Nhiều phụ huynh lo lắng khi bỏ lớp 'không chuyên' trong trường chuyên

Mỹ Hà 09/03/2023 19:30

(Baonghean.vn) - Bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên là quy định mới nhất của Bộ GD&ĐT và dự kiến được thực hiện sau 1 năm nữa. Điều này cũng ảnh hưởng khá nhiều đến tâm lý học sinh và phụ huynh, nhất là tại TP Vinh - nơi việc tuyển sinh vào lớp 10 được ví khó hơn thi vào đại học.

Băn khoăn khi bỏ lớp "không chuyên"

Năm học 2024 - 2025 cũng là năm đầu tiên con gái của chị Lê Thị Yến (phường Lê Mao, TP Vinh) tuyển sinh vào THPT. Với học lực khá nhưng phong độ lại “lên xuống thất thường”, chị Yến đã từng nghĩ rằng “lớp chất lượng cao” sẽ là cứu cánh cho gia đình, nếu như cháu không đậu vào trường công lập.

Chính vì lẽ đó, khi nhận được thông tin này, chị Yến khá băn khoăn: Lớp chất lượng cao ở trường chuyên đang ngày càng được siết chặt về chất lượng và tiêu chí tuyển sinh đầu vào khá chặt chẽ. Vì thế tôi khá yên tâm nếu cho con học ở đây. Nhưng với sự thay đổi này, tôi nghĩ áp lực cho các cháu sẽ nặng nề hơn và không gì khác là phải nỗ lực hết mình để có thể thi đậu vào trường công lập.

Học sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: Mỹ Hà

Cuối tháng 2 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên. Điểm đáng chú ý trong Thông tư này là Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức yêu cầu không tổ chức lớp không chuyên trong trường THPT chuyên, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2023, chính thức bắt đầu từ năm học 2024 - 2025.

Ngoài bỏ lớp không chuyên, quy định mới cũng điều chỉnh việc tuyển bổ sung vào trường chuyên. Các trường có thể tuyển bổ sung học sinh cho cả 3 khối, thay vì chỉ lớp 10 và 11 như quy định cũ. Học sinh trường THPT không chuyên đạt mức tốt về kết quả học tập và rèn luyện trong năm học liền kề trước năm tổ chức tuyển sinh bổ sung có thể đăng ký bổ sung vào trường chuyên.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 - Trường THPT chuyên Đại học Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Trên địa bàn thành phố Vinh hiện có 2 trường chuyên, đó là Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và Trường THPT chuyên Đại học Vinh. Từ vài năm trở lại đây, ngoài tuyển sinh hệ chuyên, Trường THPT chuyên Đại học Vinh có tổ chức thêm lớp chất lượng cao. Hình thức tuyển sinh đầu vào cũng thay đổi theo mỗi năm, từ tuyển sinh theo điểm học bạ, tuyển sinh kết hợp với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hệ chuyên thì từ năm học 2022 - 2023, Trường THPT chuyên Đại học Vinh đã tổ chức một kỳ thi riêng cho các thí sinh muốn đăng ký vào các lớp chất lượng cao.

Ở các lớp này, học sinh ngoài phải nộp học phí cao hơn thì nhà trường có những cam kết đầu ra về chất lượng. Những năm qua, theo đánh giá của nhà trường, tỷ lệ học sinh đậu đại học đạt gần 100%, từ lớp 11, khoảng 60% học sinh học tại trường đã có chứng chỉ ngoại ngữ.

Thí sinh tham dự Kỳ thi chuyên vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu năm học 2022 - 2023. Ảnh: Mỹ Hà

Lý giải vì sao, phụ huynh vẫn mong muốn cho con học lớp chất lượng cao, dù học phí đắt hơn nhiều trường công lập thì nguyên nhân khá đơn giản. Thứ nhất, nhiều phụ huynh cho rằng, ở trường chuyên, ưu thế lớn nhất là môi trường và đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm. Thứ hai, học trường chuyên, học sinh ít khi phải đi học thêm vì các em đã học ở trường cả ngày. Thứ ba, quan trọng nhất đó là trong những năm gần đây, nhiều trường đại học ưu tiên tuyển thẳng với học sinh trường chuyên. Vì vậy, dù cho con học hệ chất lượng cao nhưng đây sẽ là bước đệm thuận lợi đầu tiên để con có thể đăng ký xét tuyển vào đại học.

Chị Trần Thị Minh, có con từng học ở lớp chất lượng cao cho biết: Con tôi học ở khóa đầu tiên và chất lượng của lớp khá đồng đều, nhờ đầu vào tuyển sinh khá tốt. Sau khi tốt nghiệp THPT, với kết quả học tập loại giỏi, cháu dễ dàng đăng ký và trúng tuyển vào 3 trường đại học.

“Siết chặt” chất lượng đầu vào

Về những quy định mới theo Thông tư số 05/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện đang có nhiều ý kiến riêng. Tại thành phố Vinh, nơi mà việc tuyển sinh vào lớp 10 luôn “nóng” thì sự thay đổi này, sẽ khiến cho nhiều học sinh khó khăn hơn trong việc tuyển sinh đầu cấp.

Trước đó, thành phố Vinh được xem là địa bàn đặc thù bởi số lượng học sinh đông nhất tỉnh nhưng số trường công lập trên địa bàn thành phố lại ít hơn từ 2 - 3 trường so với các địa phương khác. Hàng năm, tỷ lệ học sinh thành phố Vinh đậu vào công lập chỉ đạt khoảng 70%.

Áp lực thi đầu cấp luôn đè nặng lên học sinh lớp 9 trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Với những khó khăn trên nên trước thay đổi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều giáo viên cho rằng, thay vì bỏ khối không chuyên thì nên siết chặt chất lượng đầu vào.

Về vấn đề này, cô giáo Hồ Thị Thanh An - Hiệu trưởng Trường THCS Cửa Nam (TP Vinh) cho biết: Tôi cho rằng, mô hình lớp chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thực tế ở thành phố Vinh và có một số phụ huynh, dù con đậu vào trường công lập nhưng vẫn đăng ký cho con vào học hệ chất lượng cao với nhiều lý do khác nhau. Do đó, nếu duy trì hệ chất lượng cao, các trường chuyên cần phải quan tâm đến chất lượng đầu vào, làm chặt chẽ quy trình đào tạo và kiểm soát tốt chất lượng giáo dục.

Tỷ lệ cạnh tranh vào các trường công lập ở thành phố Vinh cao nhất tỉnh. Ảnh: Mỹ Hà

Cùng chung ý kiến này, thầy giáo Nguyễn Minh Khoa - Hiệu trưởng Trường THCS Trung Đô (TP Vinh) nói rằng: Tôi vẫn mong dù với hình thức nào thì quyền lợi của học sinh vẫn đặt lên hàng đầu. Với mô hình trường chất lượng cao vẫn có nhiều ưu điểm như về đội ngũ, về đầu ra của học sinh. Điều quan trọng là chất lượng cao thì phải đúng là có chất lượng, chứ không tuyển sinh tràn lan, chạy theo số lượng.

Ở một khía cạnh khác, cô giáo Bùi Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Hòa (TP Vinh) cho rằng: Bộ có những lý do riêng để không thực hiện lớp không chuyên tại các trường chuyên. Điều này, có thể sẽ gây thêm khó khăn cho học sinh ở các nhà trường trước mùa tuyển sinh đầu cấp. Tuy nhiên, nếu ở THCS, các em được phân hóa tốt thì các em sẽ biết được năng lực của mình và từ đó sẽ lựa chọn những ngôi trường phù hợp để thi vào.

Theo tôi, dù là trường công lập, ngoài công lập hay trường dạy nghề thì mỗi trường sẽ có những đối tượng học sinh riêng và chúng ta cần phải hài hòa ở tất cả các loại hình đào tạo. Không nên mở những lớp chất lượng cao ở trường chuyên mà năng lực của các em lại không đảm bảo.

Cô giáo Nguyễn Thị Phúc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghi Hòa (thị xã Cửa Lò) cũng nói thêm: Quan điểm của cá nhân tôi thì cho rằng đã là trường chuyên thì chất lượng trường chuyên đã rất tốt. Vì vậy, nếu bỏ lớp không chuyên các nhà trường sẽ dành tập trung về nhân lực và các điều kiện khác đề bồi dưỡng cho các học sinh hệ chuyên.


Hiện, theo kế hoạch, từ năm học 2024 - 2025 phương án mới mới chính thức được thực hiện. Trước mắt, về phương án tuyển sinh của năm học tới, dự kiến việc tuyển sinh vào trường chuyên ở Nghệ An sẽ không có nhiều thay đổi và phụ huynh, học sinh sẽ có một năm để chuẩn bị nếu như lớp không chuyên sẽ không còn được mở ở trường chuyên./.

Mới nhất

x
Nhiều phụ huynh lo lắng khi bỏ lớp 'không chuyên' trong trường chuyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO