Nhiều trụ sở 'để không' rất lãng phí ở thành phố Vinh
(Baonghean.vn) - Trên địa bàn thành phố Vinh hiện có nhiều trụ sở cơ quan nhà nước, doanh nghiệp... sau khi chuyển đi vẫn chưa có phương án sử dụng mới, để lãng phí.
Ông Hoàng Minh Quân - Trưởng phòng Quản lý giá và công sản, Sở Tài chính cho biết: Các cơ quan, đơn vị sắp bị sáp nhập mới chỉ quan tâm sắp xếp con người, còn tài sản, trụ sở thì chưa có phương án rõ ràng. Kinh nghiệm từ các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các cơ quan, đơn vị sử dụng tài sản công sau khi sáp nhập, giải thể được UBND tỉnh, thành thu hồi về giao cho các trung tâm phát triển quỹ đất dùng nguồn kinh phí để bồi thường, giải phóng mặt bằng sạch, sau đó mới đem ra đấu giá nên nguồn lợi thu về ngân sách tỉnh khá cao. Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn thành phố Vinh có một số trụ sở của một số cơ quan đều đã chuyển đến vị trí mới, song trụ sở cũ vẫn còn nằm nguyên trên các vị trí đất vàng. Ảnh: Bến xe Vinh hiện đã chuyển ra địa điểm mới nhưng địa điểm cũ vẫn chưa có phương án cụ thể. Ảnh: P.V |
Viện Kiểm sát tỉnh cũng để lại trụ sở cũ đường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Vinh. Ảnh: P.V |
Bên cạnh đó, ở thành phố Vinh còn có tình trạng một số trụ sở của các cơ quan nhà nước đang cho thuê một số khu vực trái quy định. Một trong số đó là trụ sở của Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh ở vị trí giao nhau giữa đường Nguyễn Văn Cừ và Hồ Tùng Mậu. |
Tại đây đang có rất nhiều đơn vị thuê làm địa điểm kinh doanh ở vị trí mặt tiền và cả bên trong trụ sở. Ảnh: P.V |
Theo Điều 7, nghị định số 167/2017 về quy định việc sắp xếp, xử lý tài sản công thì hình thức xử lý nhà, đất khi thực hiện sắp xếp lại theo các phương án sau: Giữ lại tiếp tục sử dụng; Thu hồi; Điều chuyển; Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Chuyển mục đích sử dụng đất; Chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý; Tạm giữ lại tiếp tục sử dụng và cuối cùng là sử dụng nhà, đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao...
*Điều 4, Khoản 2 - Nghị định 167/2017 của Chính phủ về Quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công:
2. Trách nhiệm lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được quy định như sau:
a) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương (sau đây gọi là bộ, cơ quan Trung ương) lập phương án sắp xếp lại, xử lý đối với nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, doanh nghiệp thuộc tỉnh lập phương án sắp xếp lại, xử lý đối với nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của địa phương;
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nhà, đất trên địa bàn địa phương khác lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý,
3. Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được lập thành phương án tổng thể đối với tất cả các cơ sở nhà, đất trên địa bàn từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo từng loại hình: Cơ quan, tổ chức, đơn vị; doanh nghiệp.
Trường hợp cần thiết phải sắp xếp lại, xử lý trước khi có phương án tổng thể thì cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này lập phương án báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Nghị định này xem xét, quyết định.