Phỏng vấn cổng chốt ngày cuối tuần về Sông Lam Nghệ An
(Baonghean.vn) - Với người dân xứ Nghệ, bóng đá đã trở thành món ăn cuối tuần không thể thiếu được. Các trận đấu đỉnh cao của SLNA luôn được coi là “lễ hội của mọi lễ hội”, cao điểm có lúc tập trung 3 vạn người đội nắng mưa đến sân Vinh cổ động cho các cầu thủ. Ngày 28/2/2016 tới đây, CLB SLNA tròn 37 tuổi.
Có một khán giả trung thành suốt gần 4 thập kỷ qua, chứng kiến mọi buồn vui của đội bóng, đó là bác Cổng Chốt, người đứng sừng sừng cạnh sân Vinh. Chúng ta hãy cùng nhân chứng lịch sử đi ngược dòng thời gian để hiểu thêm về đội bóng thân yêu.
PV: Với tư cách là nhân chứng sống, xin ông hãy nói ngắn gọn về đội bóng SLNA suốt 37 năm qua?
Cổng Chốt: Cho đến nay là đội bóng duy nhất không lùi (xuống hạng) của bóng đá Việt Nam. Với 3 lần vô địch quốc gia, 4 lần đoạt Siêu Cúp Việt Nam và 2 Cúp Quốc gia và vô số lần vô địch các giải trẻ. Về thành tích vô địch quốc gia thì đứng sau Thể Công (5 lần), CSG và Becamex Bình Dương (4 lần), bằng SHB.ĐN (cùng 3 lần)…
Cổng chốt - thành cổ Vinh. |
PV: Một kỷ lục rất ngạc nhiên?
Cổng Chốt: Khách quan mà nói quá trình phát triển SLNA cũng gặp không ít trắc trở. Tiền thân của CLB từ nhóm chiến sĩ đá bóng thuộc BCH quân sự tỉnh đội Nghệ An ra đời từ 1973. Đến năm 1979, khi giải bóng đá quốc gia được thành lập ngày 28 tháng 2 năm 1979, đội bóng được chính thức được Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ Tĩnh chuyển về Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh quản lý và quyết định đổi tên thành Đội bóng đá Sông Lam.
Những năm đầu thành lập, thi đấu cũng khá lận đận, Giải bóng đá A1 toàn quốc lần thứ VIII hay giải bóng đá A1 toàn quốc 1989 thì cùng QN-ĐN, đội SLNT được đặc cách thăng hạng đội mạnh (do giai đoạn 2 bận đi đấu tại Lào).
Mùa giải vô địch 1990, 4 đội CNXD Hà Nội, Sông Lam Nghệ Tĩnh, Tiền Giang và Dệt Nam Định bị xuống hạng A1. Tuy nhiên, sau giải LĐBĐVN vẫn quyết định cả 4 đội này vẫn được ở lại giải các đội mạnh, còn Dệt Nam Định do rượt đánh trọng tài Nguyễn Thu trong trận gặp SLNT nên bị xuống hạng và cấm thi đấu 1 năm.
Mùa Giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam 1991, SLNT phải thi đấu chung kết ngược với đội Long An và may mắn trụ hạng nhờ thắng trong loạt đá luân lưu. Sau giai đoạn này, đội bắt đầu thi đấu khởi sắc dần dần và trở thành một thế lực của bóng đá Việt Nam như hiện nay.
PV: Những cầu thủ nào của SLNA khiến ông ấn tượng nhất?
Cổng Chốt: Tiền vệ Phan Thanh Tuấn, trung vệ Hữu Thắng và tiền đạo Văn Quyến. Họ thực sự là những cầu thủ có khả năng thiên bẩm, đạt đến đẳng cấp quốc gia và phải rất lâu trên sân cỏ Việt Nam mới xuất hiện được một vài người như thế.
PV: Còn ngoại binh?
Cổng Chốt: Tiền vệ Iddi Batambuze (14-SLNA). Không chỉ ở góc độ CLB, mà theo tôi đây là một trong những tiền vệ hiện đại mà bóng đá Việt Nam đã may mắn có được. Anh ta công thủ toàn diện, đá bóng cả hai chân, di chuyển khắp mặt không biết mệt mỏi, ngoài tài làm bóng còn có khả năng ghi bàn. Lối đá cực kỳ máu lửa, rất phù hợp với SLNA…
PV: Thế còn trên cương vị HLV?
Cổng Chốt (cười): Không ai khác đó chính là HLV lão làng Nguyễn Thành Vinh, xuất phát điểm không thuận lợi như người khác nhưng bằng khả năng tự học ông đã làm rạng danh bóng đá Nghệ.
PV: Vậy nhân dịp sinh nhật lần thứ 37 của đội bóng, chúng ta hãy thử cùng nhau đưa ra đội hình tốt nhất của SLNA?
Cổng Chốt: Một ý kiến hay, theo tôi thủ môn Võ Văn Hạnh, hàng hậu vệ sẽ là Đình Nghĩa, Huy Hoàng, Hữu Thắng, Văn Sĩ Sơn, hàng tiền vệ sẽ gồm Phan Thanh Tuấn, Phi Hùng, Iddi Batambuze, hàng tiền đạo sẽ gồm Enock Kyembe, Văn Quyến và Nguyễn Văn Dũng. Sỡ dĩ tôi chọn đội hình 4-3-1-2 vì tôi muốn mọi người nhắc đến một tiền đạo gốc Nam Định là nắm giữ các kỉ lục là vua phá lưới nhiều lần nhất: 4 lần (1984, 1985, 1986, 1998); là vua phá lưới nhiều tuổi nhất (35 tuổi năm 1998) đã vác giày vào sân Vinh (1991). Ngoài vị trí thủ môn, bạn nên nhớ rất ít cầu thủ tỉnh khác có thể hòa nhập được với các cầu thủ xứ Nghệ nhưng Văn Dũng là mẫu cầu thủ đàn anh đúng nghĩa.
Thực ra, sẽ còn những cái tên như Lê Văn Lưu, Văn Sĩ Hùng, Quốc Vượng hay Công Vinh cũng hoàn toàn xứng đáng để được nhắc đến nhưng đội hình ra sân chỉ gồm 11 người.
PV: Thế hệ trẻ hiện nay có thể sẽ hơi bất ngờ khi ông nhắc đến Đình Nghĩa, một hậu vệ phải?
Cổng Chốt: Đây chính là cựu trọng tài Nguyễn Đình Nghĩa, hiện là Phó Giám đốc điều hành CLB, anh ta là một hậu vệ thi đấu khá quái, dù vẫn thiên về sức mạnh. Tôi còn nhớ các cầu thủ CSG như Tư Lê, Thòn, Thà…nhỏ con, kỹ thuật cá nhân điêu luyện, hay lòn nách các hậu vệ biên nhưng gặp Đình Nghĩa là ngại.
Nói đến anh ta, tôi cũng có thắc mắc là tại sao xứ Nghệ sản sinh ra rất nhiều cầu thủ nhưng khi treo giày rất ít người theo nghề trọng tài? Hình như họ hiểu quá nhiều về những điều trớ trêu của sân cỏ và một phần là do không có người đỡ đầu để vào nghề. Đây cũng là thiệt thòi cho CLB SLNA…
PV: Điều ông nuối tiếc nhất khi nhắc đến quá trình phát triển của SLNA?
Cổng Chốt: Không phải tôi mà nhiều người còn tiếc mãi về lứa U16 của HLV Thịnh “bạc” gồm khá nhiều cẩu thủ lò SLNA tham dự VCK Châu Á năm 2000 tại Đà Nẵng những cái tên như Văn Quyến, Như Thuật, Lâm Tấn. Theo tôi, về tài năng thì lứa cầu thủ này thậm chí còn được đánh giá cao hơn nhiều lứa Công Phượng, Văn Toàn của HAGL. Đến giờ, người Thái đánh giá cao về 3 cầu thủ Hồng Sơn, Hữu Thắng, Văn Quyến thì lò xứ Nghệ có 2. Nhưng điều đó vẫn không làm nguôi đi nỗi đau là không có ai bảo ban, bày vẽ cho một thế hệ tài năng của bóng đá Nghệ, để rồi…
PV: Trong 21 lần giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam được tổ chức, SLNA đang là đội bóng đứng đầu khi các cầu thủ của lò đào tạo xứ Nghệ đã 5 lần giành danh hiệu này, nhiều hơn bất cứ đội bóng nào?
Cổng Chốt: Tôi nhớ không nhầm thì đó là thủ môn Văn Hạnh (năm 2002) tiền đạo Văn Quyến (năm 2003) và tiền đạo Lê Công Vinh (2004, 2006, 2007). Nhưng câu chuyện tôi muốn nói hôm nay, không ai sống bằng quá khứ và niềm tự hào chỉ có được khi thế hệ sau phát huy hơn nữa những giá trị thế hệ cha anh đi trước đã tạo dựng nên.
+ Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này, chúng ta sẽ còn có dịp trao đổi nhiều hơn về những vấn đề liên quan đến sân cỏ.
N@T
TIN LIÊN QUAN |
---|