Tằm thực phẩm cuối mùa nuôi không đủ để bán

Huy Thư 15/11/2018 14:46

(Baonghean.vn) - Những ngày này, người dân nuôi tằm ở xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn đang chăm chút những lứa tằm cuối mùa. Theo bà con, tằm thực phẩm năm nay càng cuối mùa càng được giá.

Có mặt tại nhà chị Phạm Thị Quế (43 tuổi) ở xóm 8, xã Khánh Sơn 1, trong ngôi nhà cũ, trên bàn, trên giàn tre giữa nhà kê khá nhiều nong tằm đang thời kỳ ăn lên. Vừa rải dâu, chị Quế vừa kể chuyện nuôi tằm và khẳng định “nhà mình đã có hàng chục năm trong nghề”.

3 năm trở lại nay, người dân Khánh Sơn chuyển sang nuôi tằm thực phẩm. Ảnh: Huy Thư
3 năm trở lại nay, người dân xã Khánh Sơn chuyển sang nuôi tằm thực phẩm. Ảnh: Huy Thư

Năm nay, nhà chị Quế dành 2 sào đất bãi để trồng dâu, mỗi tháng nuôi 1 lứa tằm. Với 1,5 vòng trứng, khi tằm ăn lên chị san được 7 nong tằm. Mùa hè khoảng 25 ngày hoàn thành một lứa; mùa đông cần thời gian dài hơn, khoảng 28 - 30 ngày. Mỗi lứa tằm tốt nuôi được khoảng 35 kg, bán với giá 80.000 đồng/kg, trừ chi phí chị thu về hơn 2,5 triệu đồng.

Chị Quế cho hay: “Ưu điểm của nuôi tằm thực phẩm là đơn giản ai cũng làm được, miễn rằng siêng. So với mấy chuyện chăn nuôi khác như lợn, gà, tôi thấy nuôi tằm đem lại thu nhập ổn định hơn, nói chung là dễ kiếm tiền. Năm nay, tằm càng về cuối mùa tằm được giá. Ngày nào cũng có người hỏi mua tằm mà không có để bán”.

Những nống tằm cuối mùa đang thì ăn lên. Ảnh: Huy Thư
Những nong tằm cuối mùa đang thì ăn lên. Ảnh: Huy Thư

Rời nhà chị Quế, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Hoàng (51 tuổi) - người cùng xóm. Đang phơi phân tằm giữa sân, ông Hoàng phấn khởi: "Nhà tôi năm nay dành 4 sào đất bãi để trồng dâu nuôi tằm, mỗi lứa ươm 2 vòng trứng được 9 - 10 nong tằm ăn lên. Ở nhà một mình, ngoài việc nuôi 3 con bò, ngan, gà tôi vẫn nuôi được khá nhiều tằm".

Ông Nguyễn Văn Hoàng đang san tằm. Ảnh: Huy Thư
Ông Nguyễn Văn Hoàng đang san tằm. Ảnh: Huy Thư

Dẫn khách vào nhà tham quan, ông Hoàng không ngần ngại chia sẻ những kỹ thuật nuôi tằm của gia đình. Trong ngôi nhà ngang, ông kê 2 dãy giá để những nong tằm lớn. Gian cuối ngôi nhà chính ông dùng làm nơi tập kết lá dâu. Hàng ngày ông đánh xe đi bãi hái 5 bì lá dâu cho tằm ăn dần trong 1 ngày đêm (6 lần/ngày). Mỗi lứa tằm nuôi tốt được khoảng 54 kg tằm chín, cho thu nhập khoảng 4 triệu đồng; ngoài ra còn có 40 kg phân tằm cũng được lái buôn mua với giá 3.000 đồng/kg.

Tằm thực phẩm đang độ
Tằm thực phẩm đang độ "chín" béo, mọng. Ảnh: Huy Thư

Theo ông Hoàng: “Tằm là loại thực phẩm bổ dưỡng, trong thời buổi loạn hóa chất này nó còn là sản phẩm sạch, dễ chế biến, nên được mọi người ưa thích. Tằm chưa “chín” đã có người đến nhà đặt hàng, do đó không lo đầu ra. Giá tằm cuối vụ ổn định từ 80.000 - 90.000 đồng/kg, có bao nhiêu hết bấy nhiêu”.

Nhờ nuôi tằm thực phẩm và biết kết hợp với các mô hình chăn nuôi khác gia đình ông Hoàng có nguồn thu nhập khá ổn định; riêng nuôi tằm đã thu về 40 triệu đồng/năm. “Người ta nói nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng, tuy bận bịu một chút nhưng trong sản xuất nông nghiệp, tôi thấy nuôi tằm có lợi nhất, ít vốn, khỏe người mà thu nhập nhanh” - ông Hoàng vui vẻ nói.

Mỗi nống tằm cho thu hoạch khoảng 5 kg
Mỗi nong tằm cho thu hoạch khoảng 5 kg tằm "chín". Ảnh: Huy Thư

Được biết nghề nuôi tằm ở Khánh Sơn đã có từ lâu đời. Trước đây, người dân nuôi tằm để lấy tơ, 3 năm trở lại nay chuyển sang nuôi tằm thực phẩm, tằm "chín" là bán làm thức ăn. Hiện trong xã chỉ còn khoảng 30 hộ dân đang duy trì nghề nuôi tằm, tập trung ở 2 xóm 8 và 10 .

Hộ nuôi tằm nhiều nhất là gia đình ông Hồ Đình Huy ở xóm 10, mỗi lứa thường ươm 3 vòng trứng, nuôi được khoảng 75 kg tằm thương phẩm.

Tằm được bà con chọn nuôi ở đây là loại tằm vàng Việt Nam đưa giống từ Thái Bình về. Giống tằm này có khả năng chống chịu tốt với thời tiết nóng, ẩm và ít bị bệnh; khi cho ra thành phẩm để làm thức ăn có chất lượng cao nên được khách hàng ưa thích.

Phân tằm cũng được lái buôn thu mua. Ảnh: Huy Thư
Phân tằm cũng được lái buôn thu mua. Ảnh: Huy Thư

Ông Hồ Đình Công - Bí thư Chi bộ xóm 8, xã Khánh Sơn cho biết: Nghề nuôi tằm thực phẩm khai thác được tiềm năng của vùng đất bãi ven sông Lam, tận dụng nguồn lao động nhàn rỗi và đem lại thu nhập cao cho nông dân. Tuy có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên, kinh nghiệm sản xuất, nhu cầu thị trường… nhưng việc mở rộng quy mô chăn nuôi và nhân rộng mô hình nuôi tằm ở các hộ gia đình đang còn hạn chế. Nếu được các cấp quan tâm, bà con mạnh dạn đầu tư thì nghề nuôi tằm ở Khánh Sơn sẽ có những bước phát triển mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Mới nhất
x
Tằm thực phẩm cuối mùa nuôi không đủ để bán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO