Phố Vinh ngày thu rất thật thu
(Baonghean.vn) - Khi ấy, phố bạc sương giăng trong ánh ngày vừa đỏ. Và hoa sữa nồng đến nỗi, tôi có cảm giác như chỉ cần đưa tay ra là nó ùa vào vào nằm im giữa những kẽ tay…
Có một góc để mà lắng dịu
“Xưởng” là một quán cà phê nhỏ nhắn nép cuối con đường cũng rất nhỏ nhắn của phố Vinh- đường Võ Thị Sáu. Bữa Thành – cậu bạn nhiếp ảnh gia - dẫn tôi tới đây, và quả quyết: Với một ngày thu rất thật thu thế này, chị nên đến với “Xưởng”. Ấy là nơi chị sẽ thấy rất bình yên. Bạn gái em vẫn thường đến đây, thậm chí chỉ ngồi một mình và…đọc sách.
Thành vẫn thường gọi vợ một cách âu yếm như thế: bạn gái. Cách đây vài ba tháng, cậu làm tất thảy mọi người ngạc nhiên và nghi ngờ khi quyết định cưới một cô gái mê sách, và có một “tâm hồn treo ngược cành cây”. Vợ cậu cũng ở trong trạng huống đó, một cô gái mộng mơ cuối cùng lại quyết định chung sống với “một con ngựa bất kham”, đầy “bụi bặm” là Thành. 2 cái mảnh ghép chênh vênh, cô độc giữa đời ấy, thế mà cuối cùng lại khớp nhau. Thành từng ví von, “như sách”, rằng: Những mùa hè nông nổi của đời mình đã qua, giờ là giai đoạn “thật thu” của cuộc đời để mà lắng dịu. Và may quá, mình đã chọn được một “bến đỗ” níu lòng mình chậm lại, tan ra…
Thành thường đưa vợ đến “Xưởng”, trong khi cậu hí hoáy chụp ảnh với những góc độc, lạ, xưa cũ của quán nhỏ này thì cô vợ thản nhiên duỗi chân dài trên ghế và cầm trên tay một cuốn sách mơ màng. Mùa này, ngồi ở đó, có thể ngắm trời xanh, ngắm những bụi hoa leo, chậu cây xinh xắn, những mảnh gỗ nho nhỏ treo lên với những câu thơ, châm ngôn nhí nhảnh, những bộ bàn ghế đóng ghép cũ kỹ, những tấm cánh cửa vương sơn, lọ hoa gốm với những bông hoa dại nhỏ bé im lìm trong bóng nắng, chú mèo nhỏ ngồi bên bậu cửa, tiếng gió heo may chở cơn lạnh cuối thu xạc xào trên vòm lá na đung đưa trước sân…
Thật bất ngờ khi Thành giới thiệu chủ quán với tôi. Ngọc Anh- cậu chủ quán có cái tên khá nữ tính còn rất trẻ, sinh năm 1992. Cứ nghĩ cái quán nhỏ này phải là của một người lớn tuổi, ưa hoài niệm mới phải. Càng bất ngờ hơn, khi chủ quán chia sẻ rằng: Em tin rằng, bất cứ ai trong chúng ta cũng đã từng có một giấc mơ mở một cái quán nhỏ cho mình. Ấy là vì người ta mơ đến một cái góc để sống cho riêng những điều mình mong muốn. Em làm cái quán này, không phải theo phong cách cụ thể nào, cũng không học hỏi ở ai, chỉ là em sắp xếp, sáng tạo chúng theo cách mà em muốn, em nghĩ. Điều em yêu là sự bình yên và em tạo ra cái không gian bình yên ấy cho mình.
