Phát huy vai trò đầu tàu trong xây dựng nông thôn mới của Vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ
(Baonghean.vn) - Phát biểu kết luận và chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận những kết quả xây dựng nông thôn mới của vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ rất ấn tượng và toàn diện; thời gian tới cần tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu của cả nước.
NHIỀU MỤC TIÊU VỀ ĐÍCH TRƯỚC HẸN
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và 09 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, đến nay, cả nước đã có 4.475 xã (chiếm 50,26% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, có 84 đơn vị cấp huyện thuộc 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chiếm khoảng 12,65% tổng số huyện, thị xã, thành phố của cả nước) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; bình quân toàn quốc đạt 15,26 tiêu chí/xã và cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí.
Như vậy, chúng ta đã hoàn thành các mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 sớm hơn 18 tháng so với Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra và kế hoạch Quốc hội giao. Đây chính là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG quyết định tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 ngay trong năm 2019 (sớm hơn 01 năm so với kế hoạch), dành toàn bộ năm 2020 để nghiên cứu ban hành nội dung, khung khổ pháp lý triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020.
Để chuẩn bị tốt cho Hội nghị tổng kết toàn quốc (dự kiến đầu tháng 12/2019 tại tỉnh Nam Định - PV), thì cần phải tổ chức tổng kết sâu theo từng vùng, miền để đánh giá thật kỹ những kết quả đã đạt được, rút ra những bài học kinh nghiệm thành công, chỉ ra những hạn chế cần khắc phục, xác định các mục tiêu, giải pháp xây dựng nông thôn mới cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, miền, từ đó, xác định được mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát chung cho Chương trình xây dựng nông thôn mới của cả nước giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030.
Vì thế, Hội nghị tổng kết Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn 2010-2020 (đã tổ chức đầu tháng 8) và hôm nay là Hội nghị tổng kết Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ giai đoạn 2010-2020 có vai trò hết sức quan trọng để đánh giá sâu kết quả của từng vùng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm các gian hàng giới thiệu sản phẩm nông thôn mới của các địa phương. Ảnh: Đức Anh |
Chia sẻ tại hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mỗi vùng có những điều kiện khác nhau, thậm chí mỗi tỉnh, thành có điều kiện xuất phát điểm khác nhau. Nếu như các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Hồng có điều kiện thuận lợi nhất cả nước, thì các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ (nhất là các địa phương vùng núi, bãi ngang ven biển ở tất cả các tỉnh; các xã, thôn/bản ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An), gặp rất nhiều khó khăn khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới và thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai khắc nghiệt.
Tuy nhiên, sau 09 năm triển khai thực hiện, với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của cấp ủy, chính quyền các cấp, các lực lượng xã hội, nhất là phát huy sức sáng tạo, tinh thần cộng đồng của nhân dân, vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng vào kết quả chung của cả nước.
Đến hết tháng 7 năm 2019, toàn vùng có 2.386/3.474 xã (chiếm 68,7% số xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 47,58% so với cuối năm 2015), cao hơn nhiều so với mức đạt chuẩn của cả nước (50,26%); trong vùng, có 10/17 tỉnh, thành phố đã đạt và vượt mục tiêu phấn đấu đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao.
Bình quân tiêu chí/xã đạt 17,4 tiêu chí, cao hơn mức bình quân chung của cả nước; từ đầu năm 2018, cả vùng không còn xã dưới 05 tiêu chí; toàn vùng đã có 41 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (chiếm 48,8% tổng số đơn vị cấp huyện đã được công nhận của cả nước), trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng có 35 đơn vị (riêng Nam Định đã có 10/10 đơn vị cấp huyện được công nhận); toàn vùng hiện đã có 01 xã đã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu (xã Việt Dân, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh); 510 khu dân cư nông thôn được công nhận đạt nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó, riêng Hà Tĩnh có 290 khu, Quảng Ninh có 206 khu. Hà Tĩnh và Quảng Ninh cũng là hai tỉnh tiên phong của vùng cũng như của cả nước trong xây dựng vườn mẫu, đến nay Hà Tĩnh đã có 3.382 vườn mẫu, Quảng Ninh có 1.526 vườn mẫu (trong tổng số 4.913 vườn mẫu đã được công nhận của cả vùng).
Nông thôn mới đang có những bước chuyển biến tích cực |
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, những thành tựu đạt được trong xây dựng nông thôn mới của vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ là nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị các cấp. Kết quả của 09 năm xây dựng nông thôn mới đã giúp hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn của vùng hoàn thiện, đồng bộ và liên thông đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.
"Đặc biệt, vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ là nơi hội tụ những điểm sáng nhất, những sáng tạo đột phá nhất, những cách làm hiệu quả nhất về xây dựng nông thôn mới của cả nước trong những năm qua, là nơi khởi nguồn cho việc đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách mới đã và đang triển khai rất hiệu quả" - Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ghi nhận.
Phó thủ tướng dẫn chứng những cách làm hiệu quả ở cơ sở như: Chương trình mỗi xã một sản phẩm xuất phát từ Quảng Ninh; xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu xuất phát từ Hà Tĩnh; xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản ở những địa bàn khó khăn xuất phát từ Nghệ An, Thanh Hóa; công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xuất phát từ Nam Định,… và hiện nay, đang là nơi tìm tòi những vấn đề mới, làm tiền đề để nghiên cứu nội dung xây dựng nông thôn mới cho giai đoạn sau năm 2020.
