"Siết chặt" quản lý internet công cộng
(Baonghean)-Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh ta, dịch vụ internet phát triển rất nhanh với tốc độ 12-16%/ năm. Internet phát triển tạo điều kiện cho người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng đồng thời cũng tồn tại nhiều mặt trái nan giải. “Siết chặt” quản lý internet công cộng đã không còn là vấn đề của riêng một ngành chức năng mà cần đến sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội.
Thực trạng đáng báo động
23h ngày 4/12, theo chân tổ công tác của Đội quản lý hành chính về TTXH, Công an thành phố Vinh đi tuần tra, kiểm tra các điểm internet, trò chơi công cộng trên địa bàn, nhận thấy tình trạng vi phạm tại các điểm vẫn còn tồn tại khá phổ biến. Tại điểm internet công cộng trên đường Nguyễn Văn Trỗi, dù đã quá giờ quy định nhưng gần 10 thanh, thiếu niên trong tiệm vẫn đang miệt mài vào các trò chơi bạo lực hoặc xem các bộ phim có nội dung không phù hợp với lứa tuổi. Hệ thống máy tính ở đây có cài đặt phần mềm quản lý, nhưng mục đích sử dụng chỉ dùng để tính thời gian, quy ra số tiền khách chơi phải trả, hoàn toàn không đóng vai trò ngăn chặn, sàng lọc các địa chỉ web “bẩn”, có nội dung tục tĩu, bạo lực. Tại đây, tổ công tác đã lập biên bản, xử phạt hành chính và chủ cơ sở cũng đã ký cam kết không tái phạm tình trạng kinh doanh quá giờ quy định.
Một tiệm internet công cộng trên đường Lý Tự Trọng (TP. Vinh) |
Thực trạng vi phạm của các cơ sở kinh doanh internet công cộng còn diễn ra trên địa bàn nhiều huyện, thành, thị. Tại thị xã Thái Hòa, cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động kinh doanh internet, trò chơi công cộng ngày càng gia tăng về số lượng, hiện, thị xã có hơn 30 cơ sở kinh doanh internet, trò chơi công cộng. Ông Tô Thanh Sơn – Trưởng phòng văn hóa – thông tin thị xã Thái Hòa cho biết, thị xã rất quan tâm và chặt chẽ trong việc quản lý hoạt động của các cơ sở kinh doanh này, nhưng cơ bản mới thực hiện được những quy định “cứng” về diện tích, ánh sáng, phòng cháy chữa cháy, giờ giấc…, còn về nội dung truy cập thì rất khó để kiểm soát. Mặt khác, trên thực tế, cũng hiếm có cơ sở kinh doanh nào thực hiện được việc kiểm tra chứng minh thư, ghi lại tên tuổi khách hàng. Thực tế, vẫn có nhiều khách hàng dưới 14 tuổi vô tư truy cập internet mà không có người lớn đi kèm.
Thành phố Vinh là địa bàn tập trung nhiều điểm internet công cộng, trò chơi điện tử nhất trong toàn tỉnh, với 225 điểm. Theo khảo sát, ngoài vi phạm quá giờ hoạt động, nhiều cơ sở còn không đảm bảo được các yếu tố như ghi lại tên tuổi khách truy cập; niêm yết nội quy sử dụng dịch vụ internet; đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy; trong mỗi máy chủ phải cài đặt phần mềm quản lý để ngăn chặn người sử dụng truy cập đến các trang thông tin có nội dung bị nghiêm cấm; và đặc biệt, đối với các đại lý Internet có cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến phải cách cổng ra vào của các trường học tối thiểu 200m... Các cơ sở vi phạm đa phần tọa lạc trên các tuyến đường gần các trường học, như khu vực xung quanh trường ĐH Vinh, ĐH Kinh tế Nghệ An … |
Tại địa bàn các huyện miền núi, dù số lượng các cơ sở kinh doanh internet công cộng, trò chơi điện tử chưa nhiều nhưng thực tế hoạt động cũng có nhiều điều đáng báo động. Ông Lô Thanh Nhất – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho hay, ngoài các điểm internet công cộng đặt tại bưu điện các xã, thì rải rác trên địa bàn huyện hiện có vài cơ sở kinh doanh loại hình này. Tuy quy mô nhỏ nhưng cũng thu hút được nhiều thanh, thiếu niên tìm đến. Trăn trở nhất trong quản lý hoạt động loại hình dịch vụ này là khó giám sát được việc các em truy cập vào những trang web có nội dung xấu, kích động, ảnh hưởng đến tâm sinh lý.
