Sông Lam Nghệ An và sự thụt lùi của nền bóng đá bao cấp

Trung Kiên 31/10/2019 19:00

(Baonghean.vn) – Lịch sử phát triển của đội bóng SLNA đã trải qua muôn vàn những thăng trầm. Bằng cái gốc và nền tảng là những tài năng, đội bóng xứ Nghệ vẫn luôn đứng vững. Tuy nhiên, trong thời “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, một biểu tượng đang trở nên "hấp hối" giữa thời cuộc.

Những giá trị vô hình

SLNA có những giá trị truyền thống mà không phải đội bóng nào tại V.League cũng có được. Tiền thân của SLNA là đội bóng mang bản sắc của Nghệ Tĩnh, bao gồm 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Nếu như xưa kia, Thể Công như là một “đội bóng quốc dân” vì hầu như gia đình nào cũng có con em đi bộ đội, thì SLNA luôn là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ. Từ những người đang sống tại quê nhà, cho đến những người xa xứ. Bóng đá là món ăn tinh thần và là sợi dây liên kết những người Nghệ lại với nhau. Mỗi năm, hàng nghìn chiếc áo SLNA được gửi sang các nước châu Âu, châu Á đã nói lên điều đó.

SLNA có một dàn cổ động viên hùng hậu khắp cả nước. Ảnh: Nguyệt Hà

Nghệ An không chỉ là đất học mà còn là một mảnh đất giàu tiềm năng bóng đá. Những chuyên gia có cơ sở để khẳng định như vậy bởi người dân xứ Nghệ đặc biệt yêu bóng đá. Xuất phát từ tình yêu, những tài năng trẻ Nghệ An nhiều nhan nhản khắp các huyện, thành, thị. Bóng đá Nghệ An và SLNA cũng là địa phương duy nhất trong cả nước có một hệ thống với 25 lớp bóng đá nghiệp dư tại các huyện, thị trong tỉnh.

Gần như mỗi xã, mỗi xóm làng đều có ít nhất 1 sân bóng đá. Đó là lý do mà hàng năm, các huyện đều tổ chức giải bóng đá trẻ, tạo sân chơi phát triển thể chất cho thanh, thiếu niên. Điển hình là Giải bóng đá TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An với 23 năm được tổ chức, Giải TN-NĐ huyện Quỳnh Lưu bước sang năm thứ 24, Giải của TP.Vinh có từ năm 1984. Chưa kể những mảnh đất truyền thống khác như Đô Lương, Hưng Nguyên hay nhân tố mới nổi Yên Thành, Nghi Lộc...

Khó có một địa phương nào tạo điều kiện cho bóng đá phát triển như Nghệ An. Hàng năm, lò đào tạo SLNA nhận nguồn ngân sách 25 tỷ đồng để duy trì nuôi dưỡng khoảng 250 VĐV trẻ. Đó là tiền đề để SLNA luôn cho ra những lứa cầu thủ xuất sắc, bấp chấp việc đội chuyên nghiệp năm nào cũng có trụ cột dứt áo ra đi.

Các đội trẻ SLNA vẫn liên tiếp gặt hái những thành công. Ảnh: Đức Anh

Nhân tài bóng đá Nghệ An nhiều đến mức các lò đào tạo lớn như Viettel, HAGL, Hà Nội, PVF cũng vào cuộc tìm kiếm những viên ngọc thô, cạnh tranh với chính SLNA. Thậm chí, tại Thị xã Cửa Lò cũng có một lò đào tạo trẻ - lò VSH. Đây cũng là nơi đã cho ra những Văn Công, Văn Đại, Ngọc Đức, Văn Hoàng, Văn Kiên...

SLNA không chỉ là nơi sản sinh ra những cầu thủ giỏi mà còn có nhiều nhà quản lý bóng đá đã khẳng định được tên tuổi. Hiện nay tại V.League, những Hữu Thắng, Quang Trường, Đức Thắng, Thành Công, Huy Hoàng... đều là những huấn luyện viên, cựu cầu thủ có tố chất. Lò SLNA cũng có một đội ngũ HLV trẻ giàu nhiệt huyết, đam mê.

Cơn "hấp hối" của bóng đá bao cấp

Khi bóng đá vừa bước lên sân chơi chuyên nghiệp, trong cơ chế thị trường, tỉnh nhà hỗ trợ, động viên các cầu thủ SLNA cống hiến cho quê hương bằng việc cấp đất thay vì lót tay tiền tỷ như các ông “bầu”. Nhưng rồi đó đã là câu chuyện của quá khứ. Bóng đá chuyên nghiệp đòi hỏi các CLB phải được cổ phần hóa và hoạt động như một mô hình doanh nghiệp. Phải tự cung, tự cấp, SLNA thoi thóp sống “ăn đong, ở đếm” suốt nhiều năm qua.

Có thể nói, SLNA vẫn sống khỏe trong giai đoạn 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, kể từ chức vô địch V.League 2011, ngoài tiền hỗ trợ của tỉnh, đội bóng xứ Nghệ chỉ có thể dựa vào một nguồn kinh phí duy nhất đó là Ngân hàng Bắc Á. Thực tế, để tìm được một nhà tài trợ như vậy trong lúc bóng đá chưa sinh lãi là điều rất khó khăn.

