Nữ cán bộ tâm huyết với công tác tu bổ di tích ở Nghệ An

Minh Quân 08/03/2023 09:57

(Baonghean.vn) -  Hơn 15 năm gắn bó với công tác tu bổ di tích, chị Trương Thị Thư – Trưởng phòng Tu bổ, Ban Quản lý di tích Nghệ An đã có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh, cũng những vui buồn, trăn trở.

Tham gia tu bổ, tôn tạo hơn 500 di tích

Sinh năm 1979, tại xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tốt nghiệp chuyên ngành Bảo tàng, Đại học Văn hóa Hà Nội năm 2000, chị Trương Thị Thư về công tác tại Phòng Trưng bày, Bảo tàng Nghệ An.

Tháng 7/2002, chị chuyển sang Phòng Tuyên truyền, Ban Quản lý di tích và danh thắng Nghệ An (nay là Ban Quản lý di tích Nghệ An). Từ tháng 7/2007, chị công tác tại Phòng Tu bổ, Ban Quản lý di tích Nghệ An lần lượt giữ các chức vụ Phó phòng (từ tháng 8/2013-1/2019) rồi Trưởng phòng (từ tháng 1/2019 đến nay).

Chị Thư cho biết, trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích, công việc của chị là khảo sát đánh giá hiện trạng di tích, đề xuất phương án tu bổ, phối hợp với đơn vị tư vấn đủ chức năng khảo sát, lập hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật trình cấp trên và các ngành liên quan phê duyệt, giám sát chuyên môn đối với hoạt động thi công tu bổ di tích…

Chị Trương Thị Thư - Trưởng phòng Tu bổ, Ban quản lý Di tích tỉnh Nghệ An. Ảnh: Minh Quân.

“Trong quá trình tu bổ, tôn tạo di tích, chúng tôi thực hiện phương châm chống xuống cấp nhưng vẫn cố gắng đảm bảo tối đa hồn cốt, giá trị nguyên gốc của di tích. Vì vậy, trong quá trình thi công, chỉ thay thế những cấu kiện bị hư hỏng nặng, có thể ảnh hưởng đến kết cấu tổng thể của di tích, còn lại cố gắng tái sử dụng các cấu kiện cũ. Ví như với những vì, kèo mà bên trong bị mục nhưng bên ngoài hoa văn, chạm khắc còn đẹp thì thực hiện phương án trám, chống mối mọt chứ không thay thế…”, chị Trương Thị Thư chia sẻ.

Theo chị Thư, khi còn là cán bộ của Phòng Trưng bày Bảo tàng Nghệ An, chị đã tiếp xúc nhiều với các thông tin về di tích qua những lần thực hiện trưng bày chuyên đề. Tuy nhiên, khi chuyển sang làm công tác tu bổ di tích, chị đã không tránh khỏi những bỡ ngỡ.

“Ban đầu tôi khá choáng ngợp với những kiến thức về kiến trúc di tích, như hệ thống khung cột, kết cấu mái, vì kèo, hệ con giống... và cả những tập tục, sinh hoạt văn hóa liên quan đến di tích. Để kịp thời bắt nhịp với công việc mới và hoàn thành tốt nhiệm vụ, tôi phải tự tìm tòi, nghiên cứu trong sách vở và trong cả những chuyến thực địa điền dã, rồi tham gia các lớp tập huấn của ngành Văn hóa. Sau một thời gian thì tôi đã dần tự tin hơn với công việc của mình”, chị Thư bộc bạch.

Di tích lịch sử - văn hóa thường tồn tại qua nhiều thời gian, để lại dấu ấn về công sức, trí tuệ, phong cách, sự sáng tạo của nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Bởi vậy, khi xây dựng, tiến hành dự án bảo tồn di tích phải chú ý tính liên tục về mặt phát triển văn hóa, tính kế thừa và tiếp biến văn hóa ở di tích đó. Đồng thời, cần nghiên cứu cẩn trọng để không làm sai lệch giá trị, tính chất của di tích.

Do vậy, trong quá trình khảo sát, thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích, tôi luôn lắng nghe, chia sẻ với người dân địa phương, đặc biệt là các cụ cao niên, người có uy tín.

Chị Trương Thị Thư - Trưởng phòng Tu bổ, Ban Quản lý di tích Nghệ An.

Hơn 15 năm gắn bó với công tác tu bổ di tích, chị Trương Thị Thư đã tham gia vào công tác tu bổ, tôn tạo khoảng hơn 500 di tích trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, với vai trò là Trưởng phòng Tu bổ di tích, Ban Quản lý di tích Nghệ An, chị đã cùng tập thể phòng tiến hành khảo sát đánh giá hiện trạng, lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật và hoàn thành việc tổ chức tu sửa, tôn tạo gần 50 di tích; cắm mốc ranh giới khoanh vùng bảo vệ 16 di tích; kịp thời khảo sát, hướng dẫn, tham mưu công tác tu bổ, tôn tạo, phục dựng di tích bằng nguồn xã hội hóa cho hàng trăm di tích và các vấn đề liên quan đến di tích theo đề nghị của Sở Văn hóa và Thể thao, cũng như của các địa phương.

