sơ tuyển để bước vào thi tuyển hay không.
Trước đó, việc tuyển dụng giáo viên mầm non của huyện Nam Đàn cũng gặp nhiều khó khăn xung quanh việc phải có đủ chứng chỉ Tiếng Anh và chứng chỉ Tin học. Và trên thực tế, dù huyện có đến 27 chỉ tiêu giáo viên mầm non nhưng cuối cùng chỉ tuyển được 2 giáo viên vì không đủ hồ sơ theo đúng như tiêu chí đưa ra.
Chỉ một vài trường học ở Kỳ Sơn được học tiếng Anh vì thiếu giáo viên. Ảnh: Mỹ Hà |
Tại huyện Con Cuông, qua thực tế một số năm tuyển dụng với những tiêu chí tương tự, hiện huyện đã xin ý kiến các cấp và Sở Nội vụ để thay đổi một số quy định như không cần phải giáo viên có chứng chỉ B2 quốc tế, giáo viên cũng không cần có chứng chỉ ngoại ngữ 2.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện cho biết: “Như năm nay, chúng tôi có 5 chỉ tiêu và cũng chỉ nhận được 5 hồ sơ. Quan điểm của huyện trong tuyển dụng là phải đúng các quy định nhưng không làm khó cho các ứng viên. Một số văn bằng, chứng chỉ nếu không thực sự cần thiết thì huyện sẽ không yêu cầu vì có thể dễ nảy sinh tiêu cực, thậm chí là làm đối phó. Quan trọng nhất là năng lực của giáo viên và kết quả giảng dạy ở các nhà trường”.