Thực tế, trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã ghi nhận nhiều vụ án đáng tiếc mà đối tượng phạm tội không ai khác chính là những thanh, thiếu niên mù quáng trong thế giới “ảo”. Như vụ đối tượng Võ Văn Lộc (1990) trú ở phường Đông Vĩnh (Tp. Vinh) vào chơi điện tử ở tiệm internet, vì thiếu tiền nên đã có hành động trộm cắp chiếc điện thoại iphone của khách; hoặc do mâu thuẫn trên mạng, đối tượng Nguyễn Văn Trường (1991) và Hoàng Văn Giang (1996) tại Võ Liệt (Thanh Chương) đã xảy ra xô xát, Trường đã dùng dao đâm chết Giang …
Cần “siết chặt” với nhiều giải pháp đồng bộ
Ông Phan Sỹ Quý – Trưởng phòng quản lý viễn thông, Sở TT-TT cho biết: “Tính đến hết tháng 11/2015, toàn tỉnh đã cấp được 574 giấy phép đủ điều kiện hoạt động trong tổng số 718 cơ sở kinh doanh dịch vụ internet, trò chơi công cộng. Nhiều huyện đã cấp được 100% giấy phép như Nam Đàn, Con Cuông, Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Thái Hòa, Yên Thành. Còn một số địa phương chậm trễ do số lượng các điểm truy cập internet lớn như TP.Vinh, Quỳnh Lưu, Diễn Châu …”
Thực hiện Nghị định 72/CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng; Thông tư 23/2013/TT-BTTTT ngày 24/12/2013 quy định quản lý điểm truy cập internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 44/2014/QĐ-UBND ngày 28/7/2014 kèm theo Quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet công cộng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đây là hành lang pháp lý, tạo điều kiện để ngành chức năng triển khai giải pháp quản lý mạnh mẽ. Theo đó, chỉ có những điểm đảm bảo các tiêu chí như quy định (về diện tích phòng, khoảng cách đến trường học, ánh sáng, thiết bị PCCC, biển hiệu …) mới được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện và được tiếp tục hoạt động. |
Ông Bùi Quang Phương – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin TP. Vinh cho biết, trong tổng số 225 cơ sở kinh doanh internet trên địa bàn, hiện vẫn còn 75 điểm chưa được cấp giấy phép. Nguyên nhân phần lớn là do diện tích không đủ như quy định (tối thiểu 50m2) hoặc khoảng cách đến trường học dưới 200m. Ngoài ra, tình trạng vi phạm về giờ giấc, nội dung truy cập… rất khó phát hiện, nhiều chủ sơ sở sau 22h đóng cửa ngoài, nhưng bên trong vẫn âm thầm cho khách chơi thâu đêm, lực lượng chức năng không thể kiểm soát hết được. Từ đầu năm đến nay, qua thực tế tuần tra, công an thành phố Vinh đã xử phạt 14 cơ sở hoạt động quá khung giờ quy định (từ 22h-6h) nhưng con số đó chưa phản ánh hết được thực trạng vi phạm.
Internet mang lại nhiều lợi ích nhưng cần phải quản lý chặt để giảm thiểu các mặt trái - Ảnh minh họa. |
Về giải pháp trong thời gian tới, trưởng phòng Văn hóa – thông tin TP. Vinh cho biết, với những cơ sở không đủ điều kiện cấp giấy phép hoạt động, thành phố gia hạn trong vòng 6 tháng, các cơ sở phải tiến hành nâng cấp, cải tạo diện tích phòng, hoặc di dời địa điểm để đảm bảo khoảng cách với trường học mới tiếp tục được hoạt động, nếu không sẽ tiến hành thu hồi giấy phép kinh doanh như luật định. Đồng thời, UBND TP.Vinh đang dự thảo kế hoạch phối hợp, tăng cường quản lý hoạt động internet, trò chơi công cộng, trình xin ý kiến của các đơn vị liên quan như Công an thành phố, Sở GD- ĐT, các hội, đoàn thể …
Ông Phan Sỹ Quý – Trưởng phòng quản lý viễn thông, Sở TT-TT khẳng định: “Để làm tốt công tác quản lý internet, trò chơi công cộng, cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Giáo dục, định hướng trong mỗi gia đình, nhà trường, địa phương; tăng cường kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; nâng cao nhận thức cho chủ cơ sở kinh doanh … là những việc cần làm thật quyết liệt, đồng bộ.”
Phước Anh