Nghệ nhân tâm huyết giữ gìn vốn quý của đồng bào Thổ
(Baonghean.vn) - Ở xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp người ta gọi nghệ nhân Trương Thanh Hải là “người giữ hồn dân tộc” bởi những đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian phi vật thể đồng bào Thổ tại địa phương.
Bảo tồn vốn quý
Đón chúng tôi ở đầu cổng làng, nghệ nhân Trương Thanh Hải gây ấn tượng trong bộ đồ màu nâu đất với chiếc túi đựng cây sáo trúc khoác trên vai. Sinh ra ở làng Mo nay là xóm Mo Mới, có bà nội là Cao Thị Xá một nghệ nhân hát dân ca Thổ hay có tiếng, từng được Vua Bảo Đại mời vào cung đình Huế để biểu diễn, từ nhỏ, ông Trương Thanh Hải đã sống trong không gian văn hóa dân tộc thổ.
Lớn lên đi bộ đội, tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc, khi trở về địa phương, sẵn có chút năng khiếu, ông theo học lớp Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Nghệ An, rồi được phân công phụ trách công tác văn hóa xã Nghĩa Xuân.
Nghệ nhân Trương Thanh Hải (áo nâu) đã dành nhiều tâm huyết cho việc bảo tồn văn hoá dân tộc Thổ. Ảnh: Đình Tuyên |
Hơn 25 năm qua, đau đáu trước sự mai một của những giá trị văn hóa truyền thống, ông Trương Thanh Hải say sưa, miệt mài cất công đi khắp các làng trên, thôn dưới, gặp gỡ các nghệ nhân, già làng để sưu tầm, lưu giữ và phát triển các làn điệu dân ca, các loại nhạc cụ, đồ dùng sinh hoạt; các bài thuốc dân gian và phong tục tập quán truyền thống của đồng bào Thổ ở huyện Quỳ Hợp.
Nổi bật như: Tục cúng mo, cúng vía, diễn xướng cồng chiêng, khắc luống; chuyện cổ tích Chàng Bông Hương chị Á nàng Xầm, 100 câu hát Dạ ời.
Ông Trương Thanh Hải (thứ 2 phải sang) nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ dành cho điển hình tiêu biểu về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do đồng chí Thái Thanh Quý- Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh thừa uỷ quyền trao tặng. Ảnh: Thành Cường |
Đặc biệt, ông đã cùng với cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động người dân phục dựng Lễ Bốc Mó - một tập tục cổ xưa của người Thổ mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho nguồn nước dồi dào để phục vụ cuộc sống sinh hoạt và việc tưới tiêu của nông dân đã từ lâu đã bị mai một.
“Trong quan niệm của người Thổ, Mó nước là nơi linh thiêng, nơi cung cấp nguồn nước trong mát, ngọt lành cho dân làng. Người Thổ xưa kia khi đi tìm đất định cư lập làng thường chọn hang đá nơi có nguồn nước dồi dào đùn từ dưới đất lên, trong và sạch.
Nghệ nhân Trương Thanh Hải và CLB dân ca Thổ ở xóm Mo Mới, xã Nghĩa Xuân, Quỳ Hợp. Clip Đình Tuyên- Khánh Ly |
Sau khi lập làng, vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm dân làng sẽ tập trung tại mó nước, thường là trước cửa hang để cúng thần cửa hang, báo với Ngọc Hoàng chứng giám và mời thần Mó về hưởng thụ lòng biết ơn của dân làng đã ban cho nguồn nước dồi dào.
Sau lễ cúng, các già làng sẽ chọn những thanh niên trai tráng tiến hành làm sạch các mương dẫn nước, vệ sinh môi trường để đảm bảo nguồn nước Mó luôn được sạch sẽ, tuôn chảy”, nghệ nhân Trương Thanh Hải cho hay.
Nghệ nhân Trương Thanh Hải (áo nâu) cùng thành viên CLB dân ca Thổ tại Mó nước và đền thờ Thần Mó của xóm Mo Mới. Ảnh: Đình Tuyên |
Ngoài lễ Bốc Mó, những làn điệu dân ca, dân vũ, những tập tục của đồng bào dân tộc Thổ do nghệ nhân Trương Thanh Hải sưu tầm, phục dựng đều được phát triển rộng rãi trong các làng bản cho nhiều tầng lớp nhân dân trong xã, trong huyện.
Các đội nghệ thuật của huyện Quỳ Hợp thường xuyên sử dụng các đề tài ông Hải sưu tầm tham gia các hội thi, hội diễn các cấp và đạt giải cao. Bản thân nghệ nhân Trương Thanh Hải từng được tham gia biểu diễn tái hiện lại "Lễ Bốc Mó" tại làng văn hóa 54 dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sóc Sơn (Hà Nội) và ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ III tại Quảng Ngãi.
Nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, những tập tục của đồng bào dân tộc Thổ do nghệ nhân Trương Thanh Hải sưu tầm, phục dựng được phát triển rộng rãi trong các làng bản cho nhiều tầng lớp nhân dân trong xã, trong huyện. Ảnh: Đình Tuyên |
Ông Hải cũng dành thời gian sưu tầm một số bài thuốc dân gian của dân tộc Thổ, sưu tầm ẩm thực, trang phục, nhạc cụ và dụng cụ sinh hoạt, lao động sản xuất; kỹ năng trình diễn một số phong tục tập quán của đồng bào Thổ. Đó là những vốn quý góp phần đặt nền móng cho việc bảo tồn, lưu truyền bản sắc văn hóa dân tộc Thổ ở xã Nghĩa Xuân nói riêng, huyện Quỳ Hợp nói chung.
Trao truyền, lan tỏa
Vốn là một cán bộ văn hóa, ông Trương Thanh Hải luôn tâm huyết góp sức thúc đẩy phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư và bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Chính bởi vậy, cùng với việc sưu tầm và bảo tồn văn hóa dân tộc Thổ, nghệ nhân Trương Thanh Hải đã vận động thành lập và tham gia các câu lạc bộ dân ca dân tộc Thổ. Câu lạc bộ đầu tiên được thành lập ở xóm Mó vào năm 2003 và được tỉnh Nghệ An công nhận là mô hình văn hóa cấp tỉnh.
Ông cũng có nhiều đóng góp cho việc thành lập Câu lạc bộ văn nghệ dân dân dân tộc Thổ và phục dựng Lễ hội Bốc Mó ở xóm Mo Mới. Ông Trương Đình Nhi - Bí thư Chi bộ, già làng xóm Mo Mới cho biết: Tuy không sinh sống ở xóm Mo Mới nhưng sinh ra ở đây nên nghệ nhân Trương Thanh Hải đã tư vấn, góp công, góp sức cùng chi ủy chi bộ, ban quản lý xóm và nhân dân thành lập Câu lạc bộ dân ca Thổ với 45 thành viên đủ mọi lứa tuổi thuộc 3 thế hệ.
Câu lạc bộ duy trì sinh hoạt mỗi tháng 1 lần vào thứ Bảy, Chủ nhật để “giữ lửa” tình yêu và ý thức giữ gìn bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào Thổ.
CLB dân ca Thổ xóm Mo Mới biểu diễn. Ảnh: Đình Tuyên |
Xóm cũng đã phục dựng lại Lễ hội Bốc Mó, được tổ chức vào ngày 10/3 Âm lịch hàng năm gồm 2 phần (phần lễ đi thuyền từ đập dưới lên mó nước và đền Mó của xóm Mo Mới để làm nghi lễ cúng rước; phần hội gồm các hoạt động múa hát, cồng chiêng, khắc luống, ẩm thực thu hút đông đảo du khách trong và ngoài xã đến dự). Điểm nhấn trong Lễ hội Bốc Mó là bài dân ca cổ Tang Khang Lẻ nói về quá trình lao động, sản xuất của người dân do nghệ nhân Trương Thanh Hải sưu tầm. Mới đây xóm còn phục dựng nhà sàn cổ của người dân tộc Thổ trong khuôn viên nhà văn hóa cộng đồng để con cháu biết ngày xưa cha ông mình đã sống, sinh hoạt như thế nào.
Lúc còn làm cán bộ văn hóa xã và sức khỏe còn tốt, hễ nghe ở đâu có nhân tố, nhất là nhân tố trẻ, nghệ nhân Trương Thanh Hải lại cặm cụi đến để vận động các cháu tham gia các hoạt động bảo tồn dân ca Thổ, nhiều cháu đã trở thành hạt nhân văn nghệ nòng cốt của làng, của xóm. Với niềm đam mê của mình, ông đã truyền lửa để lớp trẻ biết yêu quý văn hóa cội nguồn từ việc mặc trang phục truyền thống đến những làn điệu dân ca.
Nghệ nhân Trương Thanh Hải. Ảnh: Đình Tuyên |
Ông cũng cất công sưu tầm, giữ gìn, nâng niu các nhạc cụ truyền thống của đồng bào Thổ. Theo ông, mỗi nhạc cụ có một âm thanh riêng, nhưng khi nhịp trống, cồng, khèn, chiêng hòa quyện vào nhau đã tạo nên sự vui nhộn, hân hoan, vui mừng của đám vui; khí phách hào hùng của thành công thắng lợi, xua đi tĩnh lặng đêm Đông giá lạnh của rừng sâu, núi thẳm được đồng bào dân tộc Thổ sử dụng trong các dịp đón năm mới, lễ hội, hiếu, hỷ cũng như trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, mừng lúa mới, cơm mới...
Bộ nhạc cụ đồng bào dân tộc Thổ mà huyện Quỳ Hợp trao tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh trong tháng 3 năm 2022 là do nghệ nhân Trương Thanh Hải sưu tầm trong nhiều năm. Khi chúng tôi hỏi hiến tặng như vậy có tiếc không? Nghệ nhân Trương Thanh Hải hồn hậu trả lời: “Không! Vì tôi biết rằng những nhạc cụ đó sẽ được giữ gìn cẩn thận và có điều kiện tốt lan tỏa cho nhiều người biết về bản sắc văn hóa dân tộc Thổ”.
Nghệ nhân Trương Thanh Hải biểu diễn một trong số các nhạc cụ đồng bào Thổ. Ảnh: Phan Giang |
Nhận xét về nghệ nhân Trương Thanh Hải, bà Trương Thị Duyên - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Xuân cho hay: Ông Hải là người có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Thổ ở xã Nghĩa Xuân, nhất là các làn điệu dân ca, nhạc cụ được mang đi biểu diễn ở nhiều nơi.
Hiện nay, xã Nghĩa Xuân cũng đã ban hành Nghị quyết về bảo tồn văn hóa dân tộc Thổ, trên địa bàn có 3 câu lạc bộ dân ca dân tộc thổ là Đột Vả, Mo Mới và xóm Mó được thành lập và đi vào hoạt động rất sôi nổi.
Đến nay dù sức khỏe đã yếu đi nhiều, nhưng nghệ nhân Trương Thanh Hải vẫn đau đáu với hồn cốt văn hóa dân tộc Thổ. Những đóng góp thầm lặng ông đã được ghi nhận khi ông là 1 trong 2 gương điển hình của tỉnh Nghệ An có mặt trong 123 gương điển hình được lựa chọn, giới thiệu từ các địa phương, đơn vị trong cả nước để tham gia Triển lãm Hồ Chí Minh “những tấm gương bình dị mà cao quý” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức vào tháng 5/2022 nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Càng vinh dự hơn, trong năm 2022, nghệ nhân Trương Thanh Hải là 1 trong 3 cá nhân của tỉnh Nghệ An vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng” tôn vinh điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022 do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.
Nghệ nhân Trương Thanh Hải trò chuyện với cấp uỷ chi bộ, các thành viên CLB dân ca Thổ xóm Mo Mới và phóng viên Báo Nghệ An. Ảnh: Đình Tuyên |
Ấy vậy nhưng điều đáng quý ở nghệ nhân Trương Thanh Hải là đức khiêm tốn. Trò chuyện với chúng tôi bên ấm chè xanh trong ngôi nhà sàn cổ mới được phục dựng ở xóm Mo Mới, người nghệ nhân tâm huyết ấy chia sẻ: Thành quả ấy là đóng góp chung của cấp ủy chính quyền các cấp và đồng bào Thổ trong việc bảo tồn, gìn giữ, trao truyền bản sắc văn hóa của dân tộc như một mạch nguồn chảy mãi...