Nhiều quyền lợi mới cho lao động nữ
(Baonghean.vn) - Từ ngày 15/11/2015, Nghị định số 85/2015/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 1/10 chính thức có hiệu lực, thay thế cho Nghị định số 23/CP ban hành ngày 18/4/1996. Đây là văn bản quy định những chính sách đối với lao động nữ, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác bình đẳng giới, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của lao động nữ.
Bảo vệ quyền lợi lao động nữ
Nghị định số 85/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều, đặc biệt là Chương X (Những quy định riêng đối với lao động nữ) của Bộ luật Lao động.
Trong đó, đáng chú ý, Điều 6 đến Điều 11 của Nghị định đi sâu hướng dẫn việc thực hiện nội dung của Bộ luật Lao động 2012 theo đúng tinh thần, cụ thể hóa các quyền và lợi ích chính đáng mà lao động nữ cần nắm vững để đảm bảo lợi ích cho bản thân cũng như góp phần thực hiện tốt công tác bình đẳng giới.
Theo đó, từ 15/11/2015, chủ sử dụng lao động có nghĩa vụ cải thiện điều kiện lao động cho các lao động nữ, đảm bảo có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ Y tế.
Lao động nữ làm việc tại Công ty Haivina Kim Liên. |
Ngoài ra, định kỳ hàng năm, trong các đợt khám sức khỏe, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục do Bộ Y tế ban hành. Trong thời gian hành kinh, các chị em lao động nữ có quyền nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu 3 ngày/tháng, thời gian nghỉ được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi, thời gian nghỉ được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Tùy vào điều kiện thực tế, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động, có thể lắp đặt phòng vắt, trữ sữa tại nơi làm việc, hỗ trợ lao động nữ có con nhỏ bằng việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo.
Thực tế ở các doanh nghiệp
Qua tìm hiểu tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là những doanh nghiệp có số lượng nữ chiếm đa số, nhìn chung các doanh nghiệp đều nắm vững Nghị định 85/2015/NĐ-CP và bước đầu triển khai thực hiện.
Từ khi Nghị định mới được ban hành (ngày 1/10), song song với việc tập huấn triển khai Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thực hiện về chính sách lao động nữ, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các phòng chuyên môn triển khai kế hoạch phổ biến, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh. Từ đó, doanh nghiệp sẽ truyền đạt lại cho người lao động, đảm bảo các lao động nữ biết, hiểu và ý thức về quyền lợi của bản thân theo các quy định mới của Chính phủ.
Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty Haivina Kim Liên, cho biết: “Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ra đời đã giúp chúng tôi có cơ sở cụ thể hơn để thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi của các chị em công nhân viên trong công ty”.
Sau khi nắm bắt tinh thần Nghị định, Công đoàn Công ty Haivina Kim Liên đã triển khai phổ biến kiến thức cho lao động nữ. Tuy vậy, với số lượng 2.500 công nhân nữ thì việc truyền đạt đến tận từng cá nhân rất khó khăn và mất nhiều thời gian.
Thực tế, khi phỏng vấn ngẫu nhiên 2 công nhân thuộc khâu đóng gói của nhà máy, 1 người khẳng định đã nắm vững các thông tin xoay quanh Nghị định mới, người còn lại cho biết chưa được phổ biến rõ các quy định.
Theo tìm hiểu, Công ty Haivina Kim Liên là một trong những đơn vị thực hiện tốt các quy định như: xây dựng và đưa vào sử dụng phòng vắt, trữ sữa mẹ hiện đại, khang trang; hệ thống buồng tắm, nhà vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, cho phép lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng nghỉ mỗi ngày 60 phút hưởng nguyên lương để vắt sữa, cho con bú, lao động nữ trong thời gian hành kinh nghỉ mỗi ngày 30 phút hưởng nguyên lương,… Nếu chiếu theo Nghị định số 85/2015/NĐ-CP, hiện Haivina Kim Liên hiện còn thiếu nhà trẻ, nhà mẫu giáo cho con em người lao động.
Tuy nhiên, điều đáng nói là lao động nữ chưa sử dụng quyền và lợi ích chính đáng dành cho mình, hầu như không lao động nào của Haivina Kim Liên sử dụng phòng vắt, trữ sữa mẹ, gây lãng phí nguồn lực đầu tư hơn 100 triệu đồng của doanh nghiệp, rất ít người tận dụng thời gian nghỉ ngơi được phép,…
Phòng vắt, trữ sữa mẹ của Công ty Haivina Lim Liên được trang bị đầy đủ nhưng hiếm khi được sử dụng. |
Chị Bùi Thị Nguyệt (SN 1991), làm việc tại công ty Haivina Kim Liên 3 năm, hiện đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, cho biết: “Công ty đã tổ chức các buổi phổ biến kiến thức cho chị em về những chính sách, quy định mới ban hành, giúp chúng tôi nắm rõ quyền lợi được hưởng. Tuy nhiên, vì đa số các chị em đều ở gần công ty, lại ít phải làm ca nên không có nhu cầu sử dụng buồng tắm nhiều. Bên cạnh đó, khi làm việc trong một dây chuyền, nếu nghỉ 30 phút hay 60 phút đều làm ảnh hưởng đến công việc chung của mọi người, nên nhiều chị em thường chọn phương án không nghỉ nếu cảm thấy không quá cần thiết”.
Trong khi đó, tại Công ty Namsung Vina, do phần lớn lao động nữ không sử dụng thời gian nghỉ vì sợ ảnh hưởng đến tiến độ công việc của cá nhân và tập thể, nên đối với những trường hợp không có nguyện vọng nghỉ, thời gian đó sẽ được tính vào thời gian tăng ca. Cách làm này mặc dù không đúng với tinh thần của Nghị định số 85/2015/NĐ-CP song lại được đa số người lao động lựa chọn.
Xét ở một góc độ nào đó, đây là một cách “lách luật” nhưng xét theo thực tế tại chính công ty thì có thể chấp nhận được. Bởi với cách làm này, công ty vừa đảm bảo tiến độ, lại vừa phần nào bớt đi sự thiệt thòi đối với lao động không có nhu cầu nghỉ theo chế độ.
Để chính sách đi vào cuộc sống
Bà Đặng Thị Phương Thủy - Phó Trưởng phòng Việc làm - Lao động - Tiền lương - BHXH, Sở LĐTB&XH cho biết: “Song song với việc tuyên truyền, tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp, Sở LĐ-TB&XH sẽ tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ, đặc biệt là các chính sách, chế độ riêng đối với phụ nữ khi tham gia quan hệ lao động. Qua đó, có những kiến nghị đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sử dụng lao động nữ thực hiện tốt các quy định về chính sách, chế độ đối với người lao động. Tuy nhiên, thực tế triển khai đạt hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào ý thức tự giác của mỗi doanh nghiệp, cũng như ý thức tự bảo vệ của người lao động”.
Để đảm bảo chính sách đối với lao động nữ được thực thi đầy đủ và hiệu quả, bên cạnh ý thức tự giác của mỗi doanh nghiệp thì người lao động cũng cần phải hiểu được ý nghĩa nhân văn của Nghị định này.
Đồng thời các cơ quan chức năng cần thường xuyên thanh, kiểm tra, xử lý những doanh nghiệp không nghiêm túc hoặc trốn tránh việc thực hiện nghị định này, nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng môi trường làm việc cho lao động nữ, bắt kịp xu hướng của nhiều nước tiến bộ, đảm bảo công tác bình đẳng giới.
Cảnh Nam - Thu Giang
TIN LIÊN QUAN |
---|