Những sắc hoa đón hè cùng phố

Thuỳ Vinh 31/05/2018 09:14

(Baonghean.vn) - Những ngày tháng Năm, dường như để làm dịu lòng người trong nắng gắt và gió Lào của phố Vinh, nhiều loài hoa bên đường cùng dậy lên sắc biếc. Phải chăng, không chỉ là sự dâng hiến, mà cây cũng muốn tha thiết nói lời yêu đời, yêu người.

Cùng điểm qua những loài hoa đang dâng sắc, dâng hương ở phố Vinh vào mỗi mùa hè.

Hoa phượng vỹ

Ở Vinh, hầu như con phố nào cũng trồng một đôi cây phượng vỹ. Từ Quang Trung, vòng lên đến Nguyễn Du, rồi rẽ vào những con phố như Hoàng Thị Loan, dọc dải đường sinh thái ven đê sông Lam. Đặc biệt những con đường như Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ…những cây phượng “trẻ” mọc đua với những cây phượng đã già, hoa trĩu trịt. Đường Lê Hồng Phong có mấy ngôi trường “đứng chân” như THPT Huỳnh Thúc Kháng, Chuyên Phan Bội Châu, Trường Chính trị tỉnh, sân trường nào cũng ngập ngời sắc phượng.

Cái loài hoa không chỉ báo hè, mà còn được xem là hoa của lứa tuổi học trò, hoa của kỷ niệm, hoa của tình đầu. Cô cậu học sinh cấp 3 nào không từng e ấp một nhành phượng trong trang lưu bút, không từng ngước lên vòm xanh một ngày rực rỡ mà thầm gọi tên lớp, tên trường, tên một nỗi nhớ mới nhen?

“Những chiếc giỏ xe, chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu…”. Bài hát ấy vẫn còn rưng rưng tâm hồn bao thế hệ. Cũng như vẫn thích được chép tay “Chiếc lá đầu tiên” (Thơ Hoàng Nhuận Cầm) dù có thể thuộc làu :

Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay

Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước

Con ve tiên tri vô tâm báo trước

Có một người cũng bắt đầu yêu

Hoa bằng lăng

Nếu như phượng vỹ mang đến nỗi nhớ chói chang thì bằng lăng lại điềm tĩnh, dịu dàng. Sắc tím hé lên, cùng thời điểm với phượng vỹ, cây in lên khung trời đẫm nét mơ mộng. Bằng lăng cũng có nhiều trên đường Lê Hồng Phong, đường Trần Huy Liệu, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đình Phùng, Lê Mao, Trường Thi, đường sinh thái ven sông Lam, đường Quang Trung và một số cây riêng ở vài ngõ phố khác. Bằng lăng phố Vinh dường như cây nào cũng nhìn cũng “trẻ” vì dáng vẻ của cây không to lớn như phượng hay sữa. Mà quả thật, nhiều hàng bằng lăng phố Vinh cũng mới được trồng quãng gần chục năm trở lại đây thôi (như ở đường Trần Huy Liệu, đường sinh thái) chẳng hạn. Để đánh dấu rằng, Vinh có nhiều con phố mới.

Đời sống hoa bằng lăng khá ngắn ngủi. Chỉ một quãng thời gian nở rộ chục hôm, sau một vài đợt mưa, đợt nắng chói là màu tím nhạt dần. Buồn nhất là ngắm hoa bằng lăng trong mưa hạ. Những cánh tím mỏng manh bỗng chốc tơi tả, nhợt nhạt. Hình như có câu thơ nào đó, đã giải thích cho đời sống ngắn ngủi nhưng đầy triết lý của bằng lăng:

Tôi biết hoa phượng vỹ

Nở cùng hoa bằng lăng

Nhưng bằng lăng rụng trước

Màu tím thường khó khăn!

Cái màu tím của mộng mơ, người ta vẫn ví von như lòng chung thủy. Vừa dung dị lại vừa điềm tĩnh, trầm tư.

Nhà thơ xứ Nghệ Nguyễn Ngọc Phú đã có lần tâm sự: Trong sự nghiệp văn chương của mình, có duy nhất một lần ông làm thơ tứ tuyệt, cũng là bài thơ tình hiếm hoi của ông, lấy cảm hứng từ “Hoa bằng lăng”:

Hoa bằng lăng đã nở hết mình

Chưa nói hết những điều hoa muốn nói

Màu hoa tím đã qua thì nông nổi

Chưa bằng lòng nên vẫn cứ . . .bằng lăng

Bài thơ ấy cũng được bao nhiêu người qua thời thanh xuân chép trong sổ tay tặng cho mình và tặng cho nhau như một cách lưu dấu về loài hoa tím đầy yêu thương.

