Xã hội

Những người lính Nghệ trong đoàn quân tiếp quản Thủ đô

Nguyên Thanh 10/10/2024 08:55

Từ Chi đội Giải phóng quân Đội Cung được thành lập ngay sau Cách mạng Tháng Tám tại thành phố Vinh rồi mang phiên hiệu Trung đoàn 57, trải qua nhiều chiến dịch trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, những chiến binh của quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh đã từ chiến trường Điện Biên Phủ trở về hội quân cùng Đại đoàn 308 tiếp quản Thủ đô cách đây 70 năm.

Từ quê hương xứ Nghệ

Ngày 21/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An thắng lợi, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời ra mắt quần chúng. Ngày 24/8, bộ máy chính quyền Cách mạng hoàn chỉnh được thiết lập. Ngày 28/8/1945, dựa vào Chương trình hành động của Việt Minh, Ủy ban nhân dân cách mạng thời Nghệ An công bố 10 chính sách mới, trong đó có “Tổ chức chi đội giải phóng quân, củng cố tổ chức dân quân tự vệ và công an”. Theo đó, các đội tự vệ vốn là lực lượng xung kích trong Tổng khởi nghĩa nay trở thành lực lượng vũ trang của chính quyền mới.

gcq.jpeg
Hội nghị Tỉnh ủy đã quyết định ngày 25/8/1945 tập trung lực lượng trong toàn tỉnh giành chính quyền về tay Nhân dân. Ảnh tư liệu

Đến cuối năm 1945, hầu hết các thôn xóm đều có đội dân quân; các đường phố, nhà máy có đội tự vệ. Có thể xem như đây là một kế tục của các đội tự vệ đỏ (còn gọi là Xích vệ đỏ) được hình thành trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Bên cạnh lực lượng dân quân tự vệ, Chi đội giải phóng quân mang tên Đội Cung được thành lập tại thành phố Vinh do đồng chí Nguyễn Văn Uyển làm Chi đội trưởng, đồng chí Nguyễn Phan làm Chính trị viên, ông Nguyễn Văn Trân vốn là lính bảo an của chính quyền cũ làm Chi đội phó.

Sau Cách mạng Tháng Tám, tình hình chính trị, an ninh ở Nghệ An khá phức tạp. 1 vạn lính Nhật còn nguyên vũ khí, các đám tàn quân Pháp vẫn ráo riết hoạt động ở biên giới các huyện miền Tây. Tiếp đó, ngày 24/9/1945, 1 vạn quân Tưởng bắt đầu vào thế chân quân Nhật, gây ra rất nhiều phức tạp nhằm chống phá chính quyền cách mạng. Chi đội Đội Cung đã sát cánh cùng chính quyền cách mạng xử lý khôn khéo và mưu trí, không sa vào bẫy khiêu khích của chúng, giữ vững chủ quyền quốc gia và khối đoàn kết dân tộc.

Để bảo vệ an ninh biên giới phía Tây, Chi đội Đội Cung và lực lượng vũ trang Nghệ An chủ động tấn công vào các đám tàn quân Pháp, ngăn ngặn chúng xâm nhập vào lãnh thổ. Một đơn vị của chi đội Đội Cung và tự vệ của các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương tập kích quân Pháp ở đồn Noọng Hét (tỉnh Xiêng Khoảng – Lào).

Đến Điện Biên Phủ

Để kiện toàn tổ chức lực lượng vũ trang, ngày 1/6/1946, Chi đội Đội Cung đổi tên thành Trung đoàn 57. Đội hình trung đoàn lúc này có 3 tiểu đoàn bộ binh 346, 265 và 418.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, đúng 23h ngày 19/12/1946, Trung đoàn 57 đã cùng các lực lượng vũ trang Nghệ An đồng loạt nổ súng và đến 0h30 ngày 20/12/1946 đã buộc quân Pháp ở thành phố Vinh đầu hàng không điều kiện. Tiếp đó, dưới sự chỉ huy của Chiến khu Tư, Trung đoàn 57 đã tung lực lượng lên miền Tây hoạt động, chiến đấu và xây dựng lực lượng ở vùng Mường Xén, Quỳ Châu. Một bộ phận khác kết hợp với tiểu đoàn 400 (trung đoàn 103 - Hà Tĩnh) chiến đấu tại Quảng Bình, liên tiếp tiến công tiêu diệt địch ở Sen Bàng, Thụ Lộc, Hoàn Lão, mở rộng khu du kích ở Bố Trạch, sau rút về phía Bắc, cùng các đơn vị bạn xây dựng tuyến phòng ngự sông Gianh, đèo Ngang.