Những cầu thủ đã và sẽ ra đi của SLNA. Ảnh tư liệu

Mỗi năm, một đội bóng V.League cần khoảng 50 tỷ để đảm bảo duy trì hoạt động. Với SLNA, có một nguồn cầu thủ trẻ dồi dào, nội binh sẵn có thì 50 tỷ là một con số đáng mơ ước. Tuy nhiên, không có nhiều doanh nghiệp tại Nghệ An có lãi ròng trên 50 tỷ đồng để đầu tư bóng đá.

Tại V.League lúc này, CLB Viettel đang được chống lưng bởi một tập đoàn lớn, CLB Hà Nội dưới tay ông bầu Đỗ Quang Hiển. Hai thành phố lớn là Bình Dương và TP.HCM có quá nhiều thuận lợi để thu hút, tìm kiếm tài trợ. Có thể thấy, SLNA gặp bất lợi không nhỏ trong việc tìm cho mình một chỗ dựa về kinh tế.

Năm 2018 khi NH Bắc Á kết thúc 3 gói hợp đồng, 3 năm/ lần và SLNA một lần nữa đứng trước cơ hội lịch sử để thay đổi diện mạo. Tuy nhiên, những cuộc đàm phán đều rơi vào bế tắc và đổ bể nhiều nguyên nhân đáng tiếc. Đội bóng xứ Nghệ chỉ có thể duy trì hoạt động mùa giải 2019 nhờ vào khoản tiền 30 tỷ hỗ trợ thêm của NH Bắc Á và 20 tỷ đồng từ một doanh nghiệp địa phương.

Chưa có nhà tài trợ mới, hàng loạt trụ cột SLNA dứt áo ra đi. Ảnh tư liệu

Những con số nói trên không đủ để giúp SLNA trang trải những khó khăn tồn đọng trong suốt hàng chục năm qua. Và các trụ cột lần lượt phải tìm kiếm bến đỗ mới khi tương lai của V.League 2020 vẫn mù mịt. Các cầu thủ Nguyên Mạnh, Khắc Ngọc, Ngọc Toàn, Đình Hoàng được cho là đã ký hợp đồng sơ bộ với các CLB Viettel, SHB Đà Nẵng. Tất cả ngoại binh cũng đều nói lời chia tay SLNA.

Hiện tại, SLNA vẫn chưa tìm được nhà tài trợ mới và đang có một nút thắt nào đó cần được tháo gỡ. Đội bóng SLNA không thể mãi sống với những nghịch lý tồn tại bấy lâu nay. Các cầu thủ nội lẫn ngoại SLNA khi ra đi đều theo dạng tự do và đội bóng không nhận một khoản tiền chuyển nhượng nào. Đây là điều trái ngược lại với quy luật của bóng đá thế giới.

Với 14 cầu thủ hết hợp đồng, SLNA chỉ còn trông cậy vào các lão tướng như Quang Tình, Đình Đồng, Văn Bình và lứa cầu thủ sinh năm 1995-1996 như Văn Khánh, Tuấn Tài, Văn Đức, Xuân Mạnh và các cầu thủ trẻ U21.

Suốt 40 năm, SLNA chưa một lần xuống hạng và thương hiệu SLNA vẫn còn rất nhiều tiềm năng để xây dựng, phát triển và khai thác. Tuy nhiên, trên thực tế đội bóng xứ Nghệ lại trở nên "hấp hối", ,"thoi thóp" vì những tàn dư của thứ bóng đá bao cấp. Bóng đá là cuộc chơi tốn nhiều tiền bạc, bóng đá cần phải mang lại một lợi ích nào đó cho nhà tài trợ hoặc ít nhất là phải tự nuôi sống chính mình.

Đội U21 SLNA không có nhiều nhân tố tốt để có thể chơi tại V.League. Ảnh tư liệu

Năm xưa, các đội bóng như HAGL, SHB Đà Nẵng, Nam Định “cắp sách” vào Nghệ An học làm bóng đá. Bây giờ, mọi thứ đã đổi chiều, SLNA đang dần tụt hậu so với cách làm bóng đá của nhiều địa phương khác, từ tổ chức bộ máy, mô hình hoạt động, cho đến cách marketing, tìm kiếm tài trợ, khai thác thương hiệu, phân phối vé...

"Rất nhiều người có thể vạch ra một định hướng, một kế hoạch nào đó cho CLB SLNA. Tuy nhiên, để thực hiện được những kế hoạch đó trong thời buổi hiện tại không phải là điều dễ dàng".

BLV Ngô Quang Tùng

Tại V.League thời điểm này, SLNA là đội bóng duy nhất có 100% cầu thủ địa phương. Sân chơi V.League chắc chắn sẽ mất đi một phần hấp dẫn nếu thiếu đi những bản sắc SLNA, đặc biệt là trong bối cảnh giải đấu đang tồn tại vấn nạn một ông bầu nhiều đội bóng. Thế nên, đây là thời khắc cấp bách và quan trọng nhất, thương hiệu SLNA cần một sự chung tay, đồng bộ từ nhiều phía./.

Mới nhất
x
Sông Lam Nghệ An và sự thụt lùi của nền bóng đá bao cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO