Nhiều trường đại học ở Nghệ An “ngóng” sinh viên
(Baonghean.vn) - Từ ngày 7/8, các trường đại học đã bắt đầu làm thủ tục nhập học cho sinh viên trúng tuyển. Ghi nhận trong những ngày đầu tiên, rất nhiều ngành đang “ngóng” sinh viên.
Ngành sư phạm khó tuyển sinh
Tại Trường Đại học Vinh, theo kết quả điểm chuẩn vừa công bố thì trong số 51 ngành đào tạo của nhà trường, ngành sư phạm là ngành có điểm chuẩn cao nhất với mức sàn chung là 17 điểm. Điểm trúng tuyển cao nhất là ngành Sư phạm Tin học, Sư phạm Vật lý, Giáo dục chính trị với điểm chuẩn là 20 điểm và ngành Sư phạm Toán lấy 19 điểm, các ngành sư phạm còn lại lấy bằng mức điểm sàn là 17 điểm.
Sinh viên đến làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Sư phạm Vinh. Ảnh: Trần Nam |
Theo kế hoạch, năm nay khối sư phạm có 650 chỉ tiêu. Mặc dù chỉ tiêu so với các năm trước đã giảm nhưng để tuyển đủ khá khó khăn, kể cả những ngành điểm chuẩn đang cao. Chẳng hạn như ngành Sư phạm Vật lý và Sư phạm Tin học, dù nhà trường lấy điểm chuẩn rất cao với mục đích chính là để nâng cao chất lượng đầu vào. Còn để tuyển đủ chỉ tiêu 20 sinh viên/ngành thì còn khó vì hiện tại số lượng hồ sơ đăng ký vào ngành chỉ đạt khoảng một nửa. Thậm chí, ngành Sư phạm Tin học không tuyển được thí sinh nào.
Các ngành sư phạm khác như Lịch sử, Địa Lý... số lượng thí sinh đăng ký cũng rất ít.
GS. Tiến sỹ Thái Văn Thành – Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết: Trong trường hợp các ngành sư phạm không đủ chỉ tiêu, chúng tôi vẫn duy trì ngành, dù rằng mỗi khoa chỉ có 10 sinh viên. Hiện nhà trường cũng không có kế hoạch giảm điểm chuẩn để giữ chuẩn đầu vào.
Trước đó, theo chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay Trường Đại học Vinh có 5.250 chỉ tiêu. Hiện, qua tổng hợp nhà trường có khoảng 4.000 hồ sơ đăng ký (trong đó có 2.400 hồ sơ đăng ký nguyện vọng 1). Dù năm nay nhà trường thực hiện đồng thời hai phương thức xét tuyển là xét tuyển theo điểm thi của Kỳ thi THPT quốc gia và xét học bạ nhưng nhà trường cũng chỉ kỳ vọng tuyển được khoảng 70% chỉ tiêu.
Ngày hội thể thao của sinh viên Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An. Ảnh: Tiến Hùng |
Ở Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An, năm ngoái nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tuyển sinh hơn 1000 chỉ tiêu. Tuy nhiên, năm nay chỉ tiêu giảm xuống chỉ còn 200 và trong đó có đến 160 chỉ tiêu dành cho ngành giáo dục mầm non. PGS. Tiến sỹ Lưu Tiến Hưng – Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết: Hiện các chỉ tiêu cho ngành giáo dục mầm non không quá khó vì đây là ngành đã có uy tín của nhà trường. Các ngành còn lại, nhà trường chỉ kỳ vọng vào ngành đào tạo giáo viên Tiếng Anh và giáo viên tiểu học. Riêng các ngành như Sư phạm Toán, Sư phạm Vật lý...thì không chỉ năm nay mà các năm trước cũng khó tuyển được sinh viên.
Tại trường Đại học Y khoa Vinh, năm nay điểm chuẩn cũng thấp hơn từ 3 - 4 điểm so với các năm trước, kể cả ngành bác sỹ đa khoa. PGS. Tiến sỹ Nguyễn Cảnh Phú – Hiệu trưởng nhà trường cũng nói rằng: Hiện ngành Y đa khoa không phải lo lắng về chỉ tiêu. Nhưng các ngành như cử nhân Y tế công cộng và ngành Cao đẳng hộ sinh thì khá chật vật và phải đợi đến cuối đợt nhận hồ sơ mới biết chính xác về số lượng hồ sơ nhập học.
Nhiều chính sách thu hút sinh viên
Ở các trường còn lại như Đại học Kinh tế Nghệ An, Đại học Công nghiệp Vinh và Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh việc tuyển đủ chỉ tiêu chỉ trông chờ vào số lượng hồ sơ đăng ký bằng học bạ và hầu hết các trường đang phải kéo dài thời gian tuyển sinh đến hết năm. Bên cạnh đó, vẫn có một số ngành khó tuyển sinh.
Tại trường Đại học Kinh tế Nghệ An, ông Nguyễn Mạnh Hưng – Phó phòng Đào tạo, Trưởng ban tuyển sinh nhà trường cho biết: Mỗi năm dù nhà trường có khoảng 1.000 chỉ tiêu nhưng chúng tôi cũng chỉ tuyển sinh được khoảng 60% chỉ tiêu. Riêng hai ngành lâm nghiệp – trồng trọt nhiều năm không tuyển sinh được vì không có thí sinh đăng ký. Một số ngành kinh tế như kế toán, quản trị kinh doanh cũng không “hot” như các năm trước và mỗi năm thường chỉ tuyển được 1 lớp.
Về vấn đề tuyển sinh với các trường ngoài công lập, Tiến sỹ Trần Mạnh Hà – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Vinh cũng thừa nhận: Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo giao quyền tự chủ cho các trường đại học sẽ khuyến khích sự phát triển của các đơn vị. Nhưng riêng trong công tác tuyển sinh lại khó cho các trường thuộc "tốp dưới" hoặc trường ngoài công lập bởi lẽ hiện tại trường nào cũng cố gắng để tuyển đủ chỉ tiêu cho mình. Và khi nguồn thí sinh đang ngày càng “hẹp” thì những thí sinh có chất lượng thường ưu tiên lựa chọn những trường đại học tốp đầu.
Tư vấn thí sinh làm hồ sơ nhập học tại Trường Đại học công nghiệp Vinh. Ảnh: Mỹ Hà |
Do việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, năm nay các trường đại học đều có chính sách ưu tiên như ở Đại học Công nghiệp Vinh nhà trường sẽ giảm 25 – 100% học phí đối với những thí sinh có điểm học bạ hoặc điểm thi THPT quốc gia từ 19 – 23 điểm trở lên. Trường Đại học Kinh tế, ngoài kéo dài thời gian xét tuyển trong suốt năm học còn có chế độ ưu đãi giảm từ 50% - 100% học phí cho những thí sinh từ 18 điểm trở lên (đã cộng điểm ưu tiên)...
Trường Đại học Vinh dành 30% chỉ tiêu cho xét tuyển học bạ, tuyển thẳng sinh viên các trường chuyên và miễn học phí 100% một số ngành cho thí sinh các huyện vùng núi cao như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Thanh Chương...