Nhiều địa phương ở Nghệ An thiệt hại nặng nề sau bão số 10

16/09/2017 13:32

(Baonghean.vn) - Bão số 10 với gió giật mạnh và triều cường dâng cao đã gây nhiều thiệt hại về tài sản, nhất là cây màu và diện tích nuôi trồng thủy sản ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.

* Sau bão, nhiều cánh đồng ngô, rau ở Hưng Nguyên đổ rạp, mất khả năng cho thu hoạch.

Cánh đồng ngô nếp hàng hoá ở Hưng Lĩnh thiệt hại hoàn toàn. Ảnh: Phú Hương
Cánh đồng ngô nếp hàng hoá ở Hưng Lĩnh thiệt hại hoàn toàn. Ảnh: Phú Hương

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp triều cường dâng cao, Hưng Nguyên đã có 6 xóm bị ngập úng và cô lập hoàn toàn tại các xã Hưng Nhân, Hưng Lợi và Hưng Châu. Đến 7 giờ sáng 16/9, toàn bộ 278 hộ dân được di dời, sơ tán từ trưa hôm qua 14/9 đã trở về nhà sau khi nước rút.

Toàn huyện thiệt hại 600 cây trồng các loại; 40 ha lúa hè thu đã chuẩn bị thu hoạch bị thiệt hại từ 30- 70%; 50 ha rau màu thiệt hại trên 70% (trong đó có 10 ha đậu xanh) 30 ha ngô thiệt hại trên 70%, trong đó những diện tích ngô hè thu ở các xã Hưng Nhân, Hưng Long, Hưng Mỹ, Hưng Long đã bắt đầu trổ bông, những diện tích ngô vụ đông sớm ở Hưng Xá đã lên 5 - 7 lá coi như mất trắng hoàn toàn. Ngoài ra còn thiệt hại về nhà cửa, trường học, cá lúa và gia súc. Tổng giá trị thiệt hại ước tính gần 15 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Thưởng, xóm trưởng xóm 1A xã Hưng Lĩnh chia sẻ: Cả xóm có gần 7 ha ngô đất bãi, trồng ngô nếp lấy bắp tươi làm hàng hoá và ngô cây bán làm thức ăn cho bò sữa. Sau một tháng trồng và chăm sóc, nếu thuận lợi, chỉ 20 ngày nữa ngô nếp sẽ bẻ được, cuối tháng 9 ngô sinh khối cũng sẽ cho thu hoạch. “Một sào ngô nếp đầu tư hết hơn 800 nghìn đồng, chưa kể công, Nếu được, cũng thu về 2,5 triệu đồng/sào; ngô sinh khối bán với giá 800 nghìn đồng/tấn, nhưng bây giờ coi như tay trắng”.

Nước lũ kết hợp triều cường dâng cao đã làm 6 xóm của 3 xã tại Hưng Nguyên bị cô lập hoàn toàn. Ảnh: Phú Hương
Nước lũ kết hợp triều cường dâng cao đã làm 6 xóm của 3 xã tại Hưng Nguyên bị cô lập hoàn toàn. Ảnh: Phú Hương

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, ông Hoàng Đức Ân cho biết: "Chờ nước rút, nắng lên, chúng tôi sẽ chỉ đạo các xã hướng dẫn nông dân tập trung ra đồng khắc phục hậu quả. Với lúa hè thu, tiến hành gặt ở những diện tích còn vớt vát được. Ngô hè thu do chưa có hạt nên tập trung dựng lại và chăm sóc ở những diện tích thiệt hại nhẹ, những nơi không thể khắc phục được thì nhổ bỏ, làm thức ăn gia súc, chuẩn bị đất trồng vụ tiếp theo.

Tập trung dọn cành cây đổ gãy sau bão. Ảnh: Phú Hương
Tập trung dọn cành cây đổ gãy sau bão. Ảnh: Phú Hương

Diện tích ngô vụ đông sớm ở Hưng Xá bị hỏng hoàn toàn sẽ làm đất khẩn trương gieo trồng lại cho kịp thời vụ. Những diện tích rau màu chưa dập nát hoàn toàn sẽ tiến hành thu hoạch tận thu, diện tích bị hư hỏng nặng thì phá bỏ và trồng lại.