Tháng 11/1949, cả Trung đoàn tiến vào Quảng Bình cùng với các trung đoàn 18, 95, 101, tiểu đoàn công pháo 888 và lực lượng vũ trang địa phương Bình Trị Thiên tham dự chiến dịch Lê Lai tại các huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch (từ ngày 22/12/1949 đến ngày 27/1/1950). Trong chiến dịch này, trung đoàn 57 đã đánh thắng nhiều trận ở Đại Nam, Phú Kênh, Đơn Sa, Ba Đồn, đặc biệt nhất là trận phục kích trên sông Gianh tiêu diệt 200 lính Âu-Phi tại Phù Trịch - La Hà (Quảng Trạch).

tl.jpg
Lễ kết nghĩa bộ đội Việt Nam (trong đó có Trung đoàn 57 của Đại Đoàn 304) và bộ đội Pa-thét Lào trong Chiến dịch Thượng Lào năm 1953. Ảnh tư liệu: QĐND

Ngày 10/3/1950, thực hiện Nghị định số 62-NĐA của Bộ Tổng tư lệnh ngày 9/2/1950, Đại đoàn chủ lực 304 được thành lập. Trung đoàn 57, sau chiến thắng sông Gianh nổi tiếng, đã từ chiến trường Bình Trị Thiên về hội quân tại Thanh Hóa trong đội hình sư đoàn cùng các trung đoàn 9 và 66. Lúc này, Trung đoàn 57 đã được bổ sung lực lượng từ Trung đoàn 103 (Hà Tĩnh) mà tiền thân là Chi đội Phan Đình Phùng.

Trong đội hình Sư đoàn 304, Trung đoàn 57 đã tham dự chiến dịch Trần Hưng Đạo (Đông Xuân 1950-1951) ở địa bàn Ninh Bình, Đông bắc Thanh Hóa; tham dự chiến dịch Quang Trung (từ ngày 28/5 đến ngày 20/6/1951), góp phần phá toang phòng tuyến sông Đáy và làm rung chuyển trung tâm chính trị Phát Diệm của địch.

Trong chiến dịch Hòa Bình (từ ngày 10-12-1951 đến 25-2-1952), Trung đoàn 57 được giao nhiệm vụ đánh địch trên đường 21 từ Chợ Bến đến Xuân Mai, đã đánh thắng nhiều trận, nổi bật nhất là tiêu diệt cao điểm Đồi Mồi án ngữ đường 21, tổ chức các trận phục kích địch trên đường 21 và đường 6, tham gia giải phóng thị xã Hòa Bình.

Sau chiến dịch Hòa Bình, Trung đoàn 57 được giao nhiệm vụ hoạt động ở vùng sau lưng địch thuộc địa bàn tỉnh Nam Định, phối hợp hoạt động với chiến trường Tả ngạn, củng cố các khu căn cứ và đẩy mạnh chiến tranh du kích, phát động nhân dân chống càn, huy động lực lượng bổ sung cho quân chủ lực. Trong khoảng 3 tháng, Trung đoàn đã đánh 12 trận, đánh thắng nhiều trận như phục kích tàu địch trên sông Đáy, tiêu diệt đồn Lạc Quần, phục kích địch ở làng Trà Thượng, giải phóng nhà giam Lục Thủy, giải cứu 200 cán bộ sắp bị địch thủ tiêu… Tổng cộng tiêu diệt và bắt sống 700 tên địch.

Trong chiến dịch Tây Bắc 1952, Trung đoàn 57 và các đơn vị trong đại đoàn 304 cùng đại đoàn 320 hoạt động ở mặt trận nam đồng bằng Bắc bộ, trên địa bàn các tỉnh Nam Định, Ninh Bình. Trung đoàn 57 được giao cùng trung đoàn 66 đánh địch trên đường 10, tuyến Ninh Bình - Phát Diệm. Trung đoàn đã tiêu diệt cứ điểm Tuy Lộc Thượng, đánh chặn địch tiếp viện cho Phát Diệm trên sông Đáy, tiêu diệt đồn Vân Lai và nhiều đồn bốt khác trên đường 10.

Trong chiến dịch Thượng Lào, từ 13/4-18/5/1953, Trung đoàn 57 vượt đèo Puxailaileng, tiến theo hướng Mường Ngân, Mường Ngan tiến vào giải phóng thị xã Xiêng Khoảng, đóng góp xứng đáng vào chiến dịch với mục tiêu kéo dãn địch ra mà đánh của Bộ Tổng tư lệnh.

bdt1.jpg
Bộ đội ta tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ (năm 1954). Ảnh tư liệu: TTXVN

Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, Trung đoàn được giao nhiệm vụ giấu quân ở vùng Sơn Nhiễu, Kiều Thôn (Phú Thọ) để cùng các đơn vị bạn sẵn sàng tiêu diệt địch, bảo vệ an toàn cho căn cứ địa Việt Bắc. Sau đó, Trung đoàn chuyển về Thanh Hóa và đến ngày 20/11/1953 thì bắt đầu bí mật hành quân lên Mộc Châu rồi đến 5/1/1954 thì được lệnh hành quân lên Điện Biên Phủ, tiến vào khu vực phía đông Hồng Cúm. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ngay từ những ngày đầu tiểu đoàn 418 đã được lệnh tham gia kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra theo chỉ đạo của Bộ Tổng tư lệnh. Trong đợt 1 (từ ngày 13/3 đến ngày 17/3), Trung đoàn 57 hoàn thành nhiệm vụ kiềm chế pháo binh địch ở Hồng Cúm. Đợt 2 (từ ngày 30/3-30/4) phối thuộc với các đơn vị bạn hoàn thành nhiệm vụ kiềm chế pháo binh địch và đánh lấn vào khu C Hồng Cúm, chặn quân tiếp viện từ Hồng Cúm lên Mường Thanh và đánh quân nhảy dù ở xung quanh và phía nam Hồng Cúm. Đợt 3 của chiến dịch (1/5-7/5), tiểu đoàn trung đoàn thực hiện chốt chặn trên đường đi Tây Trang, không cho địch rút sang Lào.

Ngay sau khi chiến dịch kết thúc thắng lợi, trung đoàn 57 tiến quân về hướng Sơn Tây, Hà Đông, đánh tan địch ở Gia Hòa, Đại Đồng, Phố Gạch, uy hiếp các đồn bốt ở ven đường 11, 21A, và 21B, giải phóng phần lớn hai tỉnh này.

Tiến về tiếp quản thủ đô

Ngày 20/7, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Ngày 19/8, Trung đoàn 57 tiến vào giải phóng thị xã Sơn Tây và tiến hành làm mọi công tác chuẩn bị để tăng cường cho Sư đoàn 308 tiếp quản Hà Nội.

Đồng bào Hà Nội đón bộ đội vào tiếp quản Thủ đô ngày 10-10-1954. Ảnh tư liệu.
Đồng bào Hà Nội đón bộ đội vào tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954. Ảnh tư liệu.

Trước đó, đơn vị đã cử một số cán bộ cùng Ủy ban Đình chiến Trung ương thống nhất quy chế tiếp nhận sự bàn giao cụ thể từng cứ điểm, từng đồn, bốt, từng khu kinh tế, khu công nghiệp, bến cảng, sân bay... do quân Pháp chiếm đóng.

Sáng ngày 9/10/1954, Tiểu đoàn 346, theo hai đường từ Hà Đông vào tiếp quản sân bay Bạch Mai, đồn Vĩnh Tuy.

Sáng ngày 10/10/1954, Tiểu đoàn 346 cử một trung đội sang tiếp quản bệnh viện Bạch Mai. Đồng thời tiểu đoàn 418 tiến vào tiếp quản khu vực Bưởi bao gồm Trường Bưởi, Quần Ngựa, Nhà máy da Thụy Khuê.

Sáng 10/10/1954, Tiểu đoàn 265 tiếp nhận sự bàn giao của quân Pháp ở đồn Cầu Giấy. Tiếp đó tiến vào Kim Mã, Ngọc Khánh, bố trí các đại đội đóng ở gò Đống Đa, Nhà Đấu Xảo và ga Hà Nội.

Như vậy là, trước khi đại quân tiến vào Thủ đô, ngày mồng 9 và cả sáng sớm ngày 10/10/1954, Trung đoàn 57 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp quản những vị trí then chốt ở vòng cung phía bắc, phía tây và tây nam Hà Nội bảo đảm cho cho Đại quân tiến vào Thủ đô an toàn, trang nghiêm.

Phát huy truyền thống Tự vệ đỏ Xô Viết Nghệ Tĩnh, những người lính Trung đoàn 57 can trường đã trải qua chín năm kháng chiến chống Pháp, chiến đấu và chiến thắng, hy sinh và trưởng thành từ trong máu lửa. Dấu chân của Trung đoàn trải khắp các chiến trường, từ Nghệ Tĩnh đến Bình Trị Thiên, từ Xiêng Khoảng đến Ninh Bình, Nam Định, từ Hòa Bình đến Sơn La, Điện Biên, và cuối cùng từ Sơn Tây, Hà Đông tiến về tiếp quản Thủ đô. Trong đội hình Sư đoàn 304, Quân đoàn II, những người lính Trung đoàn 57 lại tiếp tục đi trọn cuộc kháng chiến chống Mỹ, có mặt trong đoàn quân tiên phong tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975./.

Sáng 10-10-1954, các cánh quân của Quân đội nhân dân Việt Nam từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội. Ảnh tư liệu TTXVN
Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Quân đội nhân dân Việt Nam từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội. Ảnh tư liệu: TTXVN
Mới nhất
x
Những người lính Nghệ trong đoàn quân tiếp quản Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO