Sông Lam Nghệ An: Vui lo chặng đường mới
(Baonghean.vn) - Khi SLNA chính thức có “nhà đồng hành, nhà tài trợ và quản lý mới” (lời ông Trương Sỹ Bá), người hâm mộ và cả những người có trách nhiệm đón nhận nhiều niềm vui và tất nhiên cũng không khỏi… bùi ngùi!
Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An chính thức có nhà tài trợ mới
(Baonghean.vn) - Chiều 1/6/2021, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức Lễ ký kết chuyển giao nhà tài trợ mới của Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chứng kiến lễ ký kết và tặng hoa cho 2 nhà tài trợ. Ảnh: Phạm Bằng |
Bùi ngùi là bởi những gì thiết thân, quen thuộc lâu nay tới đây có thể sẽ thay đổi, bị thay đổi hoàn toàn theo hướng “đau một lát, mát cả đời” và việc làm quen, thích ứng với cái mới, cái hay dù cần thiết đến mấy thì cũng cứ luôn “gây nhớ, gây thương” về những năm tháng không hẳn là vô nghĩa lý với nhiều người…
Chưa kể với tình trạng “truyền thông một chiều” rất có thể dẫn tới tư duy “phủ định sạch trơn” những gì SLNA từng đạt được trong nhiều năm qua, rằng cái gì cũ đều là lạc hậu, là bỏ đi và chỉ có người mới, việc mới mới là đáng kể!.
Ai ai cũng biết, nền tảng đào tạo trẻ của SLNA không chỉ được “thấy rõ, thấy hết và khắc phục nhanh” sau một buổi tham quan ở Đào Tấn, mà hệ thống này có “chân rết” ở nhiều nơi trong tỉnh từ nhiều năm qua, được gây dựng, góp sức từ bóng đá mẫu giáo, bóng đá thiếu niên - nhi đồng từ xóm, xã, huyện và lên tỉnh, từ công sức của nhiều người, của cả nhà nước lẫn người dân.
Người hâm mộ đang mong muốn SLNA sẽ trở lại với đúng vị thế của mình ở sân chơi chuyên nghiệp. Ảnh: Thành Cường |
Công và sức ấy là không thể đong đếm được và là nguồn lực vô tận cho đào tạo trẻ, không phải địa phương nào cũng có hay cứ bỏ nhiều tiền ra là có “ngay và luôn”.
Có thể ai đó sẽ “phản biện” về việc lò HAGL hay PVF sau này đã nhiều lần “vượt” lên lò SLNA về đào tạo trẻ và đó mới là nơi đáng để học tập? Rồi việc ĐTVN mới đây được thầy Park gọi rất đông Công Phượng và đồng đội HAGL từ lứa U19 nổi danh trong khi SLNA chỉ có mỗi Văn Đức là đáng chờ đợi?
Thoạt nghe thì điều đó đúng khi gần đây, HAGL và cả PVF quả thực đã trình làng một vài lứa cầu thủ nổi trội về nhiều mặt, nhưng xem ra chỉ có thế và chỉ đến thế mà thôi. Dễ dàng tính được con số các đội U SLNA đã qua mặt học trò thầy Giôm (Guillaume Graechen) bao nhiêu trận ở các giải trẻ gần đây? Và việc Đinh Xuân Tiến và đồng đội ở U17, U19 SLNA đá “hay mọi nhẽ” cùng với các lứa U khác thời gian qua cho thấy lò SLNA chưa bao giờ “hết đát” như ai đó vội nghĩ?
Tất nhiên, có vấn đề tiếp theo đáng nói (và có vẻ nhà đầu tư mới đã tinh tường nhận ra) là tại sao nguồn trẻ dồi dào và tài năng đến thế nhưng không thấy hiệu quả ở đội 1 SLNA nhiều năm qua?
Bóng đá Việt xuất hiện Quang Hải, Hùng Dũng hay Công Phượng, Văn Toàn… không bao giờ là ăn may và ăn xổi, mà là một quá trình đào tạo bài bản, công phu, nhất là sau khi họ đã có được những thành công ở các lứa trẻ.
SLNA thiếu và yếu nhất ở điểm này khi các lứa trẻ không được tiếp tục huấn luyện công phu, khoa học, mà được cho mượn tràn lan, tự học và tự trưởng thành là chính, với mục tiêu đơn giản và thô mộc là “chơi tốt để được gọi về đội 1 Sông Lam” và rõ ràng, rất nhiều tài năng đã không bao giờ có cơ hội trở về? Vào giải đường dài mà lúc nào cũng cứ “Văn Đức gánh team” thì mấp mé xuống hạng là điều không trốn đi đâu cho thoát?
Và đáng mừng là nhà đầu tư mới với các chuyên gia giỏi không khó để nhận ra chủ nghĩa kinh nghiệm đã và đang ngấm sâu vào công tác huấn luyện ở đội 1 SLNA dẫn tới kết quả như đã thấy.
Mặt cỏ sân Vinh sẽ được thay mới hoàn toàn. Ảnh tư liệu. |
Nhưng “bản sắc” của quân SLNA ngấm sâu trong từng hơi thở thì tất nhiên không thể từ “giáo án mới”, “phương pháp hiện đại” là có được. Đó là ý chí vượt khó, là lối đá không ngại va chạm (có thể nhiều khi thái quá, khiến ai đó khó chịu), là yếu tố màu cờ sắc áo trong từng pha bóng… là những điều mà bất cứ nhà cầm quân nào cũng không nên coi nhẹ khi ngồi trong khu kỹ thuật của SLNA.
Đó chính là những điều được các thế hệ đi trước dày công vun đắp và phát huy hiệu quả trong điều kiện tiềm lực mọi mặt rất hạn hẹp. Bỏ qua hoặc đánh giá không đúng điều “cốt tử” đó, hoặc có ý xây lắp một đội quân “liên hiệp quốc” ở sân Vinh là điều không thể xem nhẹ, xem thường?
Bóng đá là môn chơi khó tính, đỏng đảnh như nhiều người biết. Không có nguồn lực tài chính dồi dào như SLNA lâu nay thì không giữ được trò giỏi, thầy hay, không tậu được ngoại binh tốt và bạn bè yêu đến mấy cũng bất lực rồi lảng tránh. Nhưng khi có đủ nguồn lực rồi cũng không có nghĩa là thành công gõ cửa đều đặn sau mỗi trận đấu.
Chưa kể, SLNA là đội bóng giàu cá tính, hay thì rõ hay mà dở cũng nói không hết, bên cạnh thành trì kinh nghiệm không dễ gì phá bỏ ngày một, ngày hai. Cái mới, cái hay rất khó “nhập” nhưng khi đã thuận rồi thì phát huy vô cùng mạnh mẽ, không ai cản được.
Là để nói niềm vui lớn lao và lan tỏa khi đội bóng có người mới gánh vác với sức mới dồi dào. Tất nhiên, có nỗi niềm đâu đó luôn là điều không sao tránh khỏi. Giờ là lúc chờ kết quả cụ thể từ những việc làm cụ thể, khi trái bóng lăn trong vô vàn hồi hộp, âu lo, khi hồi còi kết thúc trận đấu vang lên và trên các khán đài sân Vinh rộn rã trống cờ hay im lặng nhọc nhằn.
Khi đó, hình ảnh đẹp nhất và đáng kính trọng nhất là ông chủ tịch CLB xuống sân cúi chào khán giả (tương tự như hình ảnh Abramovic của Chelsea mới đây), phải không những người cuồng-tín-bóng-đá-quê-choa?