Tạo điều kiện hiện thực hóa mục tiêu nông nghiệp công nghệ cao
(Baonghean) - Huyện Nghĩa Đàn có đất đai phì nhiêu, con người sáng tạo, cần cù, hành lang pháp lý cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được ban hành. Trong điều kiện đó làm thế nào để mảnh đất trung tâm Phủ Quỳ vươn lên trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, là vấn đề được đặt ra, tập trung phân tích làm rõ trong cuộc làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh tại Nghĩa Đàn vừa qua.
Sinh động mô hình thực tiễn
Bên cạnh điểm nhấn là những dự án quy mô lớn hàng trăm triệu USD trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm nông, lâm nghiệp khép kín từ đầu vào cho đến đầu ra như sữa, rau, củ, quả hay gỗ, thì chính sách tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được triển khai vào thực tiễn ở Nghĩa Đàn đã có tác động như thế nào đến những hộ cá thể làm nông là câu hỏi được đặt ra?. Do đó, thay vì đến thăm các cơ sở sản xuất lớn, vừa qua Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh và đoàn công tác trong chuyến thăm, làm việc tại Nghĩa Đàn đã chọn thăm những mô hình kinh tế cá thể để trực tiếp “mắt thấy, tai nghe” người nông dân trong bối cảnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đang đặt ra hết sức cấp bách.
Đồng chí Lê Hồng Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn trao Giấy khen cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào chung tay xây dựng NTM xã Nghĩa Hưng. Ảnh tư liệu |
Xã Nghĩa Lộc được là địa phương “dân đông, xã đại” bậc nhất huyện Nghĩa Đàn. Nhìn chung đồng bào lương - giáo nơi đây luôn chung sức, đoàn kết khai thác tiềm năng địa phương xây dựng những mô hình phát triển kinh tế. Gia đình giáo dân Nguyễn Quốc Thuấn ở xóm Đập Đanh là một trong những điển hình đó.
Đón Bí thư Tỉnh ủy đến thăm trong ngôi nhà xây dựng khang trang, người nông dân hiền lành, chất phác này tự tin bộc bạch về hướng đi gây dựng cơ nghiệp của mình. Ông đã tập trung vào nuôi nhím với quy mô dao động 90 - hơn 100 con và đàn lợn rừng thả vườn quy mô 40 - 50 con. Ấn tượng với sự sáng tạo và cần cù chịu khó trong làm ăn của ông Thuấn, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh đã trao đổi nhiều với ông Thuấn về những vấn đề đặt ra như việc áp dụng khoa học và kỹ thuật vào sản xuất, đầu ra cho sản phẩm và động viên người nông dân này hướng dẫn, giúp đỡ thêm cho các hộ dân khác cùng làm ăn.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh thăm mô hình kinh tế của gia đình giáo dân Nguyễn Quốc Thuấn, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Thành Duy |
Đồng đất xã Nghĩa Phú cũng đang chứng kiến những bước thay đổi lớn từ bàn tay, khối óc, sự cần cù của những người nông dân; với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền cũng như vai trò đồng hành của doanh nghiệp. Giữa cái nắng chang khô rạc gió Lào, vườn bơ 250 cây 3 tuổi xanh mướt lúc lỉu quả của gia đình ông Trần Hưng Đạo, ở xóm Phú Lộc đã chứng minh cho sức lao động của chủ vườn. Vợ chồng người nông dân chủ vườn bơ đã không giấu được phấn khởi khi đón Bí thư Tỉnh ủy đến thăm. Giới thiệu về những triển vọng khi gắn với cây bơ, ông Đạo cho hay, chỉ mất công chăm sóc những năm đầu còn những năm sau khi cây lớn và khép tán thì làm “rất khỏe”. Điều trăn trở của gia đình là đầu ra cho sản phẩm. “Nếu đầu ra ổn định, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích trồng bơ thêm 2 ha. Vì cây bơ đã khẳng định phù hợp với điều kiện đất đai ở địa phương”, - vợ ông Đạo kiến nghị với Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác.
Bí thư Tỉnh ủy nghe ông Trần Danh Hải - Tổ trưởng tổ hợp tác trồng mía giới thiệu về mô hình trồng mía chất lượng cao tại xã Nghĩa Phú (Nghĩa Đàn). Ảnh: Thành Duy |
Trên những diện tích đất bazan màu mỡ cũng đã hình thành Tổ hợp tác sản xuất giống mía năng suất, chất lượng cao xã Nghĩa Phú với sự tham gia của 22 hộ. Ông Trần Danh Hải - Tổ trưởng phấn khởi giới thiệu với Bí thư Tỉnh ủy: “Giống mía chất lượng cao trồng trên 15 ha ban đầu nay đã nhân rộng lên diện tích 50 ha. Chu kỳ khai thác của giống mía này lên đến 5 năm và cho năng suất từ 80 - 100 tấn/ha. Mía khi thu hoạch cung cấp giống cho nông dân”. Đây thực sự là thông tin rất vui vì các hộ nông dân liên kết sản xuất theo tổ hợp tác là minh chứng sinh động cho lời giải bài toán tích tụ ruộng đất đến làm ăn lớn đang đặt ra trong bối cảnh hiện nay.
