Người trẻ năng động làm giàu ở Nghĩa Thuận
(Baonghean) - Năng động, sáng tạo, giáo dân trẻ Trần Văn Hải (Nghĩa Thuận - Thị xã Thái Hoà) đang hiện thực hóa ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh còn là một cán bộ xóm tích cực trong mọi phong trào, hoạt động; là gương mặt thanh niên công giáo tiêu biểu được Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2014.
Anh Trần Văn Hải là con cả trong một gia đình giáo dân có nghề làm mộc dân dụng truyền thống. Ngày còn đi học, Hải một buổi đến trường, một buổi chăm chỉ phụ giúp bố tại xưởng mộc gia đình. Và anh cũng được bố truyền nghề từ đó. Sau khi học xong cấp 3, anh Hải ở nhà nối nghề mộc truyền thống để lo cho việc học của hai em.
Trang trại chăn nuôi gà chọi của anh Trần Văn Hải ở xã Nghĩa Thuận (TX. Thái Hoà). |
Năm 2006, anh Hải lập gia đình, cuộc sống của hai vợ chồng lúc mới ra riêng nhiều vất vả. Thời điểm đó, việc phát triển nghề mộc cũng gặp rất nhiều khó khăn: gỗ nguyên liệu đắt, trong khi nhu cầu của người dân ít. Thế nhưng anh vẫn quyết tâm giữ nghề. Để duy trì và tiếp tục phát triển xưởng mộc của gia đình, anh đến các làng nghề khắp các huyện lân cận để tìm kiếm bạn hàng và tìm “mối” nhập nguyên liệu. Sau những chuyến cất công đi đến các làng nghề, anh không chỉ tìm được nguyên liệu rẻ hơn từ các huyện miền xuôi như Diễn Châu, Đô Lương... mà còn học hỏi thêm cách làm mẫu mã mới, phù hợp với thị hiếu khách hàng. Nhờ đó, mặt hàng đồ gỗ gia dụng của gia đình anh như: bàn, tủ, giường... ngày một “đắt khách”; anh đầu tư mở rộng thêm xưởng mộc, đồng thời trực tiếp hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại chỗ, với mức lương ổn định 5 triệu đồng/người/tháng; mỗi năm trừ chi phí gia đình anh còn thu lãi trên 100 triệu đồng.
Ngoài ra, dựa vào lợi thế đất vườn rộng, anh đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi. Anh được tham gia các lớp tập huấn, tham quan các mô hình phát triển kinh tế ở các huyện bạn như Quỳnh Lưu, Diễn Châu và trong địa bàn Thị xã Thái Hoà... Từ kinh nghiệm tích luỹ được, anh Hải mạnh dạn vay vốn ngân hàng xây dựng chuồng trại để đầu tư chăn nuôi gà thương phẩm. Mặc dù lúc đó ở xã chưa có ai phát triển mô hình này. Chia sẻ bí quyết trong chăn nuôi, anh Hải cho biết, con giống tốt quyết định phần lớn thành công, bởi vậy, anh đã tìm hiểu qua đài, báo, internet những giống gà dễ nuôi, phù hợp với khí hậu địa phương. Sau đó chuyển sang nuôi giống gà lai chọi, là giống gà có khả năng chống chịu với thay đổi của thời tiết, phát triển đều và năng suất cao hơn gà thường. Hiện nay, trên tổng diện tích trang trại 750m2, anh đầu tư nuôi 1.000 con gà thương phẩm, 500 con gà đẻ trứng, mỗi năm xuất hơn 10 tấn gà thịt và 80 nghìn quả trứng; thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm.
Tận dụng lợi thế đất rộng, xung quanh nhà nhiều cây ăn quả, nên ong về nhiều, anh Hải tiến hành nuôi ong ban đầu chỉ nuôi một vài đàn để phục vụ nhu cầu của gia đình, lâu dần có kinh nghiệm, anh nhân đàn nuôi ong lấy mật cung cấp ra thị trường. Nhận thấy nhu cầu dùng mật ong trên thị trường rất lớn, anh đã nhân giống đàn ong. Nuôi ong không tốn đất, đầu tư vốn ban đầu và công ít, nhanh thu hoạch, chỉ cần khoảng trên 500 nghìn đồng đầu tư cho một thùng ong, sau 3 - 4 tháng đã có sản phẩm. Có thời điểm, gia đình anh Hải nuôi gần 40 thùng ong. Thu nhập từ đàn ong của gia đình anh đạt gần 15 triệu đồng/năm. Mỗi năm trừ các khoản chi phí, mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của gia đình anh Hải thu lãi gần 200 triệu đồng; cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá. Với anh, kinh nghiệm để đảm nhiệm tốt rất nhiều công việc và đều thành công chính là nhờ sự khoa học trong sắp xếp công việc và hơn hết là luôn chịu khó để tích luỹ kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi để luôn đạt được năng suất cao.
Không chỉ năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, anh Hải còn là Xóm phó xóm 4, Nghĩa Thuận, kiêm cán bộ chi đoàn luôn tích cực trong các phong trào địa phương, sống tốt đời đẹp đạo; là một giáo dân giàu lòng nhân ái, biết chia sẻ giúp đỡ bà con xung quanh được nhân dân trong vùng tin yêu. Là cán bộ của một xóm với đa phần là giáo dân, anh luôn trăn trở phát động, tổ chức các phong trào, hoạt động trong địa phương để góp phần tăng cường tình đoàn kết lương giáo trong cộng đồng.
Đinh Nguyệt