Quỳ Hợp - thức dậy tiềm năng điểm đến

Đình Sâm 18/04/2023 07:00

(Baonghean.vn) - Cảnh sắc, con người và những di sản tinh thần được bồi đắp qua thời gian với những câu chuyện sinh động đang được Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Quỳ Hợp biến thành khát vọng đưa huyện nhà ghi tên lên bản đồ du lịch xứ Nghệ... 

Thị trấn huyện lỵ Quỳ Hợp với hồ Thung Mây nổi tiếng. Ảnh: TL

Khát vọng và quyết tâm

Chúng tôi về lại Quỳ Hợp khi ở đây đang là cả một không khí náo nức đón chờ sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập huyện. Trong câu chuyện với các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, có biết bao nhiêu là điều mới mẻ, tâm đắc; ví như chuyện địa phương đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/HU, ngày 25/10/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXI, về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thu hút đầu tư, phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (từ đây gọi là Nghị quyết 15-PV).

Lãnh đạo huyện Quỳ Hợp thăm mô hình sản xuất công nghệ cao trên địa bàn huyện. Ảnh: P.V

Từ lâu, những Thung Mây, Mường Choọng, Bản Vi, Châu Quang,... là những địa danh đầy lôi cuốn khi nói tới Quỳ Hợp - vùng đất dày dặn giá trị văn hóa - lịch sử. Và từ năm 2001, Quỳ Hợp đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cùng tỉnh Nghệ An chọn xây dựng huyện điểm văn hóa miền núi và dân tộc thiểu số của cả nước.

Trong "cẩm nang" quảng bá tiềm năng du lịch của huyện cũng từng ghi: Quỳ Hợp là nơi nghỉ ngơi, giải trí, nghiên cứu khoa học hết sức lý tưởng cho du khách với cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái đặc biệt hấp dẫn. Hệ thống cảnh quan với địa hình đồi núi, sông sâu, ghềnh thác là tiềm năng tốt để khai thác những tour - tuyến... Bên cạnh đó, khí hậu mát mẻ của Quỳ Hợp cũng làm nên một lựa chọn hấp dẫn trong những ngày nắng nóng.

Quỳ Hợp mời gọi còn bởi những dấu tích hào hùng như Bãi Tập được ghi vào lịch sử như là một căn cứ địa của Nghĩa quân Lam Sơn; có đền Cửa Troóng ở mường Chủng Láng (nay thuộc xã Yên Hợp) thờ nghĩa quân Lam Sơn hi sinh trong trận phục kích diệt quân Minh sau chiến thắng Bồ Đằng "sấm vang chớp giật"; đền Làng Sòng ở xã Văn Lợi thờ một vị tướng người Thổ, đền Bản Lè thờ một cô gái người Thái đều là những những gương tiết liệt đã hi sinh khi về dưới cờ nghĩa Lam Sơn chống giặc ngoại xâm được lưu truyền mãi trong dân gian...

Thức dậy tiềm năng du lịch là để Quỳ Hợp tự tin hơn trên đà phấn đấu trở thành huyện khá nhất vùng Tây Bắc của tỉnh. Với tài nguyên thiên nhiên vốn có, Quỳ Hợp có thể đột phá để "giàu" lên trong một giai đoạn cụ thể, nhưng để "đẹp" phải hướng đến những phương án phát triển bền vững. Du lịch vì thế là một trong những phương án được chọn!

Chế biến bột đá siêu mịn tại huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Vẫn đó những tiềm năng, thế mạnh tài nguyên đá trắng, công nghiệp mía đường, sản phẩm cam Vinh... mà đều vững tầm “thủ phủ”. Nhưng rồi đây, Quỳ Hợp sẽ dần trở thành địa chỉ hút khách phương xa bằng sôi động, phong phú điểm đến mà trong đó có trải nghiệm nghề chế tác sản phẩm mỹ nghệ từ đá trắng, trải nghiệm sinh thái những vườn cam, ghé nhà máy đường như một chiêm nghiệm thú vị về một cơ sở công nghiệp chế biến tầm cỡ nhất miền Tây xứ Nghệ của nhiều thập niên về trước.

Điều đó hẳn là không thể dừng ở “khát vọng”, mà đã dần được hiện thực hóa qua 1 năm triển khai Nghị quyết 15, được cụ thể hóa qua những kế hoạch, đề án. Hiện nay đã có 1 doanh nghiệp đang làm thủ tục xin cấp phép xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm làng du lịch Cam Vinh sinh thái tại xã Minh Hợp. Một doanh nghiệp khác đang xin chủ trương xây dựng khu du lịch sinh thái tại thác Bản Bìa ở xã Châu Lý. Những khởi động trước đó của các điểm đến này dù đang là thử nghiệm đã đón hàng nghìn lượt khách mỗi năm; có cả khách nước ngoài như Mỹ, Nhật, Hà Lan, Singapore…

Mô hình trồng cam chất lượng cao được nhân rộng tại huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Trao đổi của các đồng chí lãnh đạo huyện cho biết thêm, Quỳ Hợp đã xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 15 như công tác quy hoạch, khảo sát một số điểm di tích, danh thắng: Hang Bản Vực ở xã Châu Lý, đập Bản Mồng ở xã Yên Hợp, đồi chè ở xã Minh Hợp, mó nước ở xã Nghĩa Xuân. Và thật vui khi đã hình thành được một bản du lịch cộng đồng (về trước kế hoạch 1 năm).

Cùng với đó, là những nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn huyện; phối hợp xây dựng các sản phẩm OCOP... để dần hình thành các sản phẩm đặc sản phong phú, đa dạng phục vụ dịch vụ du lịch.

Sản phẩm OCOP của HTX Nông dược Tĩnh Sáng Đường (Quỳ Hợp). Ảnh: Hoàng Vĩnh

Điểm lại thời gian qua, hơn 20 năm kể từ khi Quỳ Hợp được chọn xây dựng huyện điểm văn hóa miền núi và dân tộc thiểu số của cả nước, đến nay, bên cạnh những kết quả đạt được, Đảng bộ, và chính quyền Quỳ Hợp có thể đã “tự soi” để nhận thấy, lúc này, lúc kia vì chú trọng phát triển “nóng” một số lĩnh vực kinh tế, đã chưa thực sự vận dụng được vinh dự và trọng trách đó.

Bởi thế, với bước đi căn bản, chủ động bằng việc ban hành Nghị quyết 15 và tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm phát triển du lịch đã được gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa, như là một sự “bù lấp” cho những hạn chế nhất định của những giai đoạn phát triển vừa qua. Đó là UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản để bảo tồn các di tích lịch sử, danh thắng và bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn, như tổ chức hội thảo về phục dựng đền Dinh, xã Tam Hợp; đền Le, xã Châu Quang; đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao và UBND tỉnh xếp hạng Di tích Lịch sử đền Mó, xã Nghĩa Xuân và đền thờ Tạo Nọi, xã Châu Cường.

Từng là địa phương được chọn tổ chức đăng cai nhiều hoạt động văn hóa lớn của tỉnh như Chương trình “Đêm hội sắc Xuân miền Tây”, “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4)”, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cộng đồng các dân tộc được đẩy mạnh từ cơ sở; đến nay, triển khai thực hiện Nghị quyết 15, huyện Quỳ Hợp đã chỉ đạo xây dựng thêm 1 mô hình Câu lạc bộ Văn hóa dân gian dân tộc Thổ cấp tỉnh, mô hình Văn hóa dân gian dân tộc Thổ xóm Đột Mả và xóm Mó, xã Nghĩa Xuân cấp huyện, 3 mô hình văn hóa dân gian dân tộc Thái và dân tộc Thổ tại các xã Châu Cường, Nghĩa Xuân, Minh Hợp. Hàng chục câu lạc bộ văn hóa dân gian ở các xã, thị trấn được duy trì hoạt động, tự tin tham gia các hội diễn, liên hoan và giành nhiều giải thưởng...

Homestay Choọng Bùng

Bốn phía Thung Mây - con hồ nổi tiếng giữa lòng thị trấn Quỳ Hợp đang náo nhiệt không khí chỉnh trang nâng tầm công viên phục vụ sự kiện lớn sắp tới của huyện, khiến chúng tôi nghe theo lời khuyên của các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, là chờ đến ngày hoàn thành các hạng mục, về chung vui với huyện hẵng thưởng ngoạn xem đêm Thung Mây lung linh, thơ mộng dường nào. Để vui, để nhớ Quỳ Hợp thì có biết bao cái mới mẻ để đến, để trải nghiệm đó thôi!

Đền Choọng - một điểm đến tâm linh nổi tiếng ở Châu Lý. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Ấy là huyện đã chỉ đạo xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ở Làng Văn hóa bản Choọng Bùng, xã Châu Lý với các homestay đầu tiên trên địa bàn huyện. Châu Lý xa xôi đã là quá vãng, giao thông phát triển với con đường rải nhựa rộng rãi nối từ thị trấn huyện lỵ để về Châu Lý chỉ mất khoảng vài chục phút chạy xe.

Nhiều năm lại nay, Châu Lý với di tích đền Choọng được phục dựng công phu, bề thế, cùng với lễ hội hàng năm đã trở thành một điểm đến tâm linh nổi tiếng đậm màu huyền sử gắn với sự tích Nàng Tóc Thơm (Nang Phốm Hóm). Trên địa bàn còn có các danh thắng hang Bản Vực, thác Bản Bìa mà đang được khảo sát tiến tới đầu tư thành các điểm du lịch sinh thái; nhằm tạo quần thể trải nghiệm phong phú cho du khách khi về với Châu Lý - Mường Choọng.

Không gian homestay ở Choọng Bùng. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Xâm xẩm tối, chúng tôi được anh Cao Duy Thái - Bí thư Đảng ủy xã Châu Lý dẫn lên Làng Văn hóa bản Choọng Bùng. Bản với những nếp nhà sàn cổ của đồng bào Thái hiền hòa nằm bên dòng Nậm Choọng thao thiết chảy bao đời kể chuyện Nàng Tóc Thơm gội đầu rơi lược... Tóc nàng còn vương? Chỉ biết ở Choọng Bùng có bến nước để các chị, các mẹ lại ra hong tóc, gội đầu, cẩn trọng như một nghi lễ tưởng vọng người con gái Thái xinh đẹp được nghĩa quân Lam Sơn tin cậy giao phó đảm trách sứ mệnh chỉ huy việc gom góp lương thực nuôi quân nơi miền Tây Nghệ An thuở xa xưa.

Một tiểu cảnh bài trí độc đáo của một homestay ở Choọng Bùng. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Bên bến nước là bãi đất rộng đã được đầu tư san gạt dự định trở thành không gian sinh hoạt ngoài trời cho những đêm rượu cần, múa sạp, diễn xướng các loại hình dân ca Thái; bố trí các gian hàng bán đồ lưu niệm cho du khách như: váy áo, khăn piêu, xà tích, túi thổ cẩm, ép xôi, giỏ cá… và nhất là tổ chức phiên chợ vùng cao.

Những trang phục đặc sắc của phụ nữ Thái ở Choọng Bùng và không gian bếp ấm áp, mang đậm bản sắc vùng cao tại homestay. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Mọi công việc đang là khởi đầu, nhưng Choọng Bùng đã nên hình, nên dáng một khu dịch vụ du lịch văn hóa cộng đồng homestay bằng nỗ lực của người dân và sự đầu tư, hỗ trợ của các cấp chính quyền, với 3 hộ gia đình được lựa chọn làm mô hình. Chờ bữa cơm tối ở homestay anh Lo Văn Hoàng, chúng tôi tranh thủ “thăm” một ly rượu thơm ở homestay anh Lô Văn Phong, nếm món nem chua ghém lá dổi ở homestay anh Vi Văn Thành.

Khu vực bếp chế biến ẩm thực của một homestay ở Choọng Bùng. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Câu chuyện như cũng lên men với những dự định, tin tưởng cho tương lai phát triển với nhiều tín hiệu khả quan khi các homestay đã “kịp” đón hàng nghìn lượt khách về trải nghiệm không gian nhà sàn và các vật dụng truyền thống của đồng bào Thái được sưu tầm, bài trí công phu; thưởng thức các món ẩm thực hấp dẫn như cá mát nướng, thịt giàng, hò mọc, canh ột và các loại rau rừng chấm chẻo; hòa vào nếp lao động nghề dệt thổ cẩm và mây tre đan của người bản...

Các vật dụng truyền thống của đồng bào Thái được sưu tầm, bài trí công phu và Bằng khen, Giấy khen của các cấp trao tặng cho các hộ dân ở Choọng Bùng. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Đêm Choọng Bùng trong lành, giấc ngủ dần chìm sâu trong mường tượng âm vọng cuộc vui rượu cần, câu hát nhuôn, điệu khắp, lăm vông... Homestay Choọng Bùng một thoáng trải nghiệm, nhưng đã khiến cho chúng tôi tìm lại được chính mình dường như đôi khi bị “đánh mất” đâu đó giữa cuộc sống gấp gáp thường nhật.

Vĩ thanh

...Hướng đi đã rõ, đường đi đã mở, và với đích đến không nằm ngoài mục tiêu cao nhất là nhằm tạo việc làm và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng xa, khó khăn; tin rằng, Quỳ Hợp sẽ sớm ghi tên trên bản đồ du lịch xứ Nghệ bằng cụ thể hóa mục tiêu, quyết tâm hành động thực hiện Nghị quyết 15 với tầm nhìn đến năm 2030.

Mới nhất
x
Quỳ Hợp - thức dậy tiềm năng điểm đến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO