Nhà thơ Hoa Mai: Hành trình thơ và đời
(Baonghean.vn) - Một đêm Sài Gòn đổ mưa, nhà thơ Hoa Mai điện thoại cho tôi bàn về chuyến đi trao tặng sách cho các trường học vào tháng 10 sắp tới, ngay lúc chị vừa ra viện sau cơn bệnh. Hoa Mai là người con Nam Đàn (Nghệ An). Dẫu sinh sống, làm việc phương xa, nhưng cái chất sâu lắng, đằm thắm vẫn vẹn nguyên trong chị, để rồi đưa chị bén duyên và thăng hoa với văn chương. Nhiều người còn biết đến một Hoa Mai rong ruổi miệt mài trên hành trình thiện nguyện khắp mọi miền đất nước.
Văn chương gieo mầm thiện lương
Thoảng khi hai chị em gặp nhau ở Sài Gòn vẫn cứ tíu tít nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, vòng vèo trăm nỗi ngàn niềm thì cũng dẫn về văn chương. Hoa Mai luôn tự nhận mình chỉ là “lòng tong” trong làng, thế nhưng với hành trình văn chương của chị thì hai chữ “lòng tong” lại là một sự khiêm cung quá thể.
Bước vào con đường văn chương muộn nhưng Hoa Mai có khả năng viết nhiều thể loại, đã từng ra mắt 2 tập thơ đậm nét trữ tình nồng nàn; 1 tiểu thuyết huyền mị lấp lánh chính cuộc đời mình; 1 tập tùy bút gom góp những trải nghiệm của quãng đời bôn ba và bây giờ là tập thơ thiếu nhi song ngữ “Khoảng trời của ngoại” như món quà dành tặng 2 đứa cháu thương yêu.
Tập thơ in giấy láng, màu, song ngữ Anh - Việt, vẽ minh họa sống động. Tập thơ đẹp từ cách trình bày, minh họa cho đến lối viết hóa thân như một đứa trẻ thủ thỉ những chuyện buồn, vui. Hoa Mai thành công khi đem cái đẹp vô tư, hồn nhiên, trong trẻo ấy vào thơ. Những bài thơ ngắn, gọn, hài thanh, nhịp nhàng và giàu hình ảnh cuốn hút độc giả. Phải yêu cháu lắm, phải chăm bẵm chúng bằng một suy nghĩ cùng chúng làm bạn thì sự hóa thân của Hoa Mai mới tự nhiên đến thế, không gượng gạo một chút nào.
“Có cây hoa giấy/ Ngoại trồng hiên nhà/ Hoa giơ tay vẫy/ Gọi nắng hiên nhà/ Cây mê bạn nắng/ Chẳng thích bóng râm/ Trả ơn bạn nắng/ Nở hoa rực hồng” (trích “Cây vươn tìm nắng”).
“Bé kêu: con đã chán/ Người nhện với Siêu nhân/ Con nhớ cô nhớ bạn/ Nên miệng không muốn ăn/ Bốn bức tường con vẽ/ Kín những tranh loằn ngoằn/ Tủ nào cao cũng kệ/ Bắc ghế, con nhón chân” (trích “Bond nhớ trường”).
Hoa Mai làm tập thơ này trong phần lớn thời gian TP. Hồ Chí Minh giãn cách xã hội của đợt dịch Covid-19 vừa qua. Trong 4 bức tường bí bích, chị đã bày ra nhiều trò chơi cho cháu, và từ đó, sự quan sát tỉ mỉ của chị đã khiến những câu thơ bật ra.
Thơ giúp chị vượt qua quãng thời gian ngột ngạt và cũng chính từ thơ, những đứa cháu như tìm được sự đồng cảm từ người lớn. Những bài thơ nhỏ gọn xinh xắn này đã từng được đăng báo, đã từng được phổ nhạc. Niềm vui đến với chị ngay thời điểm ấy chính là liều vắc-xin tinh thần giúp chị đi qua tháng ngày đỉnh dịch một cách thong dong nhất.
Tập thơ thiếu nhi song ngữ của tác giả Hoa Mai vừa xuất bản. |
Hoa Mai vẫn hay nói văn chương với chị như gieo một mầm thiện lương trong cuộc đời. Từ văn chương, con người ta biết sống nhân nghĩa và an lành hơn giữa xô bồ thế tục. Chí ít với hành trình viết của mình, với những tập sách đã phát hành, đã minh chứng cho con đường văn chương của nữ sĩ.
Những chuyến đi thiện nguyện
Nhắc đến Hoa Mai, làng văn lại nghĩ ngay đến bà ngoại xì-tin với những chuyến đi dọc ngang đất nước. Ở cái tuổi có thể an hưởng vui thú điền viên thì Hoa Mai lại chọn cho mình niềm vui của sự lan tỏa và chia sẻ.
Đợt miền Trung oằn mình lũ lụt, Hoa Mai cùng các bạn đi vào tâm lũ, đoạn đường núi lầy lội sau khi lũ rút khiến chị chấn thương ở chân. Tưởng chừng chị sẽ ở yên, nhưng Hoa Mai vẫn lặn lội theo đoàn, cố gắng bám sát các hoạt động tương trợ khó khăn cho bà con. Hay như thời điểm TP. Hồ Chí Minh oằn mình trong đỉnh dịch, người ta lại thấy chị mặc áo bà ba tím, đầu đội nón lá, khẩu trang kín mặt chuyển gạo và nhu yếu phẩm đến các bếp ăn từ thiện. Thời điểm đó, TP. Hồ Chí Minh muôn vàn khó khăn, hầu như ai có dư đôi chút thì đều chia sẻ với người thiếu khó, và Hoa Mai là một trong những người đã đứng ra vận động bạn bè, người thân cùng nhau chia sẻ, chung tay vì một thành phố sớm an lành. Thậm chí chị còn vận động cả gia đình sản xuất kính chắn giọt bắn để tặng cho các lực lượng tuyến đầu.
Hoa Mai chân thành trong tính cách, lại tinh tế trong hành xử. Những chuyến đi thiện nguyện của Hoa Mai ít khi nào gióng trống khua chiêng, cứ vậy âm thầm làm điều tử tế. Bởi với Hoa Mai, những việc mình làm cũng chỉ là sự nhỏ nhoi trước những khó khăn của nhiều mảnh đời. Người phụ nữ xứ Nghệ ấy đi qua nhiều giông bão tưởng chừng như gục ngã, nhưng chính bản lĩnh và sự kiên trì đã giúp chị đứng lên, thay đổi chính mình và mãi vẹn nguyên niềm tin yêu cuộc sống.
Giữa những chuyến đi về, khi ngồi cùng nhau, Hoa Mai vẫn luôn nhìn chặng đường tha hương của mình như một duyên hạnh ngộ mà mình may mắn có được. Nếu không đi qua những nghiệt ngã, sao lại có một Hoa Mai thấu hiểu và an nhiên sống như thế này. Những lúc khó khăn, Hoa Mai hay nhìn vào những phận đời kém may mắn trong xã hội, từ đó vực dậy tinh thần của mình. Rất nhiều thời điểm trong cuộc đời mình, đối diện với chênh vênh, chị chọn cách bỏ qua tất cả, lao mình vào một hành trình thiện lành. Để sau mỗi chuyến đi, chị thấy mình hạnh phúc hơn khi đem đến niềm vui cho rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. Như chính chị nói, đâu đó trong xã hội vẫn còn có người, có nơi cần đến Hoa Mai.
Người xứ Nghệ dù bôn ba trăm hướng nhưng lòng vẫn luôn da diết khắc khoải về dòng Lam cố hương. Tháng 10 này, Hoa Mai lại tất bật với chuyến trở về Nghệ An để trao tặng tủ sách cho các trường học khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Đi đâu loanh quanh trong cuộc đời này, ai rồi cũng phải chọn cho mình một lối về đất mẹ. Hoa Mai bảo, càng đi càng thấy rõ tri thức chính là nền tảng để phát triển con người. Thế nên, hành trình tiếp theo của chị chính là hành trình lan tỏa văn hóa đọc.
Đau đáu với mảnh đất quê hương dẫu đã chọn ở lại TP Hồ Chí Minh để sống cùng con cháu, Hoa Mai vẫn dành một góc trong tim mình, trong thơ mình cho dòng Lam. Một đêm nào đó, giữa cơn mưa Sài Gòn, Hoa Mai đã viết: “Lạc quê biền biệt/ Gió Lào vẫn thổi cong giấc mơ/ Mẹ ơi chiều nay về ôm mẹ/ Nấm cỏ xanh thơm đến sững sờ”. Cạn cùng của cuộc đời, với Hoa Mai, xứ Nghệ thiêng liêng hơn bất cứ mảnh đất nào chị đã đi qua, bởi cố hương bản xứ vẫn thơm lừng xanh cỏ mùi mẹ hiền. Sông Lam là mẹ, mẹ là sông Lam, như chính một bài thơ chị viết: Sông Lam là khăn mẹ đánh rơi…