'Sống mòn' bên bãi rác Đông Vinh

Tiến Hùng 30/11/2022 08:27

(Baonghean.vn) - Từ nhiều năm nay, người dân ở xã Hưng Đông (TP. Vinh) thường xuyên bị tra tấn bởi tình trạng ô nhiễm từ bãi rác khổng lồ nằm sát với khu dân cư. Trong khi đó, mặc dù chính quyền địa phương nhiều lần yêu cầu, nhưng phía doanh nghiệp vẫn không chịu xử lý khối lượng rác thải tồn đọng.

Khổ sở vì ô nhiễm

Ngày cuối tháng 11, đã gần trưa nhưng ông Ngô Công Viên (70 tuổi, xóm Vinh Xá, xã Hưng Đông) vẫn đang cặm cụi chăm sóc những luống rau còi cọc trên cánh đồng sau nhà. Kể từ khi trồng rau, lão nông này gần như dành cả ngày ở ngoài đồng để bón phân, múc nước tưới. Tuy vậy, những đám rau ông trồng vẫn èo uột, mãi không chịu tươi tốt.

“Đất bây giờ nhiễm mặn hết rồi. Rau sống được cũng nhờ tôi thường xuyên tưới nước, bón phân cho chúng”, ông Viên nói. Ông Viên là một trong những hộ hiếm hoi còn kiên trì trồng trọt trên cánh đồng này, bởi nhiều năm nay, khu vực này bị nước thải từ bãi rác khổng lồ cạnh đó gây ô nhiễm nặng, khiến đất bị thoái hóa.

Cạnh cánh đồng rau của ông Viên bây giờ là những thửa đất khô cằn, bị bỏ hoang. Không chỉ cánh đồng bị ảnh hưởng, người dân ở đây cũng thường xuyên bị mùi hôi thối từ bãi rác Đông Vinh tra tấn. Những nhà cách bãi rác khoảng 100m, người dân phải khổ sở chịu đựng cảnh ô nhiễm suốt hàng chục năm qua. “Bãi rác lâu rồi không hoạt động nên có đỡ hơn chút. Chỉ thi thoảng bị đào bới thì mùi hôi thối mới xộc đến khu dân cư. Còn trước đây, chúng tôi thường phải ăn cơm với ruồi”, ông Viên nói và cho hay, những ngày mưa xuống, nước từ những “ao tù” trong bãi rác vẫn chảy lênh láng ra bên ngoài, bốc lên mùi hôi thối nồng nặc.

Ông Viên bên những thửa đất bị thoái hóa. Ảnh: Tiến Hùng

Trong khi đó, vào mùa Hè, bãi rác thường xuyên xảy ra các vụ cháy. Nhiều vụ lửa cháy âm ỉ suốt nhiều ngày liền. Những lúc như vậy, khói bụi ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực xung quanh. Không chỉ đối với xã Hưng Đông, những lần xảy ra các vụ cháy bãi rác, người dân tận xã Nghi Kim cách đó khá xa cũng bị ảnh hưởng.

Theo ghi nhận của phóng viên, bãi rác chất cao gần 10m, trên diện tích rộng hàng chục nghìn m2. Do nhiều năm không hoạt động, cỏ dại đã mọc dày đặc trên bãi rác. Chính vì thế, mùa hè, cây cỏ khô héo, thường xuyên xảy ra các vụ cháy. Ở giữa bãi rác, vẫn còn nhiều hố nước lớn, màu đen kịt, bốc mùi nồng nặc. Theo người dân địa phương, mỗi lần có mưa lớn, nước từ những hố này sẽ tràn ra ngoài, gây ô nhiễm khu vực xung quanh.

"Ao tù" bên trong bãi rác khiến mỗi lúc mưa xuống chảy lênh láng ra bên ngoài gây ô nhiễm. Ảnh: Tiến Hùng

Chậm xử lý

Bãi rác Đông Vinh tồn tại mấy chục năm nay. Qua thời gian, lượng rác thải tập kết về bãi rác này ngày càng nhiều nhưng không được xử lý nên đã nhanh chóng quá tải, gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới đời sống người dân. Vì thế, từ những năm 2000, khu vực này ngừng hoạt động, toàn bộ rác thải của TP. Vinh được chuyển ra Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, huyện Nghi Lộc để xử lý.

Năm 2003, UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty CP Công nghệ môi trường xanh Seraphin (gọi tắt Công ty Seraphin) thực hiện dự án nhà máy xử lý rác thải với công suất xử lý 200 tấn/ngày đêm. UBND tỉnh sau đó cho Công ty Seraphin thuê hơn 30.000 m² đất tiếp giáp với bãi rác Đông Vinh để xây dựng nhà máy. Tháng 5/2005, nhà máy xử lý rác của Seraphin bắt đầu hoạt động. Nhà máy này có chức năng xử lý rác thải tươi (rác thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày) và rác thải khô (chôn lấp tại bãi rác). Tuy nhiên, Công ty Seraphin sau đó không xử lý rác tươi mà chỉ xử lý rác khô. Tính đến tháng 7/2013, nhà máy chỉ mới xử lý được 257.113 tấn rác. UBND TP. Vinh đã thanh toán tạm ứng cho Công ty Seraphin hơn 41,8 tỷ đồng.

Theo báo cáo của công ty, còn hơn 84.000 tấn rác bị bỏ lại đây. Ảnh: Tiến Hùng

Theo báo cáo của UBND TP. Vinh, sau một thời đi vào hoạt động nhà máy đã phát sinh một số vướng mắc, UBND tỉnh đã tổ chức làm việc, kiểm tra tại nhà máy và ngày 2/3/2006 đã có thông báo yêu cầu công ty hoàn thiện thiết bị công nghệ để hoạt động đúng công suất thiết kế và đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngày 26/12/2013, sau khi kiểm tra, UBND tỉnh đã giao UBND TP. Vinh chỉ đạo Công ty Seraphin hoàn thiện các thủ tục dừng thực hiện dự án. UBND TP. Vinh sau đó đã có văn bản yêu cầu Công ty Seraphin dừng mọi hoạt động tại nhà máy theo yêu cầu của UBND tỉnh. Do vậy, theo ước lượng của Công ty Seraphin hiện nay trong nhà máy đang tồn lại khối lượng rác đã chế biến khoảng 84.000 tấn, gồm 30.000 tấn gạch đá, cát, sỏi, thủy tinh, mảnh sành...; 20.000 tấn mùn hữu cơ đã phân loại; 34.000 tấn rác đã phân loại chờ đốt.

Kể từ đó đến nay, UBND tỉnh Nghệ An cũng nhiều lần đốc thúc các sở, ngành liên quan, UBND TP. Vinh và Công ty Seraphin xử lý dứt điểm rác thải còn tồn đọng tại bãi rác Đông Vinh trong thời gian sớm nhất, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường và đúng quy định…

Trước sự đốc thúc của UBND tỉnh, UBND TP. Vinh đã phát nhiều văn bản yêu cầu Công ty Seraphin khẩn trương xử lý số lượng rác tồn đọng nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. “Hiện nay, trong khu đất Nhà máy xử lý rác thải Seraphin còn tồn đọng 84.000 tấn chất thải chưa được xử lý triệt để và UBND TP. Vinh đã thanh toán cho Công ty kinh phí xử lý với số tiền trên 41 tỷ đồng. Vì vậy, Công ty CP Công nghệ môi trường xanh Seraphin phải có trách nhiệm giải quyết khối lượng rác còn tồn đọng nêu trên”, một trong hàng loạt văn bản của UBND TP. Vinh nêu.

Vào mùa Hè, bãi rác thường xuyên bị cháy, ảnh hưởng đến tận xã Nghi Kim. Ảnh: Tư liệu

Tháng 12/2021, lãnh đạo UBND TP. Vinh đã trực tiếp làm việc với đại diện Công ty Seraphin để tìm “tiếng nói chung”. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp này cho rằng, do bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp đã thay đổi, chuyển nhượng cổ phần nên không nắm đầy đủ quá trình giải quyết việc tồn đọng rác thải tại bãi rác Đông Vinh. Đại diện Công ty Seraphin cũng không quyết định được có thực hiện vận chuyển toàn bộ rác thải tồn đọng trong nhà máy hay không.

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo UBND TP. Vinh cho biết, Công ty Seraphin dây dưa với việc xử lý rác là do doanh nghiệp này cho rằng dự án được tỉnh mời về đầu tư, nhưng sau đó đã bị chấm dứt giữa chừng khiến doanh nghiệp bị thua lỗ. Đại diện doanh nghiệp này muốn tỉnh hỗ trợ kinh phí để thực hiện di dời số rác còn tồn tại bãi rác Đông Vinh và cho thực hiện dự án đốt rác phát điện tại bãi rác Nghi Yên để gỡ gạc.

Trong khi đó, ông Trần Anh Tấn - Chủ tịch UBND xã Hưng Đông cho biết, tình trạng ô nhiễm ở bãi rác khiến người dân bức xúc suốt nhiều năm nay. “Hầu như cuộc họp, cuộc tiếp xúc cử tri nào trong nhiều năm qua người dân cũng phản ánh tình trạng ô nhiễm. Người dân và chính quyền địa phương mong muốn khối lượng rác thải này sớm được xử lý”, ông Tấn nói.

Mới nhất

x
'Sống mòn' bên bãi rác Đông Vinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO