V-League và sự chuyển dịch của các trung tâm bóng đá

Châu Phú 31/10/2022 11:32

(Baonghean.vn) - V-League 2-2022 đã kết thúc với việc lên ngôi và lên hạng của đội Công an Nhân dân và Khánh Hòa, 2 cái tên mới của V-League1 mùa tới nhưng thực ra là vô cùng cũ.

Bóng đá Công an Nhân dân trong quá khứ từng nổi danh với các đội bóng Công an Hà Nội, Công an Hải Phòng, Công an TP. Hồ Chí Minh, chưa kể thấp hơn còn có Công an Thanh Hóa…nhưng nay mới trở lại với một cái tên chung kể ra cũng là chậm so với truyền thống rạng rỡ của lực lượng này. Trong khi đó, Khánh Hòa có thời từng là “ngựa ô” của V-League với những tên tuổi Hữu Đang, Quang Hải… nhưng rồi trầy trật lên xuống, tan đàn, xẻ nghé và nay dù trở lại nhưng cũng chưa có cơ sở nào để khẳng định đội bóng phố biển sẽ vững chãi hơn xưa?

Khánh Hòa nối gót CLB CAND thăng hạng để tham dự V-League mùa giải 2023. Ảnh: Tienphong.vn

V-League1-2022 đi chậm hơn vì có nhiều đội thi đấu hơn (13 so với 12 và thi đấu liên tục hơn) nên hiện vẫn còn 4 vòng đấu nữa mới hạ hồi phân giải. Khi V-League 1 tới đây đón nhận thêm 2 “tân binh” như vừa nói ở trên thì đồng thời cũng phải “đẩy xuống” V-League 2-2023 1 thành viên, để đảm bảo mùa tới có 14 đội tham dự. Đây là “thành tích” xuống hạng không ai mong muốn và điều này đang được nhắm đến các đội Sài Gòn FC, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Nam Định và TP. Hồ Chí Minh.

Với lịch thi đấu còn lại, rất khó để nói đội nào có lợi hay bất lợi, bởi điều này phụ thuộc vào cả thành tích thi đấu của các đội xếp giữa cũng như xếp đầu. Khi Hải Phòng thắng Hà Nội FC ở vòng 21 thì vòng 22 buộc Hà Nội phải “hạ” SHB Đà Nẵng nếu không muốn mọi việc đổ sông, đổ bể (thế nên mới có chuyện ông bầu đội thắng sau trận xuống sân động viên… đội thua). Với tình thế hiện tại, những đội giữa bảng như Hoàng Anh Gia Lai hay Sông Lam Nghệ An, rồi Đông Á Thanh Hóa hay Bình Dương cũng đâu có quyết đấu để có được một trận thắng? Vì vậy, các đội này chia điểm với nhau, hoặc để mất điểm phút cuối (như Đông Á Thanh Hóa trước TP. Hồ Chí Minh) đâu là chuyện lạ.

Giữa “ma trận” chợ chiều, nếu Hà Nội FC quyết về đích sớm 1 hay 2 vòng đấu thì rất khó đội nào ngăn cản. Thực tế cũng khó ai cản được, dù Hải Phòng từng thắng mới đây, nhưng như thế vẫn chưa đủ chặn đứng được đội bóng có lực lượng hùng hậu bậc nhất, tham vọng lớn nhất này. Giờ này, Viettel cũng coi như chấm dứt giấc mơ bảo vệ ngôi vua. Còn lại 2 đội bóng Hải Phòng và Topenland Bình Định cho cuộc đua nhì, ba rất đáng nói? Là ở chỗ 2 đội này có thực lực, có tham vọng theo một cách rất lạ và lạ là họ vẫn đạt được. Hải Phòng không có lực lượng trẻ dồi dào, quân số thì thu gom là chính sau khi Quảng Ninh giải thể, sau khi mượn hết Sông Lam Nghệ An đến Hoàng Anh Gia Lai. Vị trí cầm lái cũng phải “cậy” đến người vừa đi hết chu kỳ thành công ở Hà Nội FC là ông Chu Đình Nghiêm. Ông bầu nhiều tham vọng, có tiềm lực, cổ động viên đông đảo và cá tính, ngoại binh cừ, cầu thủ “bị” cho mượn thi đấu hết mức để chứng minh mình không đáng bị đẩy đi… cùng nhau hợp lực khiến đội bóng đất cảng thăng hoa mọi lúc, mọi nơi. Vào giải nhiều ánh mắt nghi ngờ về mấy trận ban đầu hay rồi sau đó Hải Phòng sẽ về lại vị trí vốn có. Nhưng rồi “bé cái nhầm” hết thảy, Hải Phòng đang bước đi những bước ấn tượng, vững chắc, thực mà như mơ. Con số 22.000 khán giả trận gặp Hà Nội FC trên sân Lạch Tray là con số mơ ước, đẹp mặt cho cả V-League.

Topenland Bình Định giàu tiềm lực để mua sắm cả thầy giỏi lẫn trò giỏi cũng đi lên một cách khá “lạ” ở mùa này. Đội bóng đất võ có truyền thống nhưng lâu nay để mất, chẳng hạn hiện họ không có nổi một thủ môn giỏi trong khung gỗ đội nhà, càng không có một ông thầy cầm sa bàn chỉ đạo đội bóng. Vậy là mua và mượn như cách Hải Phòng đang làm. Họ gặp khó khi thầy giỏi, trò giỏi nhưng chưa ăn ý, chưa kết thành một khối mà phải chờ thời gian, chờ thấu hiểu nhau hơn. Họ đang băng băng tiến về đích nhưng rất có thể vì sai lầm nghiêm trọng của trọng tài (trận gặp Hoàng Anh Gia Lai mới đây chẳng hạn) sẽ khiến giấc mơ vô địch sẽ tạm dang dở.

Vậy mà, những đội bóng thừa lực lượng, giàu truyền thống, không ít tham vọng như Hoàng Anh Gia Lai hay Sông Lam Nghệ An lại đang vấp phải những tháng ngày đáng quên hơn bao giờ hết. Tự mình đánh mất niềm tin của chính mình, của giới chuyên môn, đặc biệt của người hâm mộ - ấy là những cảnh báo nghiêm khắc cho không chỉ 2 đội bóng lâu nay không biết thắng và đang bước về đích những bước nặng nề, vô nghĩa ở giải đấu đang được coi là chất lượng nhất khu vực.

Nhưng nói cho cùng, mọi sự thay đổi cho bóng đá Việt như cách Hà Nội FC khẳng định đẳng cấp, như cách Hải Phòng hay Topenland Bình Định vươn lên chiếm chỗ những đội lừng khừng, mất bản sắc và tụt hậu lại là điều đáng nói, đáng mừng hơn bao giờ hết. Rằng, vẫn có nhiều nơi, nhiều người làm bóng đá nghiêm túc, cầu thị, vì khán giả, chứ không hề toan tính hay vụ lợi cá nhân bé nhỏ tẹo nào. Rằng, các trung tâm bóng đá luôn chuyển dịch vô cùng thú vị và hấp dẫn như chúng ta đang thấy, từng biết./.

Mới nhất

x
V-League và sự chuyển dịch của các trung tâm bóng đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO