Xã hội

Những ngôi nhà cổ độc đáo ở xã quê hương Bác Hồ

Huy Thư 17/05/2024 20:11

(Baonghean.vn) - Với người dân xã Kim Liên (huyện Nam Đàn), những ngôi nhà gỗ cổ xưa không chỉ là nơi sinh hoạt ấm cúng, nghĩa tình, mà còn là nơi lưu giữ bao truyền thống tốt đẹp.

bna_1.JPG
Hiện nay, nhiều hộ dân ở xã Kim Liên còn lưu giữ, bảo tồn nhà cổ trên dưới 100 năm, thậm chí có nhà đã vài trăm năm tuổi. Những ngôi nhà này phân bố rải rác ở các xóm. Trước ngõ những ngôi nhà cổ, nhà xưa ở quê hương Bác Hồ, người dân thường gìn giữ cả những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, trong đó có nhiều cây duối. Ảnh: Huy Thư
bna_2.JPG
Nhà cổ ở nơi đây thường là những ngôi nhà gỗ, nhiều gian (3 gian, 5 gian), lợp ngói vảy, trong đó, phần lớn đã được tu bổ, tôn tạo, lợp thêm mái tôn phía trước, nhưng vẫn giữ nguyên phần kết cấu gỗ xưa. Một số nhà đã lát lại nền, xây thêm tường… Trong ảnh: Không gian nhà cổ của gia đình ông Phạm Văn Mại ở xóm Hồng Sơn, xã Kim Liên, được xây dựng từ năm 1941. Ảnh: Huy Thư
bna_5.JPG
Ông Phạm Văn Mại (75 tuổi), ở xóm Hồng Sơn chia sẻ: Ngôi nhà mà gia đình ông đang sinh sống do ông nội của ông làm. Tồn tại lâu năm, gần đây ông đã cho lợp lại ngói... "Nhiều người đến hỏi mua ngôi nhà, nhưng tôi không bán. Gia đình tôi gìn giữ để làm kỷ niệm", ông Mại nói. Trong ảnh: Ông Mại bên chiếc tủ cổ của gia đình. Ảnh: Huy Thư
bna_3.JPG
Theo các cụ cao tuổi ở địa phương, nhà gỗ xưa ở xã Kim Liên thường do những người thợ mộc Nam Đàn và Hưng Nguyên làm. Người dân ở đây thường làm nhà kiểu chuyền, chụp, thượng kèo, hạ kẻ, nhiều cột, thấp, thưng ván xung quanh khá vững chãi. Ảnh: Huy Thư
bna_4a (2).jpg
Các ngôi nhà cổ chủ yếu được làm từ các loại gỗ lim, mít, dổi, trang trí khung gỗ khá đơn giản. Nguyên xưa, mặt trước những ngôi nhà này thường được thiết kế cửa lớn ván giật, hai đầu hồi mở cửa sổ ván kéo. Một số nhà trên vì nóc còn ghi tạc khoản niên đại tạo tác, tu sửa. Ngôi nhà cổ đẹp có tiếng trong xã là nhà của ông Vương Hoàng Đồng ở xóm Hoàng Trù. Ảnh: Huy Thư
bna_6.JPG
Nhà cổ ở xã Kim Liên cũng giống nhà cổ các vùng quê khác thường chia thành 2 phần: “Nhà ngoài” dùng làm nơi thờ tự và tiếp khách. “Nhà trong” dùng làm nơi sinh hoạt của gia đình. Bàn thờ gia tiên được bài trí theo phong tục truyền thống vừa trang trọng, vừa ấm cúng. Trong ảnh: Không gian thờ tự trong gian nhà ngoài của gia đình ông Nguyễn Văn Thỏa ở xóm Liên Hồng Ảnh: Huy Thư
bna_7a.jpg
Ông Nguyễn Văn Thỏa (60 tuổi) cho biết: Ngôi nhà mà gia đình ông đang sinh sống được mua về từ vùng chợ Liễu (Hưng Lĩnh, Hưng Nguyên) từ trước cách mạng Tháng Tám. Nhà có 5 gian làm từ gỗ lim, mít, lợp ngói vảy, những năm qua đã được sửa sang ít nhiều để phù hợp với sinh hoạt. Ngôi nhà gỗ không chỉ là nơi sinh sống ấm cúng, yên vui, mà còn là nơi lưu giữ những truyền thống tốt đẹp của gia đình về tinh thần đoàn kết, hiếu thảo, hiếu học... từ đời cụ cố đến nay. Ảnh: Huy Thư
bna_8.JPG
Một số gia đình có nhà cổ còn gìn giữ cảnh quan xưa cũ xung quanh nhà như sân gạch, vườn, cây cảnh, giếng nước... Ảnh: Huy Thư
bna_9.JPG
Ông Phạm Văn Kiêm (77 tuổi), ở xóm Liên Mậu chia sẻ: Ngôi nhà mà vợ chồng ông đang sống do cụ tổ làm quan thời Lê xây dựng, tính đến nay đã gần 300 trăm. Nguyên xưa ngôi nhà có 5 gian, 2 hồi. Năm 1966, bố ông đã bán 2 gian. Năm 1993, ông cho dỡ một số cột, xây tường bao quanh như bây giờ. Trong ngôi nhà cổ này lưu giữ khá nhiều hiện vật, đặc biệt là 3 tấm sắc quý của triều Lê niên hiệu Cảnh Hưng sắc tặng cho cụ tổ của ông. Ảnh: Huy Thư
bna_10.JPG
Nếp sống yên bình, tình nghĩa dưới những mái nhà gỗ cổ xưa ở xã Kim Liên. Các gia đình còn lưu giữ nhà cổ đều cho rằng, họ xem việc bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ ngôi nhà như là trách nhiệm của con cháu đối với tiền nhân, với truyền thống của gia đình. Ảnh: Huy Thư
bna_11.JPG
Ông Vương Bá Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Liên cho biết: Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng hộ dân, từng ngôi nhà mà các gia đình trên địa bàn tự gìn giữ, tôn tạo nhà cổ theo cách riêng. Việc gìn giữ, bảo tồn những ngôi nhà cổ, nhà xưa là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người dân địa phương. Ảnh: Huy Thư

Mới nhất

x
Những ngôi nhà cổ độc đáo ở xã quê hương Bác Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO