Sạt lở bờ sông Dinh đe doạ nhiều nhà cửa, đất canh tác ở Quỳ Hợp
Dọc bờ sông Dinh huyện Quỳ Hợp đang bị sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào nhà dân và diện tích trồng mía khiến bà con hoang mang, lo lắng.
Lần đường tìm về xóm Sợi Dưới, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp thấy sạt lở bờ sông đã ăn sâu vào nhiều diện tích mía. Ông Trương Văn Nhuận ở xóm Sợi Dưới cho biết: "Chỉ mới trận lũ đầu mùa cách đây mấy tuần mà hơn 2 sào mía của gia đình tôi đã bị cuốn trôi xuống dòng sông Dinh. Cứ đà này thì nhiều diện tích đất canh tác bị cuốn xuống sông".
Bà Trương Thị Hoa - Trưởng xóm Sợi Dưới dẫn chúng tôi ra bãi mía đang bị lở, chia sẻ: Tính 5 năm trở lại nay vết sạt lở bờ sông Dinh lấn vào đất canh tác trên 100 mét, riêng xóm Sợi Dưới đã bị cuốn trôi trên 20 ha đất mía xuống sông.
Điều đặc biệt nguy hiểm là cột điện 110 kV đi qua cách bờ sông khoảng tầm 8-10 mét, chỉ cần vài trận lũ là cột điện sẽ nằm dưới sông. Đa số những người dân sống ở vùng sạt lở cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, bị mất đất sản xuất, phải đi làm thuê tứ tán.
Ông Trương Văn Hoan - Chủ tịch UBND xã Thọ Hợp cho biết thêm: Sông Dinh đi qua địa bàn xã hơn 3 km, khoảng 5 năm trở lại nay sạt lở bờ sông đã gây thiệt hại nặng. Toàn xã có khoảng trên 30 ha đất canh tác chủ yếu trồng mía bị trôi xuống sông. Hiện có 1 hộ dân ở xóm Xuân Tiến bị ảnh hưởng.
Sát bên là xã Tam Hợp, nhiều năm qua cũng bị ảnh hưởng sạt lở bờ sông Dinh khá nặng nề. Đại diện UBND xã Tam Hợp cho biết: “Sông Dinh đoạn qua xã bị sạt lở khoảng trên 3/6 km, với trên 155 hộ dân thuộc diện cảnh báo nguy cơ sạt lở; trong đó, có trên 40 hộ dân nằm ở vùng đặc biệt nguy hiểm, chủ yếu ở các xóm Tân Mùng, xóm Dinh, Đồng Chảo…
Tại điểm sạt lở bờ sông bản Yên Luống, xã Châu Quang, năm 2023 phóng viên từng về tìm hiểu, nay vết sạt lở bờ sông ăn sâu hơn vào cánh đồng mía. Tại nhà của ông Lữ Văn Lý, ở xóm Yên Luống vết sạt lở đã ăn vào gần tường nhà.
Ông Sầm Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Quang cho biết: Tính đến thời điểm này toàn xã bị dòng sông Nậm Huống gây sạt lở 1/3 km, có 42 hộ dân ở xóm Yên Luống bị ảnh hưởng.
Do sạt lở bờ sông, từ năm 2023 đến nay xã mất thêm 3 ha đất trồng mía, nâng tổng diện tích đất mía đất canh tác bị cuốn xuống sông là trên 10 ha. Để đối phó với tình trạng sạt lở trong mùa mưa năm nay, đối với hộ dân ông Lữ Văn Lý ở xóm Yên Luống, vào mùa mưa, xã sẽ yêu cầu gia đình di dời đến nơi an toàn. Trong lúc đang trình cấp trên xin hỗ trợ kè bờ sông xã sẽ thuê máy múc để nắn dòng một số đoạn hạn chế sạt lở.
Ông Lang Văn Dũng - Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳ Hợp cho biết thêm: Sông Dinh bắt nguồn từ các phụ lưu gồm sông Nậm Huống, Nậm Tôn hợp thành với chiều dài gần 25 km đi qua huyện Quỳ Hợp.
Tình hình sạt lở bờ sông Dinh, sông Nậm Tôn, sông Nậm Huống đi qua các xã Châu Quang, Thọ Hợp, Tam Hợp… những năm gần đây diễn biến phức tạp, gây ra nhiều thiệt hại về tài sản cũng như ảnh hưởng đời sống của nhân dân. Sạt lở bờ sông đã cuốn nhiều diện tích đất canh tác trồng mía, và cuốn trôi các công trình phụ của nhà dân.
Hiện nay, toàn huyện Quỳ Hợp chỉ mới kè được 1 điểm ở bản Lè, xã Châu Quang, với chiều dài khoảng trên 400 mét. Để đảm bảo an toàn cho nhân dân, vào mùa mưa bão, huyện chỉ đạo các xã cử lực lượng canh trực, nắm bắt tình hình và có phương án di dời các hộ dân ở vùng sạt lở bờ sông khi cần thiết.
Về lâu dài, bà con vùng sạt lở các xã Châu Quang, Thọ Hợp, Tam Hợp mong Nhà nước có giải pháp đầu tư bờ kè chống sạt lở để nhân dân ổn định cuộc sống.