Obama và chuyện các Tổng thống Mỹ yêu thể thao

25/05/2016 06:11

Barack Obama và nhiều đời Tổng thống Mỹ trước đó đều là những người yêu thích thể thao, có nhiều đóng góp để phát triển thể thao tại Mỹ.

Ngày 19/5/2012, khi Frank Lampard và Philipp Lahm dẫn đầu hai đội Chelsea (Anh) và Bayern Munich (Đức) bước ra sân ở trận chung kết Champions League. Họ không nghĩ rằng, cách đó hơn nửa vòng trái đất, có những cặp mắt đặc biệt dõi theo - trong số ấy có một phụ nữ Đức và một quý ông điển trai người Anh.

Tại một ngôi nhà nghỉ trên triền núi Catoctin, Maryland (Mỹ), gần 15h có một cuộc họp đã tạm hoãn để các thành viên nghỉ ngơi. Vị chủ nhà hiếu khách mang đến một chiếc bánh chocolate để các vị khách chúc mừng sinh nhật một thành viên có mặt.

Một đề xuất chớp nhoáng được đưa ra: cả hội sẽ xem trận đấu. Chủ nhà đáp: "OK luôn", bởi ông nổi tiếng thân thiện, có nụ cười dễ mến, luôn muốn làm hài lòng tất cả mọi người, và ngoài ra cũng là một CĐV bóng đá. Ông từng kể điều này trong một bức thư gửi người chị họ sống ở London, một cổ động viên trọn đời của CLB thuộc giải Ngoại hạng Anh, West Ham United.

obama-va-chuyen-cac-tong-thong-my-yeu-the-thao

Obama cùng Cameron, Merkel và các vị khách khác xem trận chung kết Champions League 2012 giữa Chelsea với Bayern Munich. Ảnh: The White House.

Vị chủ nhà hiếu khách ấy là Barack Obama. Hai vị khách nêu ý kiến xem trận chung kết Champions League là Angela Merkel - Thủ tướng Đức và David Cameron - Thủ tướng Anh. Vị khách bất ngờ được tặng bánh sinh nhật là Yoshihiko Noda, Thủ tướng Nhật thời điểm ấy. Trong số nhân vật khác tham dự cuộc gặp gỡ này còn có Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso...

Căn nhà trên núi đó có tên chính thức là Cơ sở Hỗ trợ Hải quân Thurmont, thường được biết đến với cái tên Trại David, nơi các đời Tổng thống Hoa Kỳ nghỉ dưỡng và tiếp đón các vị khách quý. Và đó là nơi Obama chọn để tổ chức cuộc họp thượng đỉnh G8, giữa lãnh đạo các cường quốc hàng đầu thế giới.

Sinh ra trong một gia đình có cha là người Kenya, mẹ là người Mỹ gốc Âu, từng sống ở Honolulu và Jakarta (Indonesia), đam mê thể thao của Obama cũng bắt nguồn từ những trải nghiệm văn hoá đa dạng thời trẻ. Ông đặc biệt yêu thích các môn bóng đá, bóng rổ, golf, ngoài ra cũng chơi tốt bóng bàn.

Thời còn chơi cho đội bóng rổ trường trung học Punabu, Obama được đồng đội đặt cho biệt danh “Barry O’Bomber” vì những cú úp rổ không thể cản phá. Obama từng vào top 25 người khoẻ nhất nước Mỹ nhờ chăm chỉ tập luyện thể thao, theo bình chọn của tạp chí Men's Fitness.

obama-va-chuyen-cac-tong-thong-my-yeu-the-thao-1

Obama yêu thích thể thao và xem thể thao là một kênh quan trọng để giao tiếp với công chúng Mỹ. Ảnh: The White House.

Tổng thống Mỹ, hễ có dịp, luôn cố gắng tiếp xúc với các nhân vật thể thao. Hồi tháng 4/2016, ông gặp các thành viên Golden State Warriors để chúc mừng đội bóng rổ này đăng quang ở bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA. Trước đó một tháng, khi đi công du Argentina, Obama từng muốn sắp xếp để các con gái ông gặp siêu sao bóng đá Lionel Messi, nhưng anh quá bận thi đấu nên chuyện không thành.

Trong nhiệm kỳ sắp kết thúc, một trong những điều khiến Tổng thống Obama chưa ưng ý có lẽ là nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông không được trao vinh dự đăng cai một kỳ World Cup. Năm 2009, Obama từng viết thư cho Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA cam kết sự ủng hộ với chiến dịch đăng cai giải bóng đá số một hành tinh.

Obama là tổng thống Mỹ thứ hai làm việc này. Trước đó, cựu Tổng thống Ronald Reagan là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới viết một bức thư cho cố chủ tịch FIFA Joao Havelange đề xuất cho nước Mỹ đăng cai World Cup. Sau bức thư đó, Reagan còn mời Havelange đến dùng bữa trưa với rượu vang tại Nhà Trắng. Chính mối quan hệ thân thiết giữa Ronald Reagan với Joao Havelange là nhân tố quyết định giúp World Cup đến với nước Mỹ vào năm 1994.

obama-va-chuyen-cac-tong-thong-my-yeu-the-thao-2

Reegan (thứ hai từ trái sang) là người góp công lớn giúp Mỹ lần đầu đăng cai World Cup năm 1994. Ảnh: The White House.

Chơi thể thao hay thì được vào Nhà Trắng. Obama không phải Tổng thống Mỹ duy nhất yêu thích thể thao. Những đội bóng vô địch một giải thể thao tại Mỹ thường có vinh dự diện kiến Tổng thống tại Nhà Trắng.

Theo ESPN, truyền thống này bắt nguồn từ một sự kiện diễn ra vào30/8/1865, Andrew Johnson - tổng thống Mỹ thứ 17 - tiếp hai đội bóng chày nghiệp dư Brooklyn Atlantics và Washington Nationals đến số 1600 đại lộ Pennsylvania. Tiếp nối truyền thống ấy, Gerald Ford trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên mời một đội bóng đá đến Nhà Trắng.

Ronald Reagan là một trong số những Tổng thống yêu thích và có những đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển thể thao ở xứ cờ hoa. Bên cạnh bức thư xin đăng cai World Cup, Reagan còn biến những cuộc gặp gỡ tại Nhà Trắng, với các nhà vô địch thể thao trở thành sự kiện thường niên. Ông từng đứng ra tổ chức một trận giao hữu giữa hai đội bóng trẻ, một do Vua bóng đá Pele, mà một do cầu thủ người Mỹ Steve Moyers làm đội trưởng, ngay trong khuôn viên Nhà Trắng.

obama-va-chuyen-cac-tong-thong-my-yeu-the-thao-3

Tổng thống Gerald Ford hào hứng xem Pele trình diễn kỹ thuật bóng đá trong khuôn viên Nhà Trắng năm 1982.

Năm 2002, Tổng thống George W.Bush hoãn cuộc điện đàm với Tổng thống Mexico vài phút để gọi điện động viên đội tuyển bóng đá Mỹ trước trận tứ kết World Cup lịch sử với Mexico, trong đó ông nói đất nước đã “tự hào đến nhường nào” về việc lần đầu tiên bóng Mỹ lọt vào đến tứ kết giải bóng đá số một thế giới.

Tháng 10/2015, trong buổi tiệc mừng tuyển bóng đá nữ Mỹ vô địch World Cup, Tổng thống Obama ca ngợi "các bạn đã truyền cảm hứng trẻ em Mỹ chơi bóng đá". Obama cũng hết mình hiếu khách với các nhân vật thể thao. Ông từng hứa với huấn luyện viên đội bóng rổ nữ Đại học Connecticut, Geno Auriemma rằng "luôn có sẵn một chiếc giường cho anh trong nhà tôi".

Không chỉ các nhà vô địch, năm 2009, Chicago Fire - đội bóng đến từ thành phố gia đình Obama từng sống trước khi ông trở thành Tổng thống - đã trở thành đội không vô địch đầu tiên được mời đến nơi ở của gia đình quyền lực nhất nước Mỹ.

Không chỉ các tổng thống Mỹ mà con cái họ cũng thể hiện tình yêu đặc biệt với môn thể thao vua. Chelsea Clinton và hai con gái của Tổng thống Obama chơi những trận bóng đá đầu tiên tại Nhà Trắng. Cặp chị em song sinh con gái Tổng thống George W.Bush, trong thời gian thăm Argentina, tỏ ra rất hứng thú với câu chuyện giữa hai đội bóng giàu truyền thống nước này, Boca Juniors và River Plate. Malia, con gái lớn của Tổng thống Obama còn có một chiếc áo đấu đội tuyển Argentina do chính siêu sao Lionel Messi kí tặng.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Obama và chuyện các Tổng thống Mỹ yêu thể thao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO