Rèn đức, luyện tài để xây y đức
(Baonghean.vn) - Sinh thời, Bác Hồ luôn dành nhiều tình cảm đặc biệt đối với ngành Y tế. Người luôn nhắc nhở các cán bộ y tế “Lương y phải kiêm từ mẫu”. Thực hiện lời dạy của Người, trong những năm qua, ngành Y tế Nghệ không ngừng xây dựng, củng cố, phát triển; làm tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Hoạt động phòng chống dịch bệnh ở khu vực miền núi Nghệ An gặp nhiều khó khăn. Ảnh Từ Thành |
Kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An.
P.V: Trong thời gian phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua, vai trò của ngành Y tế Nghệ An đã được thể hiện rõ nét với nhiều nỗ lực, cố gắng. Là người đứng đầu của ngành, ông có thể nói gì về điều này?
PGS.TS Dương Đình Chỉnh: Được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà giao cho trọng trách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân, mỗi cán bộ y tế nói riêng và ngành Y tế nói chung ý thức rõ trách nhiệm của mình để rồi luôn nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt những phần việc của mình. Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là một trong những nhiệm vụ như thế...
Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã thực sự là một “cuộc chiến” toàn diện mà ở đó không riêng gì ngành Y mà tất cả các cấp, ngành, từ tỉnh xuống xã đã tích cực cùng vào cuộc. Ngay ở cấp xã, việc nắm bắt thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch, giám sát trường hợp nghi ngờ cũng được thực hiện rất sát sao. Chính sự chung tay vào cuộc đồng bộ, đến thời điểm này, công tác phòng, chống COVID-19 của tỉnh đã có sự chủ động cao nhất. Song vẫn phải nói rằng: Trong bối cảnh là một tỉnh rộng, giao thông thuận lợi, nơi trung chuyển lớn của người và hàng hóa, lại có nhiều người đi làm ăn xa ở Trung Quốc trở về, Nghệ An may mắn khi chưa phát hiện trường hợp nào mắc dịch bệnh.
Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An thăm động viên bệnh nhân tại khu cách ly. Ảnh Thanh Hoa |
Trong nội bộ ngành Y, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, từ Tết âm lịch đến nay, anh em cán bộ, y, bác sĩ chưa phút nào ngơi nghỉ, rất vất vả. Mọi công việc từ tham mưu kế hoạch, kịch bản, lên phương án và thực hiện phương án đến giám sát cách ly và điều trị triệu chứng cho trường hợp nghi ngờ đều được thực hiện một cách rất tích cực, quyết liệt. Hoạt động dự phòng gắn chặt với điều trị. Tuyến tỉnh bám sát lấy tuyến huyện và tuyến xã.
Cũng như các cán bộ, y, bác sĩ ở lĩnh vực khám, chữa bệnh, những cán bộ, y, bác sĩ hoạt động ở lĩnh vực dự phòng của tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy vậy, những thành quả của đội ngũ dự phòng thường ít được chú ý hơn khi mà thành quả đó thường đến muộn sau vài, ba năm mà không thể hiện tức thời. Ví dụ như hiệu quả của tiêm chủng hay phòng, chống bệnh không lây nhiễm...
Và không riêng gì COVID-19, yêu cầu thực tế đang đòi hỏi mỗi cán bộ y tế không ngừng vươn lên mỗi ngày, mỗi giờ. Ở lĩnh vực khám, chữa bệnh, các y, bác sĩ phải đối mặt với mô hình bệnh tật ngày một phức tạp; nhu cầu người dân ngày càng cao hơn từ chất lượng khám và điều trị cho đến môi trường bệnh viện. Ở lĩnh vực dự phòng, áp lực đến từ các dịch bệnh mới nổi, tái nổi trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cắt giảm nhiều mà vai trò thì được đề cao và nâng lên. Riêng với lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh, ngành tiếp tục quán triệt tư tưởng của Bác Hồ “Phát triển công tác vệ sinh, y tế…”, “phòng bệnh hơn trị bệnh”, xem đây là kim chỉ nam cho mọi hoạt động.
P.V: Sinh thời, Bác Hồ vẫn hằng mong muốn Nghệ An phát triển trở thành tỉnh khá. Để giúp cho Nghệ An vươn lên, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 26 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Để góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26, xây dựng quê hương, ngành Y tế Nghệ An đã có những chương trình hành động và kết quả ra sao?
PGS.TS Dương Đình Chỉnh: Triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết số 26-NQ/TW, Sở Y tế đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26 trong toàn ngành. Cùng với đó, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt, ban hành 3 đề án để triển khai thực hiện gồm: Đề án đầu tư hạ tầng y tế trọng yếu giai đoạn 2015 - 2020; Đề án xây dựng, phát triển y tế kỹ thuật cao để thành phố Vinh trở thành trung tâm y tế khu vực Bắc Trung Bộ giai đoạn 2015 - 2020; Đề án phát triển y tế miền Tây tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020.
Đi vào thực hiện, Y tế Nghệ An đã thu được nhiều kết quả tích cực. Mạng lưới y tế dự phòng đã được củng cố và phát triển, có đủ khả năng dự báo, giám sát, phát hiện và khống chế các dịch bệnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân. Tỷ lệ xã hoàn thành bộ tiêu chí quốc gia về y tế năm 2019 đạt 90,6%.
Mạng lưới khám, chữa bệnh trong thời gian qua đã phát triển thêm một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; trung bình mỗi năm các bệnh viện khám bệnh cho hơn 5 triệu lượt người, công suất sử dụng giường bệnh hàng năm đều trên 100%.
Triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết số 26-NQ/TW, Sở Y tế đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26 trong toàn ngành. |
Bên cạnh đó, thực hiện tự chủ tài chính bước đầu phát huy hiệu quả. Y tế ngoài công lập phát triển nhanh, đứng tốp đầu cả nước về xã hội hóa đầu tư. Nhờ đầu tư, nâng cấp trang thiết bị hiện đại, các bệnh viện đã áp dụng thành công nhiều phương pháp và kỹ thuật mới, hiện đại vào khám và điều trị như: ghép thận, mổ tim, phẫu thuật thần kinh sọ não; các phẫu thuật chuyên sâu trong các chuyên khoa; chụp nong và đặt stent động mạch thận số hóa xóa nền; đặt stent động mạch chủ; nong van hai lá; tiêm botulinum toxine điều trị co thắt nửa mặt và rối loạn vận động; định lượng gen với bệnh máu ác tính; giải trình tự gen bằng kỹ thuật sinh học phân tử;
Phải nói rằng ngành Y tế Nghệ An đã rất nỗ lực để thực hiện Nghị quyết 26, đưa tỉnh nhà trở thành tỉnh phát triển về y tế. Các hoạt động đầu tư cũng được thực hiện rất đồng bộ từ dự phòng, khám chữa bệnh, an toàn thực phẩm, dân số - kế hoạch hóa gia đình, quản lý dược, phát triển vùng nguyên liệu dược... Tuy nhiên, y tế Nghệ An vẫn còn đó nhiều tồn tại, bất cập như: Việc triển khai phát triển kỹ thuật mới chưa nhiều; Đầu tư trang thiết bị ở các bệnh viện còn chồng chéo; Chất lượng khám, chữa bệnh và việc phát triển chuyên môn kỹ thuật cao ở các bệnh viện huyện miền Tây còn hạn chế; Các bệnh viện huyện thiếu bác sĩ trình độ cao, bác sĩ chuyên khoa; Nguồn vốn đầu tư còn ở mức thấp so với nhu cầu phát triển. Công tác xã hội hóa y tế vẫn gặp nhiều khó khăn.
Giữa những tồn tại và bất cập, chúng ta vẫn thấy rất rõ những mảng tươi sáng. Những năm vừa qua, ở tỉnh không có những vụ dịch bệnh lớn xảy ra, không có ngộ độc thực phẩm tập thể... Chính những điều này đã khẳng định y tế Nghệ An đang đi đúng hướng. Y tế Nghệ An sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân toàn diện trên mọi mặt.
P.V: Thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế Bác viết được đăng ở báo Nhân Dân số ra ngày 27/2/1955, ngắn gọn chỉ có 368 từ, thể hiện 3 nội dung chính đó là: Phải thật thà đoàn kết; Thương yêu người bệnh; Xây dựng nền y học nước nhà. Thời gian tới, ngành Y tế Nghệ An sẽ thực hiện 3 điều mong mỏi của Người như thế nào?
PGS.TS Dương Đình Chỉnh: Thực hiện lời dạy của Người, trong suốt 65 năm qua, ngành Y tế Nghệ An đã không ngừng cố gắng, phấn đấu và cho đến nay có thể tự hào rằng ngành đã cơ bản đáp ứng được phần nào 3 điều mong mỏi đó. Chúng tôi khẳng định 12.000 cán bộ y tế toàn ngành luôn đoàn kết, tập trung, nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ cao cả chăm sóc sức khỏe nhân dân... Đoàn kết giữa cán bộ y tế, giữa các đơn vị trong toàn ngành tạo nên động lực, khối thống nhất cao để đảm bảo tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Thăm hỏi, tặng quà động viện các bệnh nhân đang chạy thận tại bệnh viện. Ảnh Thanh Hoa |
Phát huy tinh thần thương yêu người bệnh, ngành Y tế Nghệ An đã đẩy mạnh phong trào vận động nâng cao y đức, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh. Theo đó, các đơn vị, mỗi cán bộ, y, bác sĩ đã tích cực hưởng ứng phong trào, không ngừng trau dồi y đức, y đạo, chuyên môn kỹ thuật, tích cực rèn luyện kỹ năng giao tiếp... qua đó, góp phần củng cố niềm tin, tạo được sự hài lòng của người bệnh.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, những điều tiếng về y đức của cán bộ y tế Nghệ An đã giảm nhiều so với trước đây. Số lượng đơn thư, cuộc gọi về đường dây nóng của ngành phản ánh về tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế là rất ít. Ở các đơn vị y tế, tình trạng nhân viên y tế gây phiền hà, khó khăn cho người dân hầu như không còn.
Thời gian tiếp theo, ngành Y tế Nghệ An sẽ đẩy mạnh phong trào, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, làm sao để mỗi cán bộ, nhân viên y tế đều xứng đáng với lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu”.
Để đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, niềm mong mỏi của Bác, Nghệ An đã xây dựng một nền y học hiện đại, phát triển trên diện rộng và cả chuyên sâu. Điều này thể hiện ở việc củng cố y tế tuyến xã, tuyến huyện và nâng cao chất lượng y tế tuyến tỉnh vừa đa khoa, vừa chuyên khoa. Các bệnh thông thường được phát hiện, chăm sóc sớm; những căn bệnh nguy hiểm, nan y có chuyên môn sâu để chữa trị...
Tuy nhiên, có một nội dung mà ngành Y tế Nghệ An vẫn cần phải làm tốt hơn trong những năm tiếp theo, đó là phối hợp chặt chẽ giữa y học hiện đại và y học cổ truyền. Lâu nay chúng ta mới chú trọng y học hiện đại, y học cổ truyền cũng có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa tận dụng tốt những bài thuốc dân gian. Một nội dung trọng tâm năm 2020 của y tế Nghệ An là thúc đẩy sự phát triển của y học cổ truyền tương xứng cùng y học hiện đại.
P.V: Xin cảm ơn ông!