Nhà em ở tít tận Quán Bánh, nhưng năm ngoái, mùa thu, em có dịp đi qua nơi này. Trước đây, nó cũng là cái quán cà phê, nhưng người chủ cũ lại kiến tạo theo kiểu khác. Nhưng khi vào ngồi ở chốn này thì em biết mình đã thuộc về nó, vì cảm giác mà nó mang lại đúng như mình từng…mơ. May quá, người chủ cũ muốn bán lại, và em đã mua nó. Ở đây, chị có thấy không, thành phố của ta bỗng thật dịu dàng. Quán vẫn đông các bạn trẻ, nhưng khẩu hiệu của quán luôn được tuân thủ “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”. Những chiều, nhóm các bạn yêu nhạc vẫn thường qua lại, họ ngồi đánh ghi ta, và hát những bản nhạc thật trong veo, mà da diết của Lê Cát Trọng Lý chẳng hạn. Em ngồi nhìn họ, nhìn phố, thấy cuộc đời đáng yêu lắm, chị!.
Và Thành, cũng tâm sự rằng, có những bữa đưa vợ tới đây, cô ấy mải mê với không gian hay với những cuốn sách đến nỗi quên cả sự hiện diện của anh chàng. Ban đầu, anh chàng cũng giận dỗi, nhưng rồi, anh chợt thấy, được ngắm cô nàng mê sách của mình chìm đắm với thế giới rất riêng của cô ấy cũng có những nét thật thú vị. Tôi chợt vỡ nhẽ, à, ra thế, tìm đến một góc quán quen, còn chứa ẩn trong đó ít nhiều đồng cảm. Phố Vinh của tôi, yêu là thế, khi mà có những nơi chốn, người ta đến để lắng mình và…ngắm nhau.
Khi mỗi người là một giai điệu
Ca sỹ Minh Thu đã hát rất hay bài hát ấy “Hà Nội và em khi thu chớm đông sang”, nhưng phố Vinh của tôi cũng có bao nhiêu người đang hát bài hát ấy, với giai điệu của riêng mình. Như Hùng – một “thợ câu” chẳng hạn. Anh nói có thể ngồi buông câu cả ngày trên hồ cá Cửa Nam. Hồ cá, nhà nổi lâu ngày bỏ hoang với cột sắt hoen rỉ. Mặt nước lặng, nhưng có ngày xao động bởi heo may. Những cây xà cừ quanh đó rụng đầy lá vàng. Những bụi xuyến chi gọi lũ chuồn chuồn ngơ ngác đến. Hùng bảo, đi câu, cũng như cái thú của kẻ “săn mồi” nhưng có nhiều khi Hùng quên đi cái “thú” ấy, mà lại thả mình vẩn vơ vào cái yên ắng, tĩnh lặng nơi này. Vừa mến yêu, vừa tiếc nuối. Mến yêu cái chốn tĩnh lặng hiếm có giữa lòng phố, nhưng tiếc nuối vì lẽ ra nó phải được cải tạo thật đẹp thành một khu vui chơi, vãn cảnh. Hùng không biết, cái dáng ngồi lặng yên như một pho tượng bên mặt hồ trưa hôm ấy đã vẽ lên trong tôi một bức tranh về ngày cuối thu. Hoặc có thể nói, nó như một nốt lặng trong bản đàn dịu dàng mùa thu phố Vinh của tôi.
Hay như chị Thúy. Chị người Hưng Nguyên, ngồi ở vườn hoa Cửa Nam cùng với nhiều người bạn “đồng nghiệp” khác, những ngày nông nhàn ra phố kiếm thêm bằng nghề quét dọn, phụ việc. Thúy ngồi dưới những bóng cây xà xừ, trong cái áo bảo hộ lao động chị mua ở quầy hàng phố Lê Lợi, trước mặt là cái xe đạp buộc gọn ghẽ “đồ nghề” là mấy cái rổ sảo, cái xẻng, đôi găng tay cao su và đôi găng vải, cái liềm cắt cỏ…. Trong lúc chờ người cần việc, Thúy cùng các chị khác rổn rảng kể chuyện chồng con. Có người gọi thuê, Thúy tất tả đạp xe đi, cái áo lấm mồ hôi ngược cơn gió trưa, nụ cười lấp lánh ánh sáng còn vương lại sau những bóng cây xanh rười rượi.
Bên bờ Hồ Goong có một người thợ sửa khóa tên Hùng đã làm nghề này tới 38 năm. Ông nói, ông yêu cái góc này của mình vô cùng. Cái góc mà mỗi chiều như thế này, nắng lại soi lên gương mặt ông và chùm chìa khóa treo lúc lắc trước quầy hàng nho nhỏ một nỗi ấm áp, dịu vàng. Ông bảo nơi này đẹp nhất thành phố khi Thu về.
