Nông dân Nam Đàn loay hoay lo đầu ra cho dưa hấu

Huy Thư 18/06/2018 10:45

(Baonghean.vn) - Những ngày này, người dân trồng dưa ở xã Nam Tân, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đang tấp nập thu hoạch dưa chính vụ. Do chưa có mối liên kết trong sản xuất nên bà con tự xoay xở lo đầu ra, trong khi, dưa rớt giá.

Mặc dù nhiều nhà đã thu hoạch dưa theo quan niệm “nhanh hơn là thắng”, nhưng gia đình ông Nguyễn Đình Dư ở xóm 5, xã Nam Tân vẫn chờ dưa chín rộ mới bắt đầu thu hái. Ông Dư cho biết, mùa này gia đình ông làm hơn 4 sào dưa chính vụ. Trên thị trường đang có nhiều loại hoa quả nên đầu ra của dưa hơi khó khăn.

Gia đình ông Nguyễn Đình Dư ở xóm 5, xã Nam Tân (Nam Đàn) đang thu hoạch dưa chính vụ. Ảnh: Huy Thư

Còn gia đình bà Nguyễn Thị Thu ở xóm 7 - một trong những hộ dân trồng dưa nhiều ở vùng đất bãi sông Lam nên việc tưới tiêu tương đối thuận lợi, sản lượng dưa tương đối khá, khoảng 1,8 tấn /sào.

Năm nay toàn xã Nam Tân trồng khoảng 150 ha dưa các loại, trong đó chủ yếu là dưa hấu, ngoài ra còn có dưa bở, dưa lê. So với những năm trước, diện tích trồng dưa của xã ngày càng được mở rộng. Trong xã, 7/7 xóm đều trồng dưa, nhà ít thì vài sào, nhà nhiều hơn 1 mẫu.

Dưa trồng ở Nam Tân chủ yếu là giống Phù Đổng, Hoàn Châu và Nông Việt; các giống này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ởt địa phương. Ảnh: Huy Thư

Để kéo dài thời gian thu hoạch, người dân đã trồng dưa thành nhiều lứa: dưa sớm, dưa chính vụ, dưa muộn. Mùa dưa ở đây kéo dài từ đầu tháng 3 cho đến hết tháng 7. Việc trồng dưa theo lứa nhằm tạo điều kiện cho người dân trong việc chăm bón, thu hái và tiêu thụ sản phẩm, tránh hiện tượng “hái dồn, bán dập”.

Thế nhưng theo bà con, dưa năm nay “vừa mất mùa, vừa rớt giá”, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Chị Trần Thị Loan (47 tuổi) ở xóm 5 cho hay: Cùng thời điểm này năm ngoái, đã có rất nhiều xe ô tô đến mua dưa tại ruộng, để đưa đi tiêu thụ ở xa, nhưng năm nay tư thương đến mua quá ít. Do đó, bà con phải tự xoay xở đầu ra, chở dưa ra Quốc lộ 46, Tỉnh lộ 15 và đưa đi các chợ quanh vùng để tiêu thụ.

Những ngày này về Nam Tân, đi qua cầu Nam Đàn đã thấy những xe dưa nối dài trên tỉnh lộ 15, chờ bán cho khách qua đường. Giá dưa đẹp giao động từ 5 - 6 nghìn đồng/kg (sụt hơn năm ngoái 2 - 3 nghìn đồng). Bà Trần Thị Xuân (62 tuổi) – một người dân đang bán dưa ven đường chia sẻ: Năm nay, tuy dưa không được giá, bán hơi khó, nhưng cố gắng cũng kiếm được 5 - triệu đồng/sào.

Những xe dưa nối dài trên tỉnh lộ 15 chờ bán cho khách qua đường
Những xe dưa nối dài của nông dân Nam Tân trên tỉnh lộ 15 chờ bán cho khách qua đường. Ảnh: Huy Thư

Nói về chuyện trồng dưa, ông Đào Văn Quang – Chủ tịch xã Nam Tân khẳng định: “So với một số cây trồng ở các địa phương, có thể dưa cho thu nhập chưa cao, nhưng với Nam Tân đây đang là cây chủ lực. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dưa đã được người dân đưa vào trồng từ năm 2005. Cho đến nay, xã vẫn chưa có được sự liên kết nào trong tiêu thụ sản phẩm, bà con đang tự vận động đầu ra”.

Thiếu liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm, lỏng lẻo trong quản lý quy hoạch cùng với yếu trong dự báo thị trường đã đem đến mùa dưa bấp bênh. Đây là bài học nhãn tiền đối với nhiều địa phương trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Mới nhất

x
Nông dân Nam Đàn loay hoay lo đầu ra cho dưa hấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO