Người phụ nữ ở Nghệ An phát phong bì tiền cho người dân về quê tránh dịch bằng xe máy

Tiến Hùng 31/07/2021 12:41

(Baonghean.vn) - Thương cảm với đoàn người hồi hương tránh dịch bằng xe máy, chị Hiền quyết định bỏ 100 triệu đồng để làm thiện nguyện.

Trưa 31/7, có mặt tại chốt kiểm soát ở cầu Bến Thủy 2, phóng viên Báo Nghệ An chứng kiến chị Đinh Thu Hiền (47 tuổi, phường Hà Huy Tập, TP Vinh), đang cùng một vài người thân tiếp tục chuẩn bị thêm phong bì để phát cho lao động đi xe máy từ miền Nam về quê tránh dịch. "100 phong bì đã được phát hết rồi. Bây giờ chúng tôi lại chuẩn bị thêm một 100 phong bì nữa", chị Hiền nói. Tất cả phong bì đều có mệnh giá 500.000 đồng.

Chị Hiền cùng người thân ngồi trong xe ô tô đỗ bên cạnh chốt kiểm soát. Một thùng carton chứa phong bì được đặt trên mui xe. Các lao động chạy xe máy về quê sau khi qua chốt kiểm soát khai báo y tế, sẽ được hướng dẫn đến xe chị Hiền lấy tiền. Để phòng dịch, những người ngồi trong xe chỉ chào các lao động bằng tay hoặc nói vọng ra. Đáp lại, sau khi nhận tiền, những lao động hồi hương cúi đầu cảm tạ.

Chiếc xe của chị Hiền chờ bên đường để lao động đến nhận phong bì. Ảnh: Tiến Hùng
Chiếc xe của chị Hiền chờ bên đường để lao động đến nhận phong bì. Ảnh: Tiến Hùng

Bắt đầu từ chiều 30/7, chị Hiền mang theo 100 chiếc phong bì chứa tổng cộng 50 triệu đồng dừng xe cạnh chốt kiểm soát để phát cho lao động về quê bằng xe máy. Chị Hiền nói rằng, để bà con biết được để về quê qua cây cầu này, chị phải chụp ảnh đăng lên Facebook thông báo.

“Vì phải thông báo cho những người về quê biết để họ đi qua cây cầu này nên tôi mới phải thông tin lên Facebook, chứ thực ra tôi cũng muốn lặng lẽ làm việc này”, chị Hiền chia sẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, người phụ nữ trung niên này khá nổi tiếng trong giới từ thiện. Gần đây, chị nhiều lần chuyển tiền cho những người bạn ở TP.HCM mua đồ thiết yếu hỗ trợ người dân nghèo tại các "cửa hàng 0 đồng" và trả công cho các shiper vận chuyển hàng thiết yếu cho người nghèo. Tất cả hoạt động từ thiện của chị đều khá kín tiếng. "Trong lúc dịch bệnh, nhiều người lâm vào cảnh khó khăn, mình chia sẻ được chút nào cho họ thì tốt chút đó, giúp được người khác thấy lòng mình cũng ấm áp hơn", chị nói.

Bất chấp mưa gió, tối 30/7, đúng như lời hứa, chị Hiền dừng xe chờ lao động đến nửa đêm để phát phong bì. Ảnh: TH
Bất chấp mưa gió, tối 30/7, đúng như lời hứa, chị Hiền dừng xe chờ lao động đến nửa đêm để phát phong bì. Ảnh: TH

"Nhờ bạn bè thông báo cho những người về quê bằng xe máy để tránh dịch, đi qua cầu Bến Thủy 2 để mình chia sẻ một chút khó khăn với bà con. Gia đình mình đứng chờ ở đây đến 12 giờ đêm nay”, chị Hiền viết trên tài khoản Facebook cá nhân vào chiều 30/7. Dòng trạng thái này khiến cộng động khá bất ngờ, không ít người tỏ ý nghi ngại. Tuy nhiên, đúng như những dòng chị Hiền viết, tối 30/7, gia đình chị dừng xe chờ các lao động hồi hương đến 24h mới về nhà ngủ, bất chấp trời mưa gió. Đến sáng 31/7, cả gia đình lại tiếp tục việc thiện nguyện này. Thấy những lao động hồi hương có vẻ đói, chị Hiền còn mua 100 gói xôi giò để phát cho họ.

Trưa 31/7, khi đang nói chuyện với phóng viên, nghe thông tin có một đoàn lao động hồi hương bằng xe máy không chọn cầu Bến Thủy 2 mà đi qua cầu Bến Thủy 1, chị Hiền và người thân lại lật đật gom phong bì, phóng xe qua chốt kiểm soát cách đó 500m để chờ các lao động.

Không chỉ phát tiền cho lao động Nghệ An, tất cả những lao động hồi hương bằng xe máy qua chốt kiểm soát đều được nhận phong bì. Có người quê Tuyên Quang, có người tận trên Yên Bái, có người ở Thanh Hóa. Vượt hành trình hơn 1.400 km từ Bình Dương về đến đây, anh Trần Bảo Long (34 tuổi, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) cho biết, anh rất xúc động khi nhận được số tiền này.

Một nhóm lao động Kỳ Sơn ngủ lại chân cầu Bến Thủy 2 vì quá mệt sau khi đi từ Bình Dương về. Ảnh: TH
Một nhóm lao động Kỳ Sơn ngủ lại chân cầu Bến Thủy 2 vì quá mệt sau khi đi từ Bình Dương về. Ảnh: TH

"Đó là số tiền rất lớn đối với vợ chồng em lúc này", Long nói. 3 tháng trước, Long mang vợ và đứa con nhỏ 2 tuổi vào Bình Dương lập nghiệp. Tuy nhiên, đại dịch ập đến khi cả hai vợ chồng thậm chí còn chưa xin việc. Số tiền mang theo đã hết, vợ chồng Long phải cầu cứu từ quê nhà gửi vào. Ít ngày trước, Long quyết định chạy xe máy chở vợ con về quê. "Nếu không về, ở trong đó cũng chẳng còn tiền ăn, tiền trọ", Long nói và cho hay, hành trình về quê, trong túi của cả hai vợ chồng chỉ có vỏn vẹn chưa đầy một triệu đồng để đổ xăng, ăn uống. Cũng may, dọc đường có nhiều đoàn thiện nguyện phát đồ ăn, nước uống miễn phí.

Mỗi ngày có hàng trăm lao động về quê bằng xe máy từ tâm dịch. Ảnh: Tiến Hùng
Mỗi ngày có hàng trăm lao động về quê bằng xe máy từ tâm dịch. Ảnh: Tiến Hùng

Theo một cán bộ CSGT làm nhiệm vụ ở chốt kiểm soát, chỉ tính riêng ở chốt kiểm soát cầu Bến Thủy 2, mỗi ngày có hàng trăm chiếc xe máy khai báo chạy từ tâm dịch miền Nam như Bình Dương, TP HCM, Đồng Nai... về quê tránh dịch. Trong đó, đông đảo nhất vẫn là lao động quê Nghệ An, Thanh Hóa.

Đặc biệt, có những đứa trẻ chỉ mới 10 ngày tuổi nhưng vẫn bấu víu lấy mẹ ngồi sau chiếc xe máy cà tàng vượt qua hành trình bão táp để hồi hương. Có người dọc đường bị tai nạn, xây xước hết người. Có những lao động vừa đặt chân đến quê hương không kiềm được cảm xúc, bật khóc nức nở ngay chốt kiểm soát ở cửa ngõ phía Nam tỉnh Nghệ An. Tối 30/7, phóng viên chứng kiến một nhóm hàng chục lao động quê Kỳ Sơn dùng thùng carton xé ra chia nhau làm chiếu, ngủ trong vườn hoa cạnh chân cầu Bến Thủy 2. Dù lúc đó, trời vừa ngừng mưa.

Mới nhất
x
Người phụ nữ ở Nghệ An phát phong bì tiền cho người dân về quê tránh dịch bằng xe máy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO