Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Yên Thành với tầm nhìn chiến lược mới

Bài: Văn Trường - KT: Lâm Tùng 15/06/2020 10:47

(Baonghean)- Sau 10 năm nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Thành đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Phóng viên báo Nghệ An đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Viết Hưng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Thành về quá trình xây dựng nông thôn mới và những kế hoạch tiếp theo của huyện trong quá trình xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Đồng chí Nguyễn Viết Hưng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch huyện Yên Thành. Ảnh: V.T

P.V: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong quá trình xây dựng huyện đạt nông thôn mới?

Đồng chí Nguyễn Viết Hưng: Yên Thành là huyện có diện tích lớn, với 39 xã, thị trấn; dân số đứng thứ 3 toàn tỉnh với gần 30 vạn dân nhưng 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Yên Thành đã đạt được những kết quả toàn diện, nổi bật. Sau những nỗ lực phấn đấu không ngừng trong nhiều năm qua, việc được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 là niềm vinh dự, tự hào to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.

Diện mạo nông thôn ở Yên Thành đã ngày càng khởi sắc. Ảnh: Tư liệu
Sau 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, huyện Yên Thành có nền kinh tế tiếp tục phát triển, an sinh xã hội đảm bảo, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu ngân sách hàng năm đạt trên 380 tỷ đồng. Có hơn 15.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, hàng năm gửi về trên 200 triệu USD, góp phần nâng cao thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 1,92%; 100% tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 43 triệu đồng/năm.
Tổng nguồn vốn của huyện Yên Thành huy động xây dựng NTM qua 10 năm gần 5,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 242 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 348 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 277 tỷ đồng, ngân sách xã hơn 1,3 nghìn tỷ đồng… Đặc biệt, huyện Yên Thành đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình thiết yếu. Rõ nét nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn ở Yên Thành được đầu tư xây dựng đồng bộ, tạo động lực quan trọng để đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Thu hút dự án JICA xây dựng kênh mương ở Yên Thành. Ảnh: Văn Trường

Đến thời điểm này, huyện Yên Thành đã có 38/38 xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Yên Thành đạt chuẩn văn minh đô thị. Yên Thành cũng đã đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới gồm: quy hoạch, giao thông, thủy lợi, y tế, văn hóa, giáo dục, sản xuất, môi trường, an ninh, trật tự xã hội.

P.V:Hướng tới xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, thời gian tới Yên Thành sẽ đưa ra những kế hoạch gì để thực hiện mục tiêu đề ra, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Viết Hưng: Từ những thành quả đã đạt được, UBND huyện Yên Thành tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt được một cách thực chất, bền vững; đồng thời tập trung chỉ đạo hướng tới xây dựng NTM nâng cao, thôn dân cư NTM kiểu mẫu.
Với việc xây dựng Yên Thành trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu, mục tiêu đến năm 2025, Yên Thành phấn đấu 50 - 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 3-5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tập trung mọi nguồn lực để tiếp tục xây dựng, nâng cấp các tuyến đường. Phấn đấu đến năm 2025, đường trục thôn, xóm, ngõ xóm được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt 100%. Các tuyến đường đều được trồng hoa, xây xanh, bóng điện thắp sáng đạt 50%. Đường trục chính nội đồng có tỷ lệ cứng hóa đạt trên 90%.

Làm giao thông nội đồng ở Tăng Thành. Ảnh: Hồ Các
Làm giao thông nội đồng ở Tăng Thành. Ảnh: Hồ Các

Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, phục vụ thi công dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An (dự án JICA) do Nhật Bản tài trợ, dự án WB8, chương trình biến đổi khí hậu. Đến năm 2025, phấn đấu 40 - 50% kênh mương được kiên cố hóa; 100% hồ đập được nâng cấp, đảm bảo an toàn.

Đầu tư xây dựng, nâng cấp các phòng học, phòng chức năng đảm bảo giữ vững các trường đã đạt chuẩn, đồng thời nâng cao số trường đạt chuẩn trên địa bàn huyện đạt 95% vào năm 2025. Thực hiện xã hội hóa đầu tư các công trình cấp nước sạch, chợ nông thôn, công trình thu gom, xử lý rác thải và một số công trình công ích khác, nhất là đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.

Để thực hiện mục tiêu trên, huyện Yên Thành sẽ triển khai cập nhật, bổ sung quy hoạch phát triển huyện và các xã để theo kịp với tình hình mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính hiệu quả, minh bạch trong điều hành, quản lý kinh tế - xã hội trên địa bàn; sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là coi trọng thu hút, sử dụng nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp. Huyện Yên Thành còn quan tâm, gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa tại các địa phương.

Yên Thành thu hút lĩnh vực may mặc (Nhà máy may Nhật Bản).
P.V:Huyện Yên Thành được nói nhiều tới thế mạnh nông nghiệp. Vậy theo đồng chí, trong giai đoạn mới địa phương cần làm gì để phát huy lợi thế này nhằm nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân?
Đồng chí Nguyễn Viết Hưng: Yên Thành sẽ triển khai thực hiện “Phát triển nông nghiệp huyện Yên Thành gắn với Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050” một cách hiệu quả. Tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chất lượng, an toàn thực phẩm.

Phát huy các lợi thế của từng vùng, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, bền vững và áp dụng quy trình sản xuất VietGAP trên một số cây trồng như rau, bưởi, cam, vật nuôi như gà, lợn. Thực hiện kế hoạch “Mỗi xã một sản phẩm”, Yên Thành đang tập trung chỉ đạo phấn đấu năm 2020 có thêm các sản phẩm bánh chưng Vĩnh Hòa, cam Đồng Thành, mật ong Tràng Kè, gà Yên Thành đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh, một số sản phẩm cấp huyện như lươn, nấm, tinh bột nghệ,...

Vườn ươm nhà lưới ở xã Tân Thành. Ảnh: Văn Trường
Vườn ươm nhà lưới ở xã Tân Thành. Ảnh: Văn Trường

Đưa nhanh các giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung chất lượng cao, theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm, gắn sản xuất với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa. Tiếp tục mở rộng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cam, bưởi, ổi... Phấn đấu đến năm 2025 diện tích cam, bưởi đạt 650 - 700 ha.

Mở rộng diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với một số loại rau, cây ăn quả, lúa, nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn trâu bò 44.000 con, đàn lợn 160.000 con, đàn gia cầm 3,5 triệu con.

Một góc thị trấn Yên Thành. Ảnh: Sách Nguyễn.

Yên Thành sẽ đẩy mạnh trồng, thâm canh, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, khuyến khích phát triển trồng rừng kết hợp với chăn nuôi, trồng cây dược liệu dưới tán rừng.

Chuyển đổi dần từ rừng keo nguyên liệu, khai thác gỗ non sang trồng và kinh doanh, khai thác rừng gỗ lớn gắn với quản lý rừng bền vững và thực hiện cấp chứng chỉ rừng (FSC). Phấn đấu đến năm 2025, khai thác gỗ rừng trồng 135.000 m3. Tập trung sản xuất thâm canh nuôi trồng thủy sản truyền thống; mở rộng diện tích, quy mô nuôi các con có giá trị kinh tế cao như ếch, ba ba, cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng, ốc bươu đen. Xây dựng thương hiệu lươn Yên Thành.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 dự án: Công ty TNHH Phát triển Chăn nuôi giống gia súc (thuộc Tập đoàn TH) với dự án du lịch sinh thái kết hợp với trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ tại hồ Vệ Vừng; dự án đầu tư nhà máy may với quy mô 7.000 -8.000 công nhân tại xã Công Thành...
PV:Xin cảm ơn đồng chí!

Mới nhất
x
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Yên Thành với tầm nhìn chiến lược mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO