Thái Hòa: Điểm nhấn du lịch miền Tây
(Baonghean) - Thái Hòa - cửa ngõ miền Tây Bắc xứ Nghệ, nơi giao thoa các giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, nơi kết nối giữa quá khứ và hiện tại bằng những di tích lịch sử có tầm vóc thời đại. Tất cả vẽ nên một bức tranh đầy sắc màu cuộc sống, sinh động và hấp dẫn, trở thành điểm nhấn trong tour du lịch “lên với miền Tây”.
Lễ rước Vạc Đồng trong Lễ hội Làng Vạc. |
Nếu miền Tây Nam Nghệ An là dải núi đồi cao trập trùng ôm trọn dòng sông Lam chở nặng phù sa thì mạn Tây Bắc lại có cao nguyên Phủ Quỳ khoáng đạt, trù phú và một miền văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc được bao bọc bởi dòng sông Hiếu thơ mộng. Giữa không gian bao la, bát ngát đó, đô thị Thái Hòa trở thành điểm giao thoa, kết nối các đầu mối giao thông và các giá trị văn hóa bản địa. Bởi vậy, mảnh đất Thái Hòa hôm nay luôn ẩn chứa những điều sâu lắng, kỳ thú chờ du khách khám phá.
Không đi đâu xa, chỉ ra khỏi trung tâm thị xã theo hướng Đông Nam khoảng 5 km, tạm xa cái nhịp sống ồn ào, náo nhiệt của chốn thị thành, chúng ta sẽ bắt gặp một vùng quê yên bình, nằm ẩn mình sau những rừng cao su xanh mướt mát mang tên làng Vạc (xã Nghĩa Hòa) - nơi còn lưu giữ những giá trị của nền văn hóa Đông Sơn hàng ngàn năm trước. Sau 5 lần khai quật, tại làng Vạc đã phát hiện 347 ngôi mộ, thu được 1.228 hiện vật, trong đó đồ đồng 665 chiếc. Cuộc khai quật lần thứ 5 ở xóm Đình phía Đông Bắc đã chỉ ra nơi cư trú của họ. Do vậy, làng Vạc thuộc loại hình di tích cư trú – mộ táng, điều này giúp chúng ta hiểu rõ cuộc sống của cư dân Đông Sơn một cách khá hoàn chỉnh mà ít nơi nào có được. Giáo sư Hoàng Xuân Chinh trong bài “Tầm vóc làng Vạc - một trung tâm văn hóa lớn trên lưu vực sông Cả” đã khẳng định: “Làng Vạc là một di tích cư trú - mộ táng văn hóa Đông Sơn có vị trí quan trọng vào bậc nhất nhì nước ta... Với sự có mặt của làng Vạc, vùng đất Nghệ Tĩnh không còn là đất ven rìa của văn hóa Đông Sơn nữa mà là vùng phân bổ quan trọng của văn hóa Đông Sơn như các vùng lưu vực sông Hồng, sông Mã”.
Năm 1999, làng Vạc được công nhận Khu di tích lịch sử quốc gia và bắt đầu tổ chức lễ hội thường niên. Về với làng Vạc chính là về với cội nguồn, thắp một nén nhang thơm để tri ân các bậc tiên tổ đã có công mở đất, lập làng, lưu truyền cho hậu thế. Năm 2011, UBND tỉnh đã có Quyết định số 24/QĐ. UBND – CN về quy hoạch chi tiết xây dựng Khu bảo tồn di chỉ khảo cổ học gắn với du lịch sinh thái để xây dựng làng Vạc trở thành điểm đến, một địa chỉ du lịch tâm linh về với cội nguồn. Theo đó, Khu di tích sẽ có tổng diện tích 155,94 ha với các phân khu chức năng như: Khu khảo cổ, đình Làng Vạc, hệ thống cây xanh cảnh quan, khu hành chính, dịch vụ du lịch; khu nghỉ dưỡng; khu cải tạo xem dắm; khu dự phòng phát triển và khu cây xanh bảo vệ kết hợp trồng rừng.
Bởi vậy, chỉ trong nay mai, Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia làng Vạc không chỉ có giá trị nghiên cứu khảo cổ học mà còn là khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi kết hợp nghiên cứu tìm hiểu bản sắc, tập quán của các đồng bào dân tộc trong vùng. Đồng chí Hoàng Nghĩa Thái - Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa cho biết: Vinh dự có khu di tích trên địa bàn xã nhưng Nghĩa Hòa thấy rõ trách nhiệm cao trong việc giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử. Do vậy, xã đã thành lập Ban quản lý khu di tích, phân công cụ thể các bộ phận hướng dẫn, đón tiếp đáp ứng du khách khi có nhu cầu. Đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện theo quy hoạch.
Thị xã Thái Hòa hôm nay. |
Một “địa chỉ đỏ” trong tour du lịch về với Thái Hòa, lên với miền Tây xứ Nghệ đó là Khu di tích Bác Hồ về thăm và nói chuyện với nhân dân Phủ Quỳ tại xã Đông Hiếu. Những hiện vật còn lưu giữ tại Nhà truyền thống Nông trường Đông Hiếu đã góp phần tái hiện lại chuyến thăm và nói chuyện của Bác vào ngày 10/12/1961. Vẫn còn đó chiếc micro Bác dùng để nói chuyện với đồng bào, chiếc giường đơn mộc mạc Bác đã nghỉ trưa; chiếc bát, đôi đũa Người dùng bữa trưa với cán bộ tỉnh Nghệ An, cán bộ nông trường... Và rất nhiều hình ảnh ghi lại các hoạt động khi Bác Hồ về thăm Đông Hiếu vẫn còn lưu giữ, trưng bày cẩn thận. Từ khoảnh khắc khi Người bước xuống trực thăng, thăm lô cà phê, thăm trang trại chăn nuôi, nói chuyện với đồng bào... cho đến hình ảnh khi chiếc máy bay chở Người rời khỏi Phủ Quỳ trong cảm xúc bịn rịn của người dân.
Những kỷ vật, tấm ảnh dẫu mộc mạc, giản dị nhưng khắc họa chân thực, đọng lại ấn tượng sâu lắng về chân dung vị “Cha già kính yêu” của dân tộc Việt Nam. Trong phạm vi quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, Thị xã Thái Hòa đã đưa vào sử dụng Nhà tưởng niệm Bác Hồ trong khuôn viên UBND xã Đông Hiếu. Tại đây, toàn bộ ảnh tư liệu về chuyến thăm Đông Hiếu của Bác Hồ được trưng bày theo trình tự, không gian sống động. Để Khu di tích luôn phát huy tốt giá trị, nhất là giá trị giáo dục truyền thống. Toàn bộ diện tích 97.038m2 của khu di tích được chia làm 10 khu chức năng chính, gồm: khu tưởng niệm Bác, ao cá Bác Hồ, vườn cây lưu niệm... Đồng chí Nguyễn Văn Niên – Bí thư Đảng ủy xã Đông Hiếu nhấn mạnh: Đảng bộ và nhân dân Đông Hiếu luôn gìn giữ, phát huy giá trị những hình ảnh, hiện vật trong chuyến thăm và nói chuyện của Bác và xem đó là động lực để phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Và sau đó du khách sẽ được hòa mình vào sự năng động, trẻ trung của thị xã trẻ bên bờ sông Hiếu. Trong sự náo nhiệt đó, du khách sẽ có được những khoảng không gian tĩnh lặng cần thiết, cảnh vật lãng mạn đẹp mê người khi thăm Khu lâm viên Bàu Sen, thả hồn thưởng thức những món ẩm thực miền Tây trên Khu du lịch sinh thái Khe Vịnh, hay tận hưởng một không gian thoáng đãng, mát mẻ tại các nhà hàng khu vực kè bờ Tây sông Hiếu...
Xuất phát từ tiềm năng, lợi thế mà Thái Hòa đã quy hoạch, thực hiện quy hoạch và đang dần hiện hữu một chuỗi các điểm đến trong tour du lịch văn hóa - lịch sử - sinh thái trên địa bàn. Và với lợi thế Trung tâm vùng Tây Bắc xứ Nghệ, giao điểm của QL48, đường Hồ Chí Minh, từ Thái Hòa hình thành các tuyến du lịch đi đến các di tích hang Rú Gám - cây đa làng Trù (Nghĩa Khánh - Nghĩa Đàn), hồ sông Sào và nối thêm điểm đến lên với làng Thái cổ Châu Tiến, hang Bua (Quỳ Châu); thác Sao Va, đền Chín Gian (Quế Phong) hay xuôi về cột mốc số 0 - Thị trấn Lạt (Tân Kỳ), điểm mở đầu cho con đường huyền thoại Hồ Chí Minh... Đồng chí Lê Phúc Ân - Chủ tịch UBND thị xã cho biết: Trên cơ sở quy hoạch tại các khu di tích đã được UBND tỉnh phê duyệt, Thị xã Thái Hòa tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư hạ tầng phát triển du lịch dịch vụ. Đây là một trong những giải pháp để nền kinh tế thị xã chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với định hướng trở thành trung tâm vùng về kinh tế dịch vụ - du lịch.
Hữu Nghĩa