Sau thượng đỉnh, Nga sắp nhận 'đòn trừng phạt mới' từ Mỹ?
Ngay sau thượng đỉnh Mỹ - Nga, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan cho rằng, các Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa đang xem xét về việc trừng phạt Nga một cách nghiêm trọng hơn.
"Nếu Ủy ban Ngoại giao, hoặc Ủy ban Tài chính và Ủy ban các vấn đề ngân hàng của Thượng viện cho rằng có những biện pháp trừng phạt khác mà chúng ta chưa đưa ra để chống Nga, tôi sẽ hạnh phúc được xem xét" - ông Paul Ryan nói với các phóng viên hôm thứ Ba, 17/7.
Giới tinh hoa Mỹ gọi thượng đỉnh là sai lầm. |
Trước đó, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cũng chia sẻ với giới báo chí rằng, Thượng viện Mỹ có thể đưa ra một cuộc bỏ phiếu về việc có tiếp tục trừng phạt Nga hay không.
Ông cho biết sau một cuộc họp kín với các nhà lập pháp ở Thượng viện Mỹ: “Có khả năng chúng tôi sẽ đưa ra một đạo luật liên quan đến vấn đề này”.
"Người Nga cần phải biết rằng có rất nhiều người trong chúng ta hoàn toàn hiểu những gì đã xảy ra trong năm 2016 và tốt hơn là không xảy ra lần nữa vào năm 2018" - ông McConnell nói.
Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa cho biết họ đang xem xét về các biện pháp trừng phạt Nga vì liên quan đến các cáo buộc can thiệp bầu cử. Trong vòng 10 ngày nữa, họ sẽ quyết định sẽ thông qua dự luật này hay không, sau khi có kết luận của Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ xác định Nga đã can thiêp bầu cử Mỹ hay không.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Richard Burr cho rằng, ông "luôn ủng hộ các biện pháp trừng phạt đối với Nga".
Đảng Cộng hòa đã có tuyên bố chỉ trích Tổng thống Donald Trump sau khi nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định có cùng quan điểm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ vào năm 2016. Ông Trump thậm chí còn nói rằng ông "chấp nhận rủi ro chính trị để theo đuổi hòa bình" với Nga.
Tổng thống Mỹ khẳng định vẫn chưa có kết luận về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng mình đã tiến hành tranh cử một cách minh bạch.
Ông Trump cũng cho rằng, cuộc điều tra của ông Robert Mueller về khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử 2016 đã gây "ảnh hưởng tiêu cực" với quan hệ Nga - Mỹ.
"Thật là nực cười. Thật là nực cười với những gì diễn ra trong cuộc điều tra" - ông Trump nói.
Ông Trump còn nhận định: "Tôi chẳng thấy có lý do gì để Nga phải can thiệp vào cuộc bầu cử 2016".
"Đối thoại mang tính xây dựng giữa Nga và Mỹ thúc đẩy cơ hội mở ra những con đường mới hướng tới hòa bình và ổn định của thế giới. Tôi thà nhận lấy rủi ro chính trị để theo đuổi hòa bình, hơn là liều lĩnh với hòa bình để theo đuổi chính trị".
Những tuyên bố của Tổng thống Trump đã lập tức khiến Thượng nghị sỹ Lindsey Graham của Đảng Cộng hòa lập tức bùng nổ. Ông viết trên Twitter: "Cơ hội bị bỏ lỡ của Tổng thống Trump để kiên quyết quy Nga chịu trách nhiệm cho hành vi can thiệp vào năm 2016 và đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ cho các cuộc bầu cử trong tương lai".
Ông Graham còn cho rằng hành động của ông Trump sẽ được Nga nhìn nhận là dấu hiệu của sự "yếu ớt" và "tạo ra thêm nhiều rắc rối hơn là giải quyết chúng".
Thượng nghị sỹ Cộng hòa Jeff Flake của bang Arizona, phát biểu: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ chứng kiến một ngày mà Tổng thống Mỹ của chúng ta sẽ đứng trên vũ đài cùng với Tổng thống Nga và cáo buộc nước Mỹ có lỗi lầm đối với hành vi hung hăng của nước Nga.”
Dân biểu Cộng hòa Adam Kinzinger của bang Illinois viết trên Twitter: “Người dân Mỹ xứng đáng được biết sự thật và việc khinh thường tính hợp pháp của các quan chức tình báo của chúng ta là làm tổn hại đến những người đàn ông và phụ nữ phục vụ cho đất nước này. Đã đến lúc thức tỉnh và đối mặt với thực tế. Putin không phải là bạn của chúng ta. Ông ấy là kẻ thù của nền tự do của chúng ta.”
Phản ứng không quá ngạc nhiên của giới tinh hoa Mỹ đã báo trước cơn bão sắp ập tới Nhà Trắng mà có thể một đòn trừng phạt Nga mới sẽ được tung ra.