Quê hương khắc ghi lời Bác dạy

Mai Hoa 04/05/2019 06:17

(Baonghean) - Bên cạnh Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân; quê hương Nam Đàn còn vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi những bức thư và những lời căn dặn trong những lần về thăm quê nhà, hiện đang được xem như là Di chúc riêng để Đảng bộ và nhân dân quê Bác trăn trở, nỗ lực xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu...

Làm theo mong mỏi của Người

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, dù bộn bề việc nước, nhưng quê hương đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn “nghĩa nặng tình cao”. Hai lần về thăm quê và qua những bức thư gửi về quê nhà, Bác luôn dành cho quê hương sự động viên, gửi gắm, mong muốn quê hương tổ chức được phong trào thi đua ái quốc sôi nổi, rộng khắp, thiết thực, bền bỉ, làm cho Nam Đàn thành huyện kiểu mẫu và xã Nam Liên (Kim Liên ngày nay) thành xã gương mẫu và những xã khác của huyện Nam Đàn cũng như thế.

Quang cảnh thị trấn Nam Đàn. Ảnh: Thành Cường

Trong thư gửi đồng bào và cán bộ xã Nam Liên ngày 13/2/1962, Bác căn dặn “Tư tưởng bảo thủ là những sợi dây cột chân, cột tay người ta, ta phải vất nó đi. Muốn tiến bộ phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm. Trong việc này cũng như mọi việc khác, cán bộ, đảng viên và đoàn viên xung phong đi trước thì đồng bào sẽ tiến theo”. Bác cũng thường nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên đề cao dân chủ, lấy dân làm gốc, “tích cực thực hiện dân chủ với nhân dân hơn nữa”, hết sức chăm lo cho đời sống nhân dân…

Những gửi gắm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quê hương được các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Nam Đàn, xã Kim Liên coi là di chúc riêng của Người dành cho quê hương. Chính vì vậy, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, bên cạnh việc thực hiện Di chúc của Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân và những căn dặn cho Đảng bộ, nhân dân Nghệ An, huyện Nam Đàn và xã Kim Liên luôn trăn trở, nỗ lực, sáng tạo nhằm thực hiện điều Người mong muốn, làm cho Nam Đàn thành huyện kiểu mẫu, các xã trong huyện đều gương mẫu.

Đường về xã Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh tư liệu

Không thể phủ nhận vẫn còn một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên, người dân còn có tư tưởng bảo thủ, trông chờ; còn lại vẫn luôn ý chí nỗ lực vươn lên đưa phong trào địa phương phát triển ngày càng cao.

Đồng chí Phan Văn Cảnh - Bí thư Đảng ủy xã Kim Liên

Minh chứng cho khẳng định của mình, Bí thư Đảng ủy xã Phan Văn Cảnh cho rằng, việc hỗ trợ từ Nhà nước và các doanh nghiệp lâu nay ở địa phương cũng chỉ tập trung cho những công trình lớn như trụ sở, nhà văn hóa xã, trường học, trạm y tế; cơ bản còn lại như việc nâng cấp, chỉnh trang hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kênh mương, nhà văn hóa xóm, hệ thống chiếu sáng cắt đóng tự động trong từng khu dân cư; hệ thống tuyên truyền, di dời các cột điện nằm trên đường do mở rộng GTNT, chỉnh trang lưới điện…, đều từ sức dân mà nên, thông qua thực hiện tốt quy chế dân chủ, phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Về Kim Liên hôm nay, cảnh quan đã có nhiều khởi sắc và trong các khu dân cư đang dấy lên phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu về đích vào năm 2020. Chủ tịch UBND xã - đồng chí Trần Lê Chương, chia sẻ, khó khăn nhất hiện nay ở Kim Liên là xây dựng ý thức giữ gìn môi trường. Hiện tại, địa phương và các khu dân cư đang tập trung tuyên truyền, vận động nhằm tạo bước chuyển hành động trong nhân dân, không thể để cơ sở hạ tầng đồng bộ mà lại nhếch nhác do ý thức xả rác bừa bãi của người dân.

Mô hình vườn chuẩn nông thôn mới ở Kim Liên, Nam Đàn. Ảnh tư liệu

Cùng với đó, xã đang tập trung khuyến khích nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Hiện tại trên đồng đất Kim Liên, ngoài cây lúa, cây ngô, lạc truyền thống đã xuất hiện một số mô hình trồng dưa lưới, trồng hoa và rau sạch, cây ăn quả, như hộ ông Chu Anh Hùng (xóm Sen 1), hộ ông Biện Văn Thao (xóm Mậu 6), hộ ông Phạm Đức Bình (xóm Mậu 6)…

Địa phương cũng đã thành lập Hợp tác xã Sen quê Bác để phát triển diện tích trồng sen gắn với nghiên cứu tạo ra các sản phẩm từ sen và hiện đã mở rộng thêm 12 ha sen. Đây là hướng đi mới của Kim Liên, gắn với khuyến khích các hộ dân phát triển các loại hình dịch vụ ăn uống, lưu trú có quy mô và chất lượng tốt, phục vụ du khách về quê Bác…

Xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu

Kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm thực hiện Di chúc của Người, ở mỗi địa phương trên quê hương Bác đang tiếp tục dấy lên ý chí, sự nỗ lực và sức mạnh đoàn kết để xây dựng quê hương phát triển. Xã Nam Kim, nằm ở phía Nam của huyện, tiếp giáp với huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh), điều kiện tự nhiên và xã hội đều không thuận lợi, song nhờ phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, địa phương này cũng đã, đang có bước phát triển đồng đều so với các địa phương khác trong huyện.

Sản xuất nông nghiệp,tiểu thủ công nghiệp ở Nam Đàn phát triển theo hướng công nghệ. Ảnh tư liệu

Đồng chí Phạm Quyết Thắng - Bí thư Đảng ủy xã Nam Kim cho biết: Với lợi thế đất đồi núi và cây chanh là cây trồng chủ lực với hơn 200 ha, địa phương đang xúc tiến thành lập HTX Chanh để tạo chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản và tiêu thụ, xây dựng thương hiệu chanh Nam Kim.

Gắn với đó là khuyến khích nhân dân, mở rộng quy mô, phát triển chăn nuôi gà thả đồi với hơn 30 mô hình có quy mô hàng trăm gà thả đồi kết hợp chăn nuôi lợn; xây dựng mô hình sản xuất 70 ha giống lúa hàng hóa bắc hương 9; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp về tuyển dụng lao động vào là tại các nhà máy, xí nghiệp trong, ngoài tỉnh để nâng cao thu nhập cho người dân và hiện hộ nghèo của xã chỉ còn 1,88% đều rơi vào người già cả cô đơn hoặc ốm đau không có sức lao động.

Sau đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2016, Nam Kim tiếp tục đặt ra mục tiêu nâng cao các tiêu chí, trong đó tập trung ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đồng chí Phạm Quyết Thắng - Bí thư Đảng ủy xã Nam Kim

Địa phương cũng đang tiếp tục phát huy vai trò các tổ tự quản ở các khu dân cư để tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục hiến đất, tháo dỡ tường rào, công trình kiên cố không lấy đền bù, để nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông nông thôn, từ 3 - 4 m lên 5 - 6m, đảm bảo 2 làn xe ô tô di chuyển. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, nhân dân tiếp tục hiến hơn 3.000 m2 đất và tự tháo dỡ và xây dưng mới 5.000m tường rào và 30 công trình kiên cố.

Xã Nam Cát, Nam Đàn. Ảnh tư liệu

Theo đồng chí Vương Hồng Thái - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Đàn, để xây dựng huyện trở thành huyện kiểu mẫu theo Quyết định số 17/QĐ-TTg, ngày 4/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án thí điểm “Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018 - 2025”, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị từ huyện đến cơ sở đang tiếp tục phát huy cao độ tinh thần đoàn kết thống nhất từ ý chí đến hành động; phát huy dân chủ, khơi dậy sức mạnh đoàn kết, trí tuệ, vai trò chủ thể của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, từ việc đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế đến việc tạo dựng nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa, xây dựng cốt cách, nét đẹp riêng của những con người trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quê hương khắc ghi lời Bác dạy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO