Nhiều dòng họ ở Nghệ An rút gọn quy mô tế tổ để phòng, chống dịch Covid-19

(Baonghean.vn) - Thông thường Tết Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) nhiều dòng họ ở Nghệ An tổ chức lễ tế tổ, cũng là dịp để con cháu sum vầy. Năm nay, giữa lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, không ít dòng họ đã giảm quy mô và số người tham gia lễ tế.

Không lơ là trong phòng, chống dịch

Họ Nguyễn Văn là một dòng họ lớn ở địa bàn 2 xã Nam Sơn và Đặng Sơn (Đô Lương), bao gồm 1 nhà thờ đại tôn và 12 nhà thờ tiểu chi. Theo thông lệ hàng năm, vào dịp Tết Nguyên tiêu, Hội đồng gia tộc tổ chức tế tổ, con cháu các chi họ chuẩn bị mâm cỗ đến tại nhà thờ đại tôn để tế lễ, xong nghi lễ tế tổ mâm cỗ được đưa về nhà thờ các tiểu chi để con cháu vui sum vầy.

Ảnh: Công Khang
Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Văn ở xã Nam Sơn (Đô Lương) thông báo tới các chi họ và con cháu về việc không tổ chức tế lễ linh đình tại nhà thờ đại tôn để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Công Khang

Nhưng năm nay, Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Văn thống nhất không tổ chức tế lễ linh đình tại nhà thờ đại tôn và nhà thờ các tiểu chi để phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch Hội đồng gia tộc cho biết: “Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, chúng tôi đi đến thống nhất năm nay các chi trong họ chỉ soạn một cỗ xôi gà đưa đến nhà thờ đại tôn để tế lễ. Sau đó mang về nhà thờ các tiểu chi để con cháu hưởng lộc, số lượng người tham gia được ấn định hạn chế, thực hiện chỉ đạo không tập trung đông người để phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh. Việc này được cụ thể hóa trong văn bản gửi đến các chi họ”.

Ảnh: Công Khang
Theo kế hoạch ban đầu, dịp này con cháu dòng họ Nguyễn Văn sẽ tổ chức đón Bằng công nhận Di tích lịch sử nhà thờ đại tôn, nhưng do dịch bệnh phức tạp nên lễ đón nhận sẽ được tổ chức vào dịp khác thích hợp hơn. Ảnh: Công Khang

Thực hiện kế hoạch của Hội đồng gia tộc, các tiểu chi và con cháu dòng họ Nguyễn Văn ở 2 xã Nam Sơn và Đặng Sơn đã chấp hành nghiêm túc, nhất là việc hạn chế đến tập trung dâng hương, dâng lễ tại nhà thờ đại tôn về phòng, chống sự lây lan của dịch Covid-19.

Ảnh: Sách Nguyễn
Con cháu dòng họ Nguyễn Trọng ở xã Diễn Hoa (Diễn Châu) chỉ đến nhà thờ dâng hương tưởng niệm tổ tiên, không tổ chức ăn uống. Ảnh: Sách Nguyễn

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Văn Hồng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nam Sơn, năm 2020 vừa qua, nhà thờ đại tôn dòng họ Nguyễn Văn được UBND tỉnh công nhận danh hiệu Di tích lịch sử. Hội đồng gia tộc và con cháu trong dòng họ đã thống nhất tổ chức rước Bằng vào dịp Tết Nguyên tiêu nhưng do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên đã tạm hoãn, chờ tổ chức vào thời gian thích hợp.

“Việc tế tổ năm nay quy mô nhỏ, năm sau hết dịch sẽ tổ chức quy mô lớn hơn. Đón Bằng công nhận Di tích lịch sử chưa tiến hành lúc này có thể tiến hành trong thời điểm khác. Nhưng việc phòng, chống dịch bệnh thì không thể lơ là, cần nghiêm túc thực hiện” - ông Nguyễn Văn Hồng nói.

Ảnh: Sách Nguyễn
Dòng họ Nguyễn Trọng ở xã Diễn Hoa (Diễn Châu) thực hiện rút gọn quy mô lễ tế tổ để phòng dịch. Ảnh: Sách Nguyễn

Cũng như họ Nguyễn Văn ở Đô Lương, dòng họ Nguyễn Trọng ở xã Diễn Hoa (Diễn Châu) đã quyết định rút gọn lễ Kỳ yên trong dịp Rằm tháng Giêng để hưởng ứng chủ trương cùng xã hội phòng, chống sự lây lan của dịch Covid-19. Theo đó, vào đêm 14 và sáng 15 tháng Giêng, Hội đồng gia tộc chỉ làm lễ dâng đèn và hoa quả tại nhà thờ tổ để con cháu đến dâng hương tưởng niệm.

Sau khi dâng hương, con cháu về nhà riêng, không tổ chức ăn uống tại nhà thờ , tất cả được khuyến cáo không tập trung đông người trong khuôn viên nhà thờ, những người ở tỉnh khác không nên về tham dự tế lễ dịp này để góp phần đảm bảo an toàn trong mùa dịch.

Thực hiện nghiêm khuyến cáo "5K”

Trong dịp tế tổ vào Rằm tháng Giêng năm nay, nhiều dòng họ ở Nghệ An đã thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp chính quyền và ngành Y tế. Đó là rút gọn quy mô và lược bớt một số nghi lễ để hạn chế tập trung đông người, thực hiện đeo khẩu trang và khử khuẩn.

Ảnh: Trần Tuấn Thi
Dòng họ Trần Đức ở xã Yên Sơn (Đô Lương) treo biển nhắc nhở con cháu thực hiện các khuyến cáo về phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Trần Tuấn Thi

Điển hình là họ Trần Đức ở xã Yên Sơn (Đô Lương), lễ tế tổ năm nay được rút gọn nhiều bước, tiến hành nhanh và số lượng người tham dự giảm hơn 50% so với những năm trước. Đặc biệt, ở cổng ra vào của nhà thờ đại tôn được bố trí nước rửa tay sát khuẩn kèm theo tấm biển nhắc nhở, khuyến cáo về các biện pháp phòng dịch đối với người đến tham dự lễ tế.

Các thành viên Hội đồng gia tộc và con cháu đến tham dự đều thực hiện đeo khẩu trang trong suốt buổi tế lễ, kể cả những người hành lễ và đánh trống, chiêng. Mọi người có mặt đều thực hiện nghiêm quy định về khoảng cách, không ngồi chen chúc nhau và hạn chế chuyện trò. Các cháu nhỏ được ông bà, bố mẹ cho ở nhà, không tham gia buổi tế lễ tại nhà thờ.

Ảnh: Trần Tuấn Thi
Quy mô và nghi lễ tế tổ được dòng họ Trần Đức ở xã Yên Sơn (Đô Lương) rút gọn. Ảnh: Trần Tuấn Thi

Dòng họ Nguyễn Đình ở huyện Nghi Lộc có 15 chi cũng quyết định không để con cháu đến tham dự tế tổ tại nhà thờ đại tôn, việc tế lễ chỉ do những người trong Ban Thường trực Hội đồng gia tộc đảm trách. Các chi họ cũng khuyến cáo con em ở xa năm nay không nên về dâng hương, dâng lễ để vừa đảm bảo an toàn, vừa góp phần phòng, chống sự lây lan của dịch Covid-19.

Ảnh: Trần Tuấn Thi
Bên cạnh đó, dòng họ Trần Đức ở xã Yên Sơn (Đô Lương) còn thực hiện quy định về đeo khẩu trang, giữ khoảng cách trong buổi tế lễ để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Trần Tuấn Thi

Như vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp và thực sự khó lường, người dân Nghệ An đã và đang tích cực hưởng ứng công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, việc rút gọn quy mô, nghi lễ, hạn chế tập trung đông người và đeo khẩu trang trong dịp tế tổ vào ngày Rằm tháng Giêng thể hiện ý thức phòng dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh./.

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.