Phú Hương

*Theo báo cáo nhanh của huyện Diễn Châu, bão số 10 đã làm hơn 100 nhà dân, lều ốt dọc các bãi biển bị tốc mái, nước tràn vào nhà làm hư hại nhiều tài sản. Triều cường dâng cao tràn qua tuyến đê biển ở 5 xã, gây ngập tại một số khu dân cư ở Diễn Châu.

Các đầm tôm vùng ngoài đê huyện Diễn Châu bị thiệt hại nặng sau bão số 10. Ảnh: Phan Giang
Các đầm tôm vùng ngoài đê huyện Diễn Châu bị thiệt hại nặng sau bão số 10. Ảnh: Mai Giang

Bão còn gây thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp với khoảng 600 ha gồm ngô, lạc, dưa hấu, các loại rau màu, trong đó nhiều diện tích bị mất trắng.

Diện tích nuôi trồng thủy sản cũng bị thiệt hại nặng nề với 100 ha, trong đó 70 ha tôm, 30 ha cá đang chuẩn bị đến kỳ thu hoạch với ước tính hàng chục tấn; Gần 4km đê bao, bờ kè vùng nuôi trồng thủy sản bị sạt lở... Ước tính thiệt hại do bão số 10 gây ra ở Diễn Châu là hơn 12 tỷ đồng.

Bà con nhân dân huyệnDiễn Châu tập trung khắc phục thiệt hại sau bão. Ảnh: Mai Giang
Bà con nhân dân Diễn Châu tập trung khắc phục thiệt hại sau bão. Ảnh: Mai Giang

Huyện đang tiến hành thống kê thiệt hại, đồng thời huy động các lực lượng cùng bà con nhân khắc phục sau bão để ổn định cuộc sống và sản xuất.

Mai Giang

*Cơn bão số 10 đi qua đã tàn phá nhiều tài sản của bà con nhân dân huyện Quỳnh Lưu, đặc biệt là các xã thuộc vùng bãi ngang. Uớc tính thiệt hại do bão lên đến hàng chục tỷ đồng.

Hiện nay, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị đang tập trung giúp dân khắc phục hậu quả sau bão nhằm ổn định đời sống, phát triển sản xuất.

Lực lượng vũ trang huyện Quỳnh Lưu giúp dân ngăn triều cường. Ảnh: Hồng Diện
Lực lượng vũ trang huyện Quỳnh Lưu giúp dân ngăn triều cường. Ảnh: Hồng Diện

Theo ông Đậu Đức Năm - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết, bão số 10 đã làm 730 ha rau màu vụ đông của huyện hư hỏng 100%, 136 ha nuôi tôm đã được người dân thả giống từ 15 - 60 ngày tuổi và 90 ha nuôi cá nước ngọt bị ngập hoàn toàn; một số đoạn đê biển thuộc xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Long và đê sông thuộc xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh, Quỳnh Hưng bị sạt lở; nhiều cây cối, nhà cửa, tường bao ở khu du lịch, các nhà hàng, hộ dân ven biển bị sập, tốc mái… Ước tính thiệt hại khoảng 90 tỷ đồng.

Trong đó, thiệt hại nặng nhất là diện tích nuôi tôm khoảng 60 tỷ đồng. Hiện huyện đang tích cực tập trung nguồn nhân lực, vật lực giúp các địa phương khắc phục hậu quả sau cơn bão. Đồng thời, tiến hành gia cố lại những chỗ đê, tràn đã sạt lở hư hỏng, tạo điều điện thuận lợi cho giao thông đi lại.

Nhiều diện tích ngô có nguy cơ bị héo khi trời nắng lên. Ảnh: Hồng Diện
Nhiều diện tích ngô có nguy cơ bị héo khi trời nắng lên. Ảnh: Hồng Diện

Đối với diện tích các loại rau màu, cây trồng vụ đông có thể khắc phục được chỉ đạo nhân dân tiến hành chăm sóc khi trời tạnh ráo; những diện tích không có khả năng khôi phục, sau khi đất đã ráo nước thì cày xới, gieo trồng lại cho kịp mùa vụ. Bên cạnh đó, sữa chữa, đắp lại bờ ao vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt để phục vụ tốt cho việc tái sản xuất.

Hồng Diện

*Thuỷ triều dâng cao kết hợp mưa lớn đã gây ngập lụt các đầm tôm khiến gần 50ha tôm của bà con thị xã Hoàng Mai mất trắng.

Theo số liệu của Phòng Kinh tế thị xã, tính đến 16h ngày 15/9, có gần 50 ha tôm đã thả nuôi được vài tháng tuổi của người dân 3 xã Quỳnh Liên, Quỳnh Dị, Quỳnh Lộc đã bị mất trắng. Triều cường tràn qua các bờ kè, cuốn sập cả các bờ bao bằng cát được bà con gia cố.

Phường Quỳnh Dị xả cống để cứu vớt tôm. Ảnh Thanh Thuỷ
Phường Quỳnh Dị xả cống để cứu vớt tôm. Ảnh Thanh Thuỷ

Ngoài ra bà con còn thiệt hại 2 ha cua, 2 ha cá nước ngọt. Mặc dù đã cố gắng hết sức để đắp bờ bao, chăng lưới nhằm vớt vát tài sản nhưng nước dâng quá nhanh nên bà con đành bất lực nhìn công sức mồ hôi nước mắt trôi ra biển. Có những hộ mất đến hàng tỷ đồng do tôm sắp đến thời kỳ thu hoạch./.

Thanh Thuỷ

* Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện huyện Qùy Châu có gần 20ha lúa hè thu thiệt hại toàn toàn, khoảng 30ha lúa mùa bị bão gây đổ; hơn 200m kênh mương bị vùi lấp, 2 đập thủy lợi và 20m bờ sông bị sạt lở.

Bên cạnh đó các tuyến giao thông cũng bị ảnh hưởng với 750m đường ngập, 3 cây cầu bị hư hỏng; đa số các cầu tràn trên địa bàn huyện bị ngập gây cô lập nhiều thôn, bản. Hiện thời tiết trên địa bàn huyện đã tạnh mưa, trời hửng nắng nhẹ, một số điểm ngập nước cũng bắt đầu rút nước.

Bé Vinh

* Do ảnh hưởng cơn bão số 10, trên địa bàn huyện Anh Sơn đã xảy ra mưa lớn, gây ngập úng nhiều diện tích ngô đông mới gieo trỉa. Theo thống kê đã có 140 ha ngô bị thiệt hại.

Clip cầu Cây Sung bị đứt do bão:

 Mưa lớn đã làm trôi cầu Cây Sung đoạn qua bản Khe Trằng Thượng, xã Thọ Sơn gây khó khăn đi laị cho người dân. Ảnh: Thái Hiền
Mưa lớn đã làm trôi cầu Cây Sung đoạn qua bản Khe Trằng Thượng, xã Thọ Sơn gây khó khăn đi laị cho người dân. Ảnh: Thái Hiền

Do ảnh hưởng của cơn bão số 10, tính đến sáng 16/9 trên địa bàn huyện Anh Sơn có 140 ha ngô đông bị ngập úng cục bộ phải gieo trỉa lại, 3 cầu tràn bị ngập. Đặc biệt mưa lớn đã làm trôi cầu Cây Sung đoạn qua bản Khe Trằng Thượng, xã Thọ Sơn gây khó khăn cho người dân.

Một số cầu tràn bị ngập. Ảnh: Thái Hiền
Một số cầu tràn bị ngập. Ảnh: Thái Hiền

Hiện nay, huyện Anh Sơn đang tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ ngô đông trên những diện tích khắc phục được và tiến hành gieo trỉa lại những diện tích bị mất; Tập trung khơi thông hệ thống thoát nước trong khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Sau cơn bão số 10 tính đến sáng ngày 16/9 trên địa bàn huyện Anh Sơn có 140 ha ngô đông bị ngập úng cục bộ phải gieo trỉa lại. Ảnh: Thái Hiền
Sau cơn bão số 10 tính đến sáng ngày 16/9 trên địa bàn huyện Anh Sơn có 140 ha ngô đông bị ngập úng cục bộ phải gieo trỉa lại. Ảnh: Thái Hiền

Tuy vậy với những điểm cầu tràn bị ngập nước địa phương cần tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân đi lại, không để người dân tự ý hoặc một mình qua các điểm cầu tràn, cầu tạm đe dọa đến tính mạng.

Thái Hiền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nhiều địa phương ở Nghệ An thiệt hại nặng nề sau bão số 10
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO