Thách thức với ngành kiểm toán trong thời kỳ công nghệ 4.0
Kiểm toán Nhà nước tổ chức Hội thảo “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những thách thức đối với Kiểm toán viên Nhà nước” (ngày 15/11), nhằm nâng cao nhận thức về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nhận diện những thách thức đối với Kiểm toán viên Nhà nước để chủ động bắt kịp với xu thế của thời đại.
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: Đây là một cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên nền internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.
Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc |
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới về các doanh nghiệp hàng đầu; lao động phổ thông chi phí thấp ngày càng mất dần lợi thế; sản xuất chuyển dần từ các nước có nhiều lao động phổ thông và tài nguyên sang những nước có nhiều trung tâm nghiên cứu, phát triển, nhiều lao động có kỹ năng, chuyên môn cao và gần thị trường tiêu thụ.
Những đột phá về công nghệ trong các lĩnh vực năng lượng, vật liệu, internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, người máy, in 3D giúp giảm mạnh áp lực chi phí, qua đó giảm giá cả hàng hóa và dịch vụ.
Ông Hồ Đức Phớc cho biết: Việc tiếp cận thành tựu cách mạng sản xuất mới sẽ tạo ra công cụ đắc lực giúp Việt Nam tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những cải cách công nghệ mang tính đột phá có thể dẫn đến những điều kỳ diệu trong sản xuất và năng suất, tác động tích cực đến tăng trưởng dài hạn.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức mới đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Đó là thách thức tụt hậu xa hơn, nếu không chủ động đi đúng hướng, không bắt đúng nhịp, lao động chi phí thấp mất dần lợi thế, khoảng cách công nghệ và tri thức nới rộng hơn dẫn đến phân hóa xã hội sẽ sâu sắc hơn.
Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, chủ động nắm cơ hội vượt lên thách thức là trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi đơn vị. Kiểm toán Nhà nước cần và thực hiện chiến lược, kế hoạch phù hợp, chủ động xây dựng cuộc cách mạng 4.0, đặc biệt là nâng cao năng lực hoạt động kiểm toán, áp dụng quy trình, công nghệ hiện đại, công cụ công nghệ thông tin tiện ích tối ưu, kỹ năng mới, phương tiện thiết bị hiện đại để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng: Để hội nhập với thế giới văn minh đang tiến bước mạnh mẽ vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, điều quan trọng là phải đổi mới đúng hướng hiện đại hóa của nền giáo dục nhằm đào tạo ra đội ngũ lao động có đủ tri thức và kỹ năng thích ứng với thời đại mới. Kiểm toán viên Nhà nước cần nâng cao hiểu biết, kỹ năng thực hành, ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.
Trong tương lai, các đơn vị được kiểm toán thuộc các bộ, ngành, địa phương sẽ tăng cường công tác ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của mình, từ hoạt động quản lý đến công tác tài chính, kế toán. Để nâng cao hiệu quả kiểm toán, mỗi Kiểm toán viên phải có trình độ tương ứng để có thể tìm hiểu, sử dụng thành thạo các công cụ mà đơn vị được kiểm toán sử dụng. Ngoài ra, việc hiểu biết về công nghệ số cũng giúp quá trình quản lý, trao đổi thông tin trong nội bộ Kiểm toán Nhà nước được nhanh gọn, thuận tiện và cẩn trọng hơn, nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động kiểm toán.
Các tham luận tại Hội thảo đã thảo luận một số nội dung chính như: Làm rõ đặc điểm, bản chất, những đặc trưng của cách mạng công nghiệp 4.0; phân tích, đánh giá cơ hội, thách thức đối với ngành kiểm toán nói chung và Kiểm toán viên Nhà nước nói riêng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0; yêu cầu chỉ ra giải pháp, trách nhiệm của ngành Kiểm toán Nhà nước trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
» 'Nói ít về 4.0 thôi, hãy làm đi'
» Không chấp hành quyết định kiểm toán bị phạt tới 100 triệu đồng
Theo Đỗ Bình/baotintuc
TIN LIÊN QUAN