Ở Nghĩa Đàn, thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, cây ăn quả... được dùng giống mới có năng suất cao. Nhiều mô hình áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến, điển hình như: Hợp tác xã nông nghiệp cây ăn quả 1/5, trồng cam, quýt, bưởi quy mô 25 ha, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel, tưới phun mưa. Trang trại ông Trương Đình Thống, xã Nghĩa Long trồng cam, quýt quy mô 6 ha, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel kết hợp hệ thống điều khiển tưới tự động, theo dõi các chỉ số như: độ ẩm, gió, lượng mưa, độ PH...
“Lĩnh ấn tiên phong” tái cơ cấu nông nghiệp
Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn Vi Văn Định cho biết: Địa phương thực hiện tái cơ cấu gắn với các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực để hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn như: trồng cỏ, trồng cây nguyên liệu làm thức ăn cho gia súc; nguyên liệu mía đường và vùng sản xuất rau, củ, quả sạch... Trong lâm nghiệp cũng đi theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm phục vụ nguyên liệu cho Nhà máy chế biến gỗ MDF…
Trang trại nuôi bò sữa của Công ty CP Chuỗi thực phẩm TH tại huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Sỹ Minh |
Bày tỏ sự phấn khởi khi giấc mơ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến mà tỉnh nhen nhóm và được xem là nhiệm vụ mang tính chiến lược, lâu dài, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp đang dần trở thành sự thật ở Nghĩa Đàn, đại diện các sở, ngành có những gợi mở, góp ý củng cố thêm niềm tin, cách làm, hướng đi cho địa phương. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Tiến Lâm đánh giá sự trù phú, phì nhiêu miền đất đỏ bazan: “Điều kiện mà Nghĩa Đàn có là giấc mơ của người làm nông nghiệp”.
Từ đó, dưới cách nhìn của một nhà quản lý về nông nghiệp, ông Lâm nêu mệnh đề: “Xây dựng nông thôn mới là mục tiêu, còn nâng cao đời sống nhân dân, gắn với giảm nghèo bền vững, cải thiện hạ tầng nông thôn là nhiệm vụ, thì lấy cơ cấu sản xuất nông nghiệp làm giải pháp”.Cho nên, Nghĩa Đàn cần tiếp tục hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao với 3 nhóm sản phẩm chủ lực là cây mía, cây lâm nghiệp và cây để làm thức ăn cho gia súc gắn với các doanh nghiệp chế biến lớn trên địa bàn.
Đồng tình với các ý kiến trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng đặt rất nhiều kỳ vọng vào “đầu tàu Nghĩa Đàn” trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới: “Huyện nên có chiến lược nghiêm túc để nhân rộng các giống cây, con có hiệu quả. Nghĩa Đàn phải tiên phong trong lĩnh vực này, phải bứt phá trong mô hình sản xuất và chăn nuôi”. Còn Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền cho rằng, huyện đánh giá tổng quát về hoạt động các hợp tác xã, tổ hợp tác để có giải pháp chỉ đạo, củng cố để làm “bà đỡ” cho người nông dân, vì đến nay toàn huyện mới chỉ có 12 HTXNN đăng ký lại hoạt động theo Luật HTX 2012.
Giống mía cho năng suất cao đang được trồng tại xã Nghĩa Phú (Nghĩa Đàn). Ảnh: Thành Duy |
Trực tiếp thăm các mô hình, lắng nghe ý kiến góp ý, trao đổi thẳng thắn, cởi mở của các ngành và lãnh đạo huyện, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, Nghĩa Đàn đang đi đúng hướng với mô hình huyện nông nghiệp phát triển gắn với vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp; do đó cần bám vào tiềm năng, lợi thế để tạo động lực mới vươn lên.
Tuy nhiên, về tổng quan, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, Nghĩa Đàn cần đảm bảo cho người dân có tư liệu sản xuất và tiếp cận phương thức sản xuất mới hiệu quả, vì hai yếu tố này là gốc rễ của vấn đề giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, việc tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp với việc gắn vai trò của doanh nghiệp và định hướng thị trường của cấp ủy, chính quyền cho nông dân phải thực sự được quan tâm. Tuy nhiên, để làm được vấn đề này, Bí thư Nguyễn Đắc Vinh đề nghị, UBND tỉnh và các ngành liên quan có hướng dẫn cụ thể, phối hợp với Nghĩa Đàn cùng thực hiện.
Đặc biệt, để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thành công, thì yếu tố con người vẫn phải đặt lên hàng đầu và có tính chất quyết định, do đó, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh việc Nghĩa Đàn phải tập trung cho giáo dục để đào tạo nguồn nhân lực. “Ngoài giáo dục phổ thông tốt thì huyện cần phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện công tác đào tạo nghề” - Bí thư Tỉnh ủy chỉ rõ.
Có thể nói, Nghĩa Đàn với điều kiện hết sức thuận lợi được tỉnh giao “lĩnh ấn tiên phong” tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nếu thành công không chỉ mang lại động lực phát triển cho địa phương này, mà còn có tác động sâu sắc đến sự phát triển của cả miền Tây Nghệ An.
Thành Duy