Cứ nhìn mà xem kìa, ngay dưới chỗ ông ngồi là cây phượng đang rụng những chiếc lá như những đốm nắng li ti. Cỏ dưới chân thì xanh lắm. Mặt hồ như có sương biếc với chiếc thuyền thiên nga bềnh bồng trắng như đang quên ngủ giữa làn nước. Ven hồ, liễu mềm rủ bóng thướt tha. Có những bông liễu đỏ còn sót lại lả lướt cháy rực lên trong ráng chiều. Cứ quãng 4 rưỡi, 5 giờ là người ta đi thể dục ven hồ đông lắm nhé! Từ đứa trẻ 2 tuổi theo ông bà, cha mẹ ra hóng mát chơi đùa, đến thanh niên, trung niên và cả những người già chống gậy đi bộ.
Ông thợ sửa khóa tên Hùng say mê kể về góc phố thu của ông, trong lúc đôi tay vẫn luôn việc đánh khóa. Ông nói, tuy mỗi chiều chỉ lướt qua nhau thôi, nhưng mà ai cũng quen mặt, ai cũng trở nên thiết thân. “Như ông lão kia chẳng hạn. Ông ấy tai biến mấy năm nay, nhà ở đường Trần Phú, vậy mà chiều nào cũng chống ba toong ra đứng dạo ven hồ một hồ”.
Hóa ra, ông lão vẫn chống ba toong ra hồ mỗi chiều lại là người gốc Bắc. Ông là Độ, người Nam Định, lấy vợ phố Vinh và vào đây định cư từ năm 1975. Vợ chồng ông không có con, đang sống cùng cháu họ. Ông nói, trải qua bao nhiêu những buồn vui đời người, điều mong mỏi cuối cùng chẳng phải là sự bình yên này sao? Mỗi chiều, ông rời những bức tường của căn nhà quen thuộc để lững thững cùng cây ba toong ra với hồ. Ấy là phút ông muốn hòa mình vào phố.
Ông chậm rãi từng bước trên những viên gạch lát đường. Ông đi qua cây ngô đồng mùa này lá rụng ngay góc phố nhà mình. Đi qua đường Trường Thi, nơi Quảng trường Hồ Chí Minh, và ngước nhìn cái bông bằng lăng tím cuối cùng còn sót lại trên một nhánh cây và kỳ lạ bởi cái sự muộn nở, sự dẻo dai của nó: “Có lẽ nó là bông bằng lăng cuối cùng còn lại của thành phố”- ông tự nói với lòng mình như vậy. Rồi ông đi một vòng dưới những hàng cọ, vòng sang đường Phan Đăng Lưu lối ven hồ. Ông trò chuyện với mấy ông lão cởi trần, mặc may ô đi thể dục, hay mấy anh con trai đang câu cá ven hồ, cúi xuống mỉm cười với cậu bé 4 tuổi đang rướn người đạp chiếc xe 3 bánh với nỗi háo hức. Ông bảo rằng, mình còn được nhìn thấy cuộc sống này đang trôi, nhìn thấy mặt trời đang tỏa bóng, thấy màu đỏ bông liễu buông trên mặt hồ xao động này, ấy là may mắn, hạnh phúc rồi. Mọi muộn phiền như nhẹ nhàng hơn trong lòng…
Và tôi cũng thế, trò chuyện với ông, hay với Thành, với ông chủ cà phê Ngọc Anh, với chị cửu vạn vườn hoa Cửa Nam, với anh thợ câu…cũng đều để nhận ra những phút lắng lòng chậm rãi cần thiết biết mấy giữa ồn ã phố xã thường ngày. Tôi cũng nghĩ như Thành vậy, trời đất cho ta những ngày “thu rất thật thu” như thế, để có thể tự nhận ra chính mình, tự nhận ra nhau, để yêu thương hơn cuộc sống và yêu thương hơn nơi chốn mà mình đang nương tựa…
Cảm ơn nhé, những ngày thật thu trên phố Vinh của tôi!