Nhà báo và sự đối diện
Dịp này, những người làm báo cùng chung niềm vui: kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2016). Một nền báo chí trải qua biết bao gian nan thử thách để đóng góp vào sự phát triển của xã hội, của đất nước. Những cuộc chiến tranh giữ nước thế kỷ XX, không ít nhà báo đã ngã xuống trong tư thế của người chiến sĩ. Sự hy sinh ấy truyền lửa cho những người làm báo hôm nay dũng cảm đối diện với cái xấu, cái ác đang lẩn khuất, đưa ra ánh sáng để cùng nhau xây dựng một xã hội lành mạnh, vì sự phát triển của đất nước.
Phóng viên tác nghiệp tại vùng lũ Quỳnh Lưu. Ảnh: Đ.C |
Chân lý thường giản đơn, càng giản đơn càng vĩ đại. Bài học dành cho người làm báo thì nhiều nhưng những nguyên tắc báo chí do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra trên thực tế đã thành kinh điển, mà những giá trị kinh điển thì không bao giờ lạc hậu, sẽ song hành cùng thời gian.Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam từng nhắc nhở người làm báo: Viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào. Thời gian trôi qua, báo chí đổi khác và có thể nói là rất khác cách đây hơn nửa thế kỉ, nhưng lời dặn của Người vẫn là kim chỉ nam cho bất cứ nhà báo nào. Điều đó đã trở thành nguyên tắc đối với một nền báo chí vì nước, vì dân.
Xã hội ngày càng đặt ra nhiều vấn đề phải được công khai minh bạch và cần có câu trả lời thấu đáo. Người làm báo như người bắt cá giữa dòng, nước chảy xiết nhưng vẫn phải lao vào dòng chảy chứ không thể đứng trên bờ quan sát rồi hô hoán; lại càng không thể khi dòng nước đã dừng rồi mới nhập cuộc. Dòng chảy thông tin cuồn cuộn như nước lũ. Dòng chảy sự kiện dồn dập không ngưng nghỉ. Trong hoàn cảnh ấy, người làm báo phải nhìn nhận nhanh nhạy, nắm bắt, phát hiện vấn đề và xử lý vấn đề trên tinh thần trách nhiệm với xã hội và lương tâm của người cầm bút.
Nghĩa vụ cao cả của người làm báo là đi tìm sự thật, công bố sự thật. Nói như cụ Nguyễn Du thì “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”- nghề báo thực sự đã trở thành nghiệp đối với không ít người. Nó đeo đẳng con người ta, len cả vào giấc ngủ chập chờn mãi không thôi. Nhưng cũng không vì thế mà trách cái nghề gian nan này, ngược lại, những nhà báo chân chính lại càng gắng chí bền gan với công việc.
Trong quá trình đi tìm sự thật để công khai nó, không phải lúc nào cũng thuận lợi, nhất là với cái xấu, cái ác. Trên thế giới, người ta đã xếp nghề làm báo vào loại nghề nguy hiểm. Không khéo mất việc như chơi và mất mạng cũng là điều không phải không xảy ra. Chính vì thế, một trong những phẩm chất của người làm báo chính là sự dũng cảm, can trường và giàu bản lĩnh. “Uy vũ bất năng khuất”, không khuất phục, không bó tay, không luồn cúi xu nịnh trước bất cứ thế lực nào, vì nghĩa vụ của người làm báo là phải công khai sự thật khi nó đang còn trong màn sương mờ tối mông lung.
Nhưng, không phải sự thật nào cũng trở thành thông tin công khai, khi mà điều đó chỉ gây ra nỗi kinh hoàng trong xã hội, kích động phần tối tăm của con người. Ở đây, thể hiện bản lĩnh nghề nghiệp, trách nhiệm truyền thông đối với xã hội của người làm báo. Nhân danh trách nhiệm, nhân danh lòng dũng cảm đưa ra những thông tin làm nản lòng xã hội thì đó không phải là người làm báo chân chính.
Ngày nay, người ta có cảm giác như ranh giới giữa báo chí chính thống và mạng xã hội là một đường nhòe. Không ít người nhầm lẫn. Trong đội ngũ những người làm báo cũng không khỏi có người băn khoăn hoặc không bước qua được cái lằn ranh đó. Sự chọn lựa là của mỗi người, nhưng quan trọng là lựa chọn cái gì, lựa chọn ấy có lợi cho sự phát triển hay là lại cản trở nó, vùi dập nó. Người ta đã rất khổ sở vì những thông tin không có căn cứ, không được kiểm chứng trên mạng.
Sự tiến bộ của công nghệ đang làm thay đổi một cách mạnh mẽ hệ thống báo chí, truyền thông. Không thể phủ nhận giá trị và sức mạnh to lớn của mạng xã hội, vì thế lại càng phải thận trọng, trách nhiệm khi tham gia hoặc khi tiếp nhận thông tin. Trong biển cả mênh mông của thông tin mạng, có biết bao con sóng dữ, biết bao con sóng ngầm có thể nhấn chìm người ta, xóa bỏ công sức của bao người với biết bao năm gìn giữ, bồi đắp. Không thể chỉ đơn giản ra một lệnh cấm nào đó đối với mạng xã hội, nhưng đã đến lúc phải có chế tài mạnh mẽ đối với những thông tin độc hại với ngầm ý xấu tác động tiêu cực tới xã hội.
Một xã hội dân chủ, lành mạnh cũng có nghĩa là phải có một nền báo chí dân chủ, lành mạnh. Cùng với việc đấu tranh với cái xấu, cái ác thì việc đóng góp cho sự phát triển xã hội một cách nhiệt tâm chính là nghĩa vụ cao cả của người làm báo, người làm truyền thông. Đối diện với những khó khăn trong nghề làm báo hôm nay, càng thấm thía lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Đó là viết cho nhân dân, cho đất nước; viết để thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Tâm tốt phải đi cùng với nghệ thuật viết thì cái tâm đó, sự thật đó mới đi được vào xã hội, gắn kết cộng đồng, biến thành sức mạnh tinh thần của xã hội. Nghệ thuật viết báo, nghệ thuật làm báo tưởng chừng đơn giản với một vài điều đã trở thành quy chuẩn, nhưng thực ra đó là cuộc vật lộn, sự dằn vặt không ngưng nghỉ của bất cứ người nào đã dấn thân vào nghề báo.
Trong biển cả thông tin hiện nay, trách nhiệm và nghệ thuật truyền tải thông tin của người làm báo là hết sức quan trọng. Đẳng cấp của tờ báo, của từng người viết báo chỉ có khi chiếm được niềm tin của quảng đại quần chúng nhân dân.
Theo Đại đoàn kết