Hoa điệp

Đã nhắc đến phượng vy và bằng lăng, không thể nhắc đến hoa điệp. Điệp cũng được xem là một loài hoa gắn với tuổi học trò. Điệp ở phố Vinh có nhiều trên đường Lê Viết Thuật, Hồng Bàng, Lê Hồng Phong, đường sinh thái ven sông Lam… Góp sắc vàng cho khung trời mùa hạ, màu của hoa được ví von với màu nắng. Đúng là cái ánh sáng của hoa điệp nó ngời lên như màu nắng hạ. Rạng rỡ, tươi tắn.

“Một chiều đi trên con đường này, hoa điệp vàng trải dưới chân tôi...”, ấy là câu dạo đầu bài hát “Con đường đến trường” (nhạc sỹ Phạm Đăng Khương) cứ ngân lên khi người ta nhắc về hoa điệp. Điều đặc biệt là hoa điệp thường nở trên đỉnh ngọn cây, sau lớp lá xanh ngút. Và khi đã héo, rụng xuống vẫn ngời sắc vàng. Màu vàng rực rỡ, bền bỉ, như cháy lên những đốm lửa.

Ai đó bước những bước chân trên thảm hoa, như thấy mình đang giẫm nắng?

Hoa giấy

Có một loài hoa tượng trưng cho tình yêu mộc mạc, chân thành đó là hoa giấy. Đây cũng là loại hoa có sức sống bền bỉ, chịu đựng được nhiều sự khắc nghiệt của nắng nóng, khô cằn.

Là cây thân bụi, song hoa giấy lại vươn thân dài, có thể trồng ngoài đường, ngoài vườn hay đứng chân trong chậu cảnh. Đơn giản, dễ trồng, lại cho hoa lâu tàn, nên nhiều nhà phố Vinh chọn hoa giấy để trồng trước cổng, trên tường rào. Hoa giấy có nhiều màu: trắng, tím, đỏ.

Nếu đến với thành phố Vinh, bạn sẽ bất ngờ trước sắc hoa giấy rực lên trong một con ngõ nhỏ cuối đường Nguyễn Quốc Trị, hay trước một biệt thự im ắng trên đường Đinh Lễ, Yên Vinh. Phố Trần Quang Diệu cũng có nhiều bụi hoa giấy tím và đỏ rực rỡ, đặc biệt là điểm cắt giao giữa Trần Quang Diệu và Đào Duy Từ, ngay trước một nếp nhà tường vôi trắng là bóng cây hoa sừng sững, sáng bừng một dãy phố. Trên đường Hồ Tùng Mậu, quanh Quảng trường Hồ Chí Minh, hoa giấy cũng được trồng trong các chậu cảnh.

Hoa giấy có tên trong nhiều bài thơ, bài hát, nhưng có một bài hát này luôn khiến lòng người xao xuyến, phải vì nó gợi lên nỗi nhớ, tình yêu, những khắc khoải của con người trong cuộc sống đầy rẫy những vất vả lo toan: “Vẫn xa vời và ngút mắt mênh mông. Hết nửa dòng sông và mấy cánh đồng, hoa giấy nhà ai trông đỏ quá. Trưa anh về, em có đợi anh không?” (Thơ Hoài Vũ, nhạc Thuận Yến)

Loại hoa giản dị, khiêm nhường, nhưng cũng biết cháy hết mình như níu ánh mắt, níu bước chân người mỗi lần qua phố.

Hoa bồ kết tây

Mùa này, hoa bồ kết tây nở trên rất nhiều con phố. Đường Đinh Bạt Tụy, Trần Phú, Trường Thi, Lê Lợi, Ngư Hải… Bồ kết tây có sắc nhạt nhòa, nên chẳng mấy ai để ý đến. Chỉ đến khi, mùi hương đánh thức người phố dậy mỗi sáng, thì người ta mới nhìn ra để thấy những cánh li ti trắng xanh- rồi ngả hơi vàng như bay lên trên không trung.

Nhiều người phố Vinh, khi hỏi cũng không biết tên của cây hoa, thậm chí có nhiều người còn gọi nó bằng những cái tên họ tự nghĩ, tự đặt như phượng dại, tóc tiên, mâm xôi… Có người căn cứ vào hình lá mà gọi tên cây, người lại căn cứ hình dạng hoa, mùi hương để gọi... Nhiều nhà có cây trước cửa mà khi hỏi tên cây vẫn ngơ ngác lắc đầu. Mới biết, cây cứ âm thầm lớn lên, âm thầm tỏa hương trên hè phố, mặc sự vô tình.

Có nét gì như giống với bồ công anh, những cánh hoa bồ kết nhìn nhẹ nhõm, như muốn tan biến trong vòm xanh, nơi lũ ve nhao nhác náo động cả trưa hè.

Hoa mọc khi trên cành vẫn còn đu đưa những cái quả dài ngoẵng đã khô. Và trên hè phố, phải thảnh thơi lắm, bạn mới có thể phát hiện ra những bông hoa đã rụng và tàn đi sau những vết chổi của người quét đường.

Hoa hường

Người phố Vinh quen gọi loài hồng nhỏ li ti (hồng tỉ muội) trồng trên những dải phân cách là hoa hường.

Hường hoa màu hồng nhạt. Dịu nhẹ, mỏng manh. Trong một phút lãng mạn nào đó chăng, mà người ta đã chọn hoa hường cho những dải phân cách của phố? Hay vì được chọn bởi hoa cũng dễ trồng, dễ sống và cho hoa 4 mùa?

Hoa hồng vốn được xem là loài hoa biểu tượng của tình yêu. Những bông hoa hồng nhỏ bé mọc bên đường, không rạng rỡ kiêu sa như thường thấy trong các vườn cây, chậu cảnh, nhưng lại làm cho tâm hồn những con người tất bật trên phố phút chốc lắng dịu. Hoa bỗng nhiên gần gụi quá, chỉ một cái với tay là chạm đến làn hương ngan ngát. Có cô gái, đêm nào cũng nhận được một bông hoa hái trộm ven đường. Với cô, chỉ cần thế là đủ cho một tình yêu vừa mới đến nhưng lại vô chừng lớn lao trong cô.

Chàng trai ấy đã ngắt nó khi rẽ qua đường Trần Phú, Lê Duẩn, hay gặp nó trên những bồn cây trước sảnh tòa chung cư Tecco. Cũng có thể là của những luống hoa giữa đường Lê Nin. Bao giờ ngắt hoa, trong lòng cũng hát về “Triệu đóa hồng”, dù mỗi đêm anh chỉ ngắt đúng một đóa nhỏ bé.

Sen trắng chùa Cần Linh

Đầm sen trước chùa Cần Linh, ngay dưới chân cầu vượt Cửa Nam, đã từng là nguồn cảm hứng của bao nhiếp ảnh gia mỗi tháng Năm về. Bao nhiêu người đã về đây chụp sen để mãi tấm tắc về nét đẹp riêng có phố Vinh.

Sen phố Vinh không chỉ có ở chùa Cần Linh, mà còn có ở Nghi Ân. Ngay gần phố Vinh có đầm sen Hưng Thịnh, Hưng Nguyên. Nhưng sen trắng chùa cần Linh thì quả thực độc đáo bởi màu sen thuần khiết, lại ở ngay trước cửa chùa. Nó gợi nét đẹp bình an, là những “đóa hoa vô thường” như trong lời hát của nhạc sỹ họ Trịnh.

Mùa Phật đản, mùa của những đóa sen rộ nở ao đầm. Lớp cánh này vây bọc lớp cánh khác, búp búp nhô lên trên mặt nước tĩnh lặng. Có người đã gọi những cánh hoa ấy là những ngón sen. Ngón sen chắp vào nhau, tĩnh tâm để rồi từ bung nở, xòe ra, rộng lượng đón cả nhân gian và tự mình mở ra cả giấc mơ hương. Chính là những làn hương ấy đã đánh thức bình minh trở dậy, đánh thức nắng, đánh thức gió, đánh thức cả tiếng chim.

Trên đầm sen, những cánh hoa lênh đênh trôi. Lũ chuồn ớt, chuồn kim, chuồn chè, cả lũ ong cũng theo dấu hương mà tới. Từ khi cầu vượt Cửa Nam sừng sững mọc lên, con đường xuống đầm sen dường như thưa vắng. Cũng chẳng biết vì gì mà đầm sen bỗng thưa vắng sen. Nhưng mặc những đổi thay, đến mùa Phật đản, những gốc sen còn lại vẫn nở, vẫn tỏa hương lặng lẽ. Để mãi mãi người phố Vinh còn có niềm tự hào, có một loại hoa của tháng năm mang tên gọi sen trắng chùa Cần Linh.

Mới nhất

x
Những sắc hoa đón hè cùng phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO