'Sắp xếp' lại cuộc sống cho người Đan Lai
(Baonghean) - Nhiều gia đình thuộc tộc người Đan Lai ở xã Môn Sơn (Con Cuông) sau nhiều năm ra vùng tái định cư nhưng ít có sự thay đổi. Cái đói nghèo, lạc hậu cùng với tư duy cũ vẫn bám riết đời sống người dân. Trước tình hình đó, huyện Con Cuông đã bằng nhiều giải pháp quyết tâm "sắp xếp" lại cuộc sống cho người Đan Lai.
Với mong muốn giúp đỡ người nghèo và không để ai bị bỏ lại phía sau, trong nhiều năm qua huyện Con Cuông đã chỉ đạo, vận động cả hệ thống chính trị và người dân vào cuộc, chung tay xây dựng cuộc sống mới cho đồng bào Đan Lai.
Ruộng đất ở vùng tái định cư của người dân Đan Lai mỗi năm sản xuất 2 vụ lúa. Bên cạnh đó vì không đủ nước tưới nên các vụ khác thường bỏ hoang. Ảnh: Tường Vi |
Đã 17 năm định cư trên quê mới nhưng chị Lê Thị Niêm ở bản Tân Sơn, xã Môn Sơn cũng như nhiều bà con tộc người Đan Lai đến bây giờ mới thực sự có thói quen nuôi nhốt và chăm sóc gia cầm. Không chỉ vậy, vườn rau cũng đã được chị làm bờ rào, khoanh luống cẩn thận. “Trước kia nơi quê cũ trồng rau không làm hàng rào, nuôi gà, lợn thì thả rông, ở đây được cán bộ bày cho cách chăn nuôi, trồng trọt nên tốt hơn. Sống gần trung tâm cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn” - chị Lê Thị Niêm nói
Ngày trước ở quê cũ Khe Khặng (vùng lõi Rừng Quốc gia Pù Mát), cuộc sống người Đan Lai chủ yếu săn bắt hái lượm nơi rừng sâu núi thẳm, buổi ngày xuống suối bắt cá hay vào rừng hái măng, tối ngủ bên đống lửa thâu đêm để tránh rét và sự tấn công của thú dữ. Việc tự trồng rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm hay để chăm lo cho bữa ăn hàng ngày là câu chuyện xa lạ đối với tộc người này. Về sau có nuôi gà, lợn nhưng cũng chỉ thả rông phó mặc cho thiên nhiên. Cuộc sống chốn thâm sơn cách biệt cộng đồng, lại cộng thêm nhiều hủ tục lạc hậu đã làm cho tộc người này có nguy cơ suy thoái giống nòi vì đói nghèo và hôn nhân cận huyết.
Cuộc sống của người Đan Lai trên thượng nguồn sông Giăng. Ảnh: Đào Tuấn |
Năm 2002, theo chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành địa phương, gia đình chị Niêm đã cùng 35 người dân Đan Lai di dời đến vùng tái định cư Tân Sơn và Cửa Rào thuộc xã Môn Sơn để xây dựng cuộc sống mới, ấm no hơn, đủ đầy hơn.
Ra nơi ở mới, đồng bào được Nhà nước cấp nhà ở, đất sản xuất, giống cây con và được đáp ứng các nhu cầu như: điện, đường, trường, trạm. Nhờ vậy cuộc sống ổn định hơn, được quan tâm chăm sóc tốt hơn. Tuy vậy bà con Đan Lai dù đã đến nơi ở mới nhưng vẫn duy trì nhiều thói quen, tập tục lạc hậu, do đó vẫn còn 98% là hộ nghèo.
Những ngôi nhà được Nhà nước xây dựng hỗ trợ, sau nhiều năm không được bà con quan tâm sửa chữa nên bị xuống cấp trầm trọng, ruộng vườn ít được quan tâm nên phần lớn bỏ hoang; chuồng trại chăn nuôi dựng sát nhà ở gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người; thanh niên hay người trong độ tuổi lao động lại rời xa quê để đi làm thuê làm mướn ở xa, ở nhà chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Do đó, bà con vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Cán bộ địa phương giúp người dân cải tạo vườn, tăng diện tích trồng rau xanh. Ảnh: Tường Vi |
Trước thực tế đó, để giúp các hộ Đan Lai nơi đây thay đổi tư duy cũng như chủ động trong cách làm ăn, tạo cuộc sống mới ổn định và dần thoát khỏi đói nghèo, chị Ngân Thị Dần cùng các thành viên Chi hội nông dân bản Tân Sơn cùng Hội Phụ nữ xã Môn Sơn đã phối hợp với các ban, ngành đến từng gia đình để hướng dẫn lại cách thức sản xuất, vận động bà con giữ gìn vệ sinh môi trường. Thay đổi thói quen với cộng đồng Đan Lai không phải điều dễ dàng. Chính vì vậy, chị Dần và nhiều cán bộ, đảng viên khác của xã Môn Sơn đã không quản ngại khó khăn, thường xuyên lui tới bản Tân Sơn và Cửa Rào, tận tình bảo ban, gần gũi chia sẻ giúp đỡ người dân “sắp xếp” lại cuộc sống và công việc, nhờ vậy bà con đã nghe và làm theo.
Chị Ngân Thị Dần - Chi Hội Nông dân bản Tân Sơn xã Môn Sơn, huyện Con Cuông cho biết: Bà con khi mới ra ở đây chưa quen với cuộc sống nơi quê mới, trình độ nhận thức của người dân hạn chế lại bất đồng ngôn ngữ nên việc giúp đỡ nên việc tuyên truyền, hướng dẫn gặp rất nhiều khó khăn. Điều kiện kinh tế cũng chính vì thế khó đổi thay. Nhất là nhiều người dân tỏ ra chán nản muốn trở lại quê cũ sống dựa vào rừng. Tuy vậy hiện nay cuộc sống của bà con đã ổn định hơn rất nhiều, tư duy cũng đã thay đổi.
Cán bộ xã Môn Sơn (phải) hướng dẫn một hộ dân Đan Lai trồng rau xanh. Ảnh: Tường Vi |
Để giúp đỡ cộng đồng Đan Lai, huyện Con Cuông đã chỉ đạo 43 đảng bộ, chi bộ trực thuộc cùng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đảm nhận giúp đỡ 36 hộ Đan Lai ở bản Tân Sơn.
Với sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, bình quân mỗi hộ Đan Lai được hỗ trợ 10 triệu đồng để sửa chữa nhà cửa, làm chuồng trại chăn nuôi, gây dựng lại cuộc sống. Số tiền hỗ trợ được trích từ tiền lương của các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động tại các cơ quan đơn vị trên địa bàn.
Cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể cắt cử cán bộ, đảng viên trực tiếp xuống làng, bản vận động, tuyên truyền và hướng dẫn bà con tạo lập lại cuộc sống. Từ việc cải tạo ruộng nương, cách trồng lúa nước đến chỉnh trang chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường, cầm tay chỉ việc trong chăn nuôi để cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Các cán bộ địa phương cùng giúp hộ dân Đan Lai cải tạo vườn. Ảnh: Tường Vi |
Đến thời điểm này có gần 20 đảng bộ, chi bộ tham gia ủng hộ sửa chữa nhà ở cho đồng bào Đan Lai với số tiền trên 330 triệu đồng. Trước sự đồng lòng chung tay giúp đỡ của toàn xã hội, người dân 2 bản Tân Sơn và Cửa Rào đã có nhiều đổi thay căn bản. Bà con đã biết cách chăn nuôi và trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình, nhiều gia đình đã có nông sản như: rau, cá, thực phẩm để chia với nhà hàng xóm và cộng đồng.
Nhờ có sự giúp đỡ, chia sẻ của cán bộ, đảng viên và người dân huyện Con Cuông, người Đan Lai đã vững tin hơn về một cuộc sống mới ổn định bằng chính sức lao động của chính mình. Mùa Xuân này 36 hộ Đan Lai sẽ ở trong những ngôi nhà đã được sửa chữa, khang trang hơn, ấm áp hơn.