Chị Trương Thị Thư (phải) trong một lần khảo sát tu bổ di tích ở huyện Yên Thành. Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, chị Trương Thị Thư còn thực hiện nhiều đề tài khoa học được công nhận sáng kiến cấp cơ sở, có giá trị thực tiễn cao như “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh hiện nay”, “Giải pháp thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo di tích trong thời gian dịch Covid-19”, “Một số giải pháp thực hiện tốt công tác cắm mốc ranh giới khoanh vùng bảo vệ di tích”, “Huy động nguồn xã hội hóa xây dựng Nhà tưởng niệm Phan Bội Châu thuộc Dự án tu bổ, tôn tạo Khu Lưu niệm Phan Bội Châu”…

Với những thành tích trong công tác tu bổ di tích, từ năm 2015 đến nay, hàng năm chị Trương Thị Thư đều được nhận Giấy khen của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; năm 2021 được nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh; năm 2022 nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; năm 2021, 2022 là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở…

Những trăn trở

Hơn 15 năm, chị Trương Thị Thư đã trải qua nhiều kỷ niệm vui, buồn với công tác tu bổ, tôn tạo di tích. “Thời gian đầu tôi về công tác tại Phòng Tu bổ di tích, công việc gặp rất nhiều khó khăn, do kinh phí cho hoạt động tu bổ di tích rất thấp, hoạt động tu bổ cấp thiết chỉ mang tính “chống đỡ” tạm thời, hiệu quả không cao. Trước đây kinh phí tu bổ được chuyển trực tiếp cho địa phương, mỗi lần về cơ sở để làm thủ tục chuyển kinh phí, tôi luôn phải nhận những lời phàn nàn của chính quyền địa phương, các ban quản lý di tích, đại diện các dòng họ… rằng tiền tu bổ thì ít, trong khi quy trình, thủ tục lập hồ sơ thiết kế, dự toán kinh phí lại phức tạp.

Một lần nhận được tin có một ngôi đền là Di tích cấp Quốc gia ở xã Diễn Thắng (Diễn Châu) xuống cấp trầm trọng, tôi đi xe máy từ Vinh về khảo sát, lúc đến nơi thì trời mưa rất to, dù đã liên hệ trước nhưng không ai trong ban quản lý đền ra tiếp. Thế là tôi phải lọ mọ đến Ủy ban nhân dân xã, thuyết phục lãnh đạo xã cùng phối hợp thực hiện các bước khảo sát, lập hồ sơ đánh giá hiện trạng di tích, lập hồ sơ dự toán kinh phí tu bổ…

Rồi một vài lần thực hiện khảo sát tu bổ một số đền thờ, nhà thờ cần tu bổ cấp thiết, tôi phải bỏ thêm ít tiền túi để hỗ trợ cơ sở thuê đơn vị lập dự toán thiết kế, cũng vì mục tiêu để di tích được tu bổ kịp thời…”.

Cán bộ Ban Quản lý di tích tỉnh Nghệ An cùng chính quyền, người dân địa phương giám sát việc trùng tu Di tích đình Quỳnh Đôi, xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu). Ảnh: NVCC

Theo chị Trương Thị Thư, những năm gần đây, công tác tu bổ, tôn tạo di tích đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành liên quan. Cùng với đó, nhận thức của cấp ủy, chính quyền cũng như người dân về vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di tích cũng được nâng lên.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích ở Nghệ An vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Tỉnh ta có địa bàn rộng, phức tạp, số lượng di tích nhiều (hơn có 2.600 di tích, trong đó, có 471 di tích đã được xếp hạng, 6 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 144 di tích cấp quốc gia, 321 di tích cấp tỉnh) nhưng phân bố không đều ở các vùng, miền, gây nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ, quản lý, phát huy.

Ngoài ra, các công trình của di tích chủ yếu được làm bằng gỗ, có thời gian hình thành và tồn tại đã lâu, trong khi thời tiết, khí hậu ở Nghệ An khắc nghiệt nên đang bị hư hỏng, xuống cấp rất nhiều. Mặt khác, đội ngũ làm công tác quản lý, bảo tồn còn thiếu và yếu; nguồn lực đầu tư cho chương trình chống xuống cấp di tích dù được cải thiện những vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế ở địa phương.

Nguồn lực xã hội hóa trong tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích chủ yếu chỉ phát huy được hiệu quả ở những di tích tâm linh, có lượng khách đông như đền Hoàng Mười, đền Quả Sơn, đền Cờn...; các di tích còn lại, hầu hết đều trông chờ vào nguồn ngân sách tỉnh.

“Cuối năm 2022, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết 28 quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó có nội dung nâng mức hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích đã được xếp hạng. Mong rằng, thời gian tới, Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống để các di tích trên địa bàn tỉnh thoát khỏi tình trạng xuống cấp, phát huy hơn nữa giá trị giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho các thế hệ hôm nay và mai sau”, chị Trương Thị Thư bày tỏ.

Mới nhất

x
Nữ cán bộ tâm huyết với công tác tu bổ di tích ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO