Nông dân vùng biên giới bơi sông vận chuyển gỗ keo trong rét
(Baonghean.vn) - Không có cầu, người dân xã Hạnh Dịch (Quế Phong) phải bơi sông, đẩy bè gỗ keo trong cái rét dưới 20 độ C
Nông dân xã Hạnh Dịch (Quế Phong) vận chuyển keo trên những chiếc bè. Ảnh : Thò Bá Cường |
Trong tiết trời lạnh dưới 20 độ, những người nông dân ở huyện miền núi Quế Phong vẫn đằm mình trong làn nước điều khiển từng bè gỗ keo qua sông. Quãng sông Nậm Việc qua bản Chiếng, xã Hạnh Dịch rộng ngót ba chục sải tay. Phía bên kia là những rẫy keo của dân bản. Quãng sông không có cầu nên bà con chủ yếu phải vận chuyển keo qua sông trên những chiếc bè.
Anh Hà Văn Thành, một nông dân trạc 35 tuổi trú bản Chiếng cho biết : Để vận chuyển được 1 bè gỗ keo với trọng lượng khoảng nửa tấn keo phải cần đến 2 người chèo lái. Họ mất gần nửa giờ để đưa được một chiếc bè sang sông.
Một người đàn ông đằm mình trong làn nước lạnh cóng điều khiển bè gỗ. Ảnh: Hữu Vi |
Trên khúc sông, lúc trời đã xẩm tối, những nông dân vẫn chưa xong việc. Trong khi cái rét khiến không ít người đi đường phải mặc ấm thì một trong hai người đàn ông điều khiển bè gỗ phải đằm mình dưới sông. Anh ta vừa bơi vừa dùng sức đẩy chiếc bè di chuyển cho đúng hướng.
Công việc bóc vỏ keo mang lại thu nhập cho người phụ nữ này khoảng 150 nghìn đồng mỗi công nhật. Ảnh : Hữu Vi |
Trong khi đó, một tốp phụ nữ bóc vỏ cây keo ngay cạnh mép sông. Những người trong “ê kíp” đã được phân công rõ ràng. Nhóm phụ nữ thì bóc vỏ và tham gia một số việc phụ khác. Cánh đàn ông thì dùng cưa xăng đốn hạ cây keo sau đó kết thành từng bè và chuyển sang sông.
Chị Lương Thị Mai, trú bản Kim Khê, xã Châu Kim vượt hơn 10 km vào bản Chiếng làm thuê cho một nhà trồng keo cho hay, mỗi công nhật họ được trả 150 nghìn đồng. Cánh đàn ông dù có lao động vật vả hơn nhưng tiền công thì ngang nhau.
Mùa Đông cũng là lúc diễn ra một trong hai vụ khai thác gỗ keo trong năm. Ảnh : Thò Bá Cường |
Kết thành bè và đẩy sang sông là hình thức vận chuyển gỗ keo chủ yếu của người dân xã Hạnh Dịch. Hầu hết các thôn bản nơi đây sống cạnh sông Nậm Việc và một phần lớn trong tổng số 176 ha keo của toàn xã Hạnh Dịch khi khai thác sẽ phải vận chuyển qua sông.
Thời điểm hiện tại đang là mùa khai thác gỗ keo ở xã biên giới này.