TIẾP TỤC CÓ NHIỀU SÁNG KIẾN, CÁCH LÀM HAY ĐỂ NHÂN RỘNG
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng lưu ý những tồn tại cần phải khắc phục trong thời gian tới. Đó là: Kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các tỉnh, thành phố trong vùng có sự chênh lệch khá lớn, trong khi Nam Định có 100% số xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới và nhiều tỉnh, thành phố có trên 80% số xã đạt chuẩn (Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội,...), thì một số tỉnh vẫn còn mức dưới 50% số xã đạt chuẩn (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình).
Một số tỉnh, mức đạt được các mục tiêu vẫn còn tương đối thấp so với khu vực và so với cả nước (Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế); thành phố Hải Phòng có nguồn lực và điều kiện thuận lợi, song đến nay là địa phương duy nhất của vùng Đồng bằng sông Hồng chưa có đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, mới có 64,03% số xã đạt chuẩn.
Để thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh Nghệ An đã có những chính sách mang tính đột phá nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực. Ảnh tư liệu |
Một số nơi, nông thôn thay đổi theo chiều hướng bê tông hóa, không giữ được bản sắc và các giá trị truyền thống của vùng thôn quê đặc trưng; do mật độ dân số cao, vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đang chịu sức ép lớn của ô nhiễm môi trường. Bên cạnh lượng chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của cư dân nông thôn, đây còn là địa bàn tập trung gần 300 khu công nghiệp, hơn 600 cụm công nghiệp và nhiều làng nghề với lượng chất thải lớn, nhiều nơi đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống người dân.
Ngoài ra, tình hình an ninh, trật tự xã hội chưa thực sự bền vững, trong đó, các vụ trọng án phức tạp có xu hướng gia tăng và chưa được kiềm chế triệt để; tại một số địa phương, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững và vẫn còn để xảy ra tình trạng tái nghèo; một số nơi có biểu hiện hài lòng với kết quả đã đạt được, phong trào xây dựng nông thôn mới có dấu hiệu chững lại trong thời gian gần đây; vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực của Trung ương, vẫn có nơi còn huy động quá sức dân trong xây dựng nông thôn mới,…
Trên tinh thần Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X): nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; nông thôn mới là căn bản; tái cơ cấu nông nghiệp là then chốt; người nông dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới, trong những tháng còn lại của năm 2019 và năm 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn, chỉ đạo triển khai thực hiện để đạt những mục tiêu cao hơn.
Video trích phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ. Clip Lâm Tùng |
Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân trong xây dựng nông thôn mới, với tinh thần: Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc, tránh tư tưởng thỏa mãn, tự bằng lòng, nhất là ở những xã, những huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới có thể dẫn đến sao nhãng công việc. Mỗi địa phương phải xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, trên cơ sở đó, phát huy dân chủ và vai trò chủ thể của các cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ cần phải tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu của cả nước, không ngừng đổi mới, đưa ra nhiều sáng kiến, cách làm hay để phổ biến, nhân rộng.
Mỗi địa phương phải thường xuyên rà soát từng mục tiêu, tiêu chí để có kế hoạch, lộ trình nâng chất các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng đảm bảo chất lượng, bền vững, nhất là các tiêu chí liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn...
Lãnh đạo Văn phòng Điều phối NTM Trung ương và tỉnh tham quan mô hình trồng rau sạch ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn. Ảnh: Xuân Hoàng |
Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các nông sản chủ lực ở địa phương; thúc đẩy liên doanh, liên kết hình thành chuỗi giá trị, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn; tiếp tục nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, trong đó, lấy sản xuất nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học, thân thiện với môi trường làm nền tảng gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch nông thôn; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP gắn với lợi thế của từng địa phương, nhằm góp phần gia tăng nhanh thu nhập cho người dân nông thôn.
Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ cần tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế nông thôn để góp phần đưa các tỉnh trong vùng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để đúc rút kinh nghiệm, phát huy hiệu quả nhân rộng toàn quốc.
Phải đẩy mạnh các tour, tuyến du lịch nông thôn mới gắn với các địa danh lịch sử, cách mạng cũng như các điểm nhấn về du lịch biển để tạo giá trị lan tỏa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch của từng địa phương. Từ đó, góp phần tăng nhanh số lượng du khách trong nước cũng như quốc tế đến thăm các vùng nông thôn để thực sự được trải nghiệm nông thôn bình yên, đáng sống của Việt Nam.
Một trong những phong trào được nhân rộng ở Nghệ An trong thời gian qua là xây dựng con đường hoa góp phần làm đẹp đường làng, ngõ xóm được nhiều địa phương thực hiện, mang lại cảnh quan môi trường nông thôn đẹp và thân thiện hơn. Ảnh: P.V |
Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn nông thôn; đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng không gian xanh ở nông thôn, nhất là đẩy mạnh phong trào trồng cây xanh bóng mát, trồng hoa trên các trục đường giao thông thôn, xã.
"Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu; đồng thời, tập trung nghiên cứu, đánh giá Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới cấp xã và cấp huyện, tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu hiện tại, từ đó tính toán điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo mức độ phù hợp cho giai đoạn 2021 – 2025. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố cần khẩn trương chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2021 – 2025, trong đó xác định cụ thể nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới"- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý.