Vẫn còn tình trạng sai phạm trong huy động xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Thẩm tra báo cáo kết quả xây dựng NTM năm 2019, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm rà soát nợ đọng xây dựng cơ bản trong NTM đảm bảo chính xác và kế hoạch trả nợ cụ thể.
Chiều 29/11, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tiến hành thẩm tra báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM năm 2019 và kế hoạch năm 2020. Ảnh: Mai Hoa |
Huy động trên 6,9 nghìn tỷ đồng xây dựng NTM
Theo báo cáo của Văn phòng NTM tỉnh, phong trào xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh năm 2019 tiếp tục được đẩy mạnh ở các địa phương.
Toàn tỉnh huy động trên 6,9 nghìn tỷ đồng xây dựng NTM; trong đó vốn do nhân dân đóng góp gần 964 tỷ đồng, chiếm gần 14%.
Ngoài ra nhân dân còn tự nguyện hiến gần 900 nghìn m2 đất các loại và hơn 1,4 triệu ngày công.
Đến tháng 10/2019 toàn tỉnh có thêm 12 xã được tỉnh thẩm định, trong đó có 7 xã đã được UBND tỉnh có quyết định công nhận đạt chuẩn; nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 225 xã, chiếm 52.20%.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường cho rằng, báo cáo trên địa bàn tỉnh không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM là chưa chính xác. Ảnh: Mai Hoa |
Bên cạnh huy động nguồn lực đầu tư xây dựng NTM, các địa phương cũng đã quan tâm xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM. Tính thời điểm cuối năm 2015, số nợ đọng trong xây dựng cơ bản chương trình NTM toàn tỉnh là 751 tỷ đồng, bình quân 1,74 tỷ đồng/xã.
Nhiều tồn tại, hạn chế
Tham gia thẩm tra báo cáo, các thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm.
Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên Hoàng Văn Phi, cho rằng, việc xây dựng NTM là quá trình liên tục và thường khi hoàn thành xong chương trình NTM thì các địa phương cũng đã “hết sức” và để đảm bảo nâng cao các tiêu chí sau công nhận thì tỉnh cần có chính sách hỗ trợ kinh phí để khuyến khích.
Mặt khác, hiện tại các xã xây dựng NTM kiểu mẫu tỉnh cũng chưa có chính sách riêng để thúc đẩy.
Năm 2019, toàn tỉnh huy động hơn 6,9 nghìn tỷ đồng xây dựng NTM. Ảnh minh họa: Mai Hoa |
Quan tâm đến nợ đọng xây dựng cơ bản trong NTM, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Thái Thị An Chung cho rằng chưa thấy được sự thuyết phục khi Văn phòng NTM tỉnh báo cáo đã hết nợ đọng NTM trên địa bàn tỉnh, bởi vừa qua thông qua khảo sát việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại một địa phương có 3 xã phải sáp nhập thành 1 xã thì ở cả 3 xã này đều nợ đọng xây dựng NTM, ít nhất 5 tỷ đồng/xã.
Liên quan đến sáp nhập khối, xóm, bản, Phó trưởng ban Pháp chế cũng kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm có hướng dẫn cho các địa phương hướng dẫn sử dụng các thiết chế văn hóa – thể thao đã đạt chuẩn NTM ở các đơn vị sáp nhập, tránh lãng phí nguồn đầu tư.
Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm đến tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM để đảm bảo chương trình phát triển bền vững. Ảnh: Mai Hoa |
Cũng quan tâm đến tồn tại trong xây dựng NTM, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường nêu tình trạng một số địa phương có sai phạm trong huy động nguồn lực xây dựng NTM và đề nghị UBND tỉnh cần rà soát để chủ động xử lý. Mặt khác cần nghiên cứu đề ra các giải pháp, biện pháp để thúc đẩy tiến độ xây dựng NTM ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc.
Đề cập đến tính thực chất và bền vững trong xây dựng NTM, Phó trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Lan, cho rằng, các yếu tố, điều kiện để công nhận xã đạt chuẩn NTM bao gồm chỉ tiêu trường đạt chuẩn quốc gia, làng văn hóa; tuy nhiên thông qua giám sát tại một số địa phương thì có nhiều trường đạt chuẩn và làng văn hóa đã quá thời hạn nhưng chưa được công nhận lại, đồng nghĩa là không còn được công nhận danh hiệu…
Trên cơ sở các ý kiến tham gia của các thành viên, chủ trì cuộc thẩm tra Cao Tiến Trung – Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu ý kiến của các thành viên tham dự thẩm tra để bổ sung, hoàn thiện báo cáo; trong đó chú trọng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế. Gắn với đó là quan tâm rà soát nợ đọng xây dựng cơ bản trong NTM đảm bảo chính xác; từ đó xây dựng kế hoạch trả nợ cụ thể; đồng thời chú trọng công tác kiểm tra “hậu” công nhận NTM, từ đó kịp thời đôn đốc, chỉ đạo duy trì và nâng cao các chuẩn NTM